29/10/2023 - 09:01

Chùa Hang ở An Giang 

Chùa Hang (ảnh), tên chữ là Phước Ðiền tự, là một trong những ngôi cổ tự ở An Giang được hình thành gần 200 năm. Chùa nằm lưng chừng phía Tây của Khu di tích và danh thắng núi Sam, lưng tựa vào núi, mặt chính hướng về phía Bắc, còn xung quanh cây đá chập chùng.

Lịch sử khai sơn

Chùa Hang được khai sơn vào năm Thiệu Trị thứ 5, Ất Tỵ (1845), do Tỳ kheo ni Thích nữ Diệu Thiện, tên thường gọi là sư Bà Thợ (1818-1899) sáng lập.

Truyện kể rằng: Vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX có một thiếu nữ tuổi ngoài 20 đến quy y tại chùa Tây An. Vị sư nữ này tên là Lê Thị Thơ, pháp danh Diệu Thiện, sinh năm Mậu Dần (1818), quê quán ở Chợ Lớn, làm nghề thợ may. Có lẽ vì vậy người ta gọi là Bà Thợ. Trước khi xuất gia, Bà Thợ có chồng, do sự hà khắc của gia đình bên chồng, bà chán ngán cuộc đời tục lụy, muốn tìm chỗ an nhàn vĩnh cửu cho mai sau. Sau một thời gian tu ở chùa Tây An, Bà Thợ muốn tìm một chỗ thanh vắng để dễ bề tu niệm. Qua những ngày tìm kiếm, lòng ước mong của bà được toại nguyện, bà tìm được cái hang yên tĩnh, ít người lui tới. Bà che mái lá ngoài miệng hang rồi ở tu (...) Người ta tìm đến quy y thọ giáo với bà rất đông. Cùng với việc giảng dạy đạo lý, Bà Thợ bốc thuốc trị lành nhiều bệnh hiểm nghèo. Ngày 15 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1899), Bà Thợ viên tịch, thọ 81 tuổi. Ngày nay, trong dân gian còn lưu truyền cuốn "Sấm giảng Bà Thợ", lời lẽ giản dị dễ hiểu, khuyên người đời làm lành
lánh dữ (1).

Kiến trúc và bài trí

Ban đầu, Chùa Hang được xây cất bằng tre lá đơn sơ, qua thời gian, qua nhiều đời trụ trì cùng với đóng góp của các nhà hảo tâm, ngôi chùa tiếp tục được tôn tạo và xây dựng thêm. Cụ thể: Năm 1885, do cảm mến đức độ của Bà Thợ, ông phán Thông ở Châu Ðốc và nhân dân quanh vùng tự nguyện góp tiền của xây dựng lại chùa Hang lần thứ hai khang trang hơn. Nền lát gạch tàu, cột gỗ căm xe, lợp ngói móc, kèo rui gỗ thao lao. Ðến năm 1946, hòa thượng Nguyễn Văn Luận, người trụ trì đứng ra sửa chữa một lần nữa, diện mạo của chùa mới càng thêm khang trang. Chùa có mặt chính 11m, mặt hông 10m, nền cuốn đá xanh cao ráo, tráng xi măng, trước bàn thờ Phật lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột bê tông cốt sắt, lợp ngói đại ống, có nhiều bàn thờ Phật.

Từ cổng chùa du khách lần theo các bậc thang khoảng 300m là đến nơi. Chùa Hang có hai khu vực khác nhau: phần trên cùng là hang đá thiên nhiên và chính điện, phần dưới thấp là ngôi hậu tổ, nhà khói và các tháp. Phía sau ngôi chính điện có một hang đá thiên nhiên, miệng hang cao hơn 2m, rộng 1,6m. Với khoảng không đó, lòng hang đá rộng chạy sâu vào ruột núi 12m rồi rẽ xuống hẹp dần. Có người cho rằng hang đá ăn thông ra biển Hà Tiên. Từ cái hang này mà danh hiệu chùa Hang được truyền tụng cho đến ngày nay.

Ngày nay, ngôi chính điện rất kiên cố, thoáng mát do gió từ hang đá thổi ra. Chính điện có rất nhiều hoành phi, liễn đối mang màu sắc triết lý Phật giáo. Chẳng hạn như câu đối trước miệng hang: "Sơn trí cao thủy trí thâm, thâm suyển tì hạnh nguyện / Tu nhất kiếp ngộ nhất thời, thời chứng quả vô sanh" (tạm dịch: "Non càng cao nước càng sâu, sâu cạn theo hạnh nguyện / Một kiếp ngộ một giờ, giờ sớm chứng quả vô sanh"). Hay câu đối trước bàn thờ Phật: "Mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách / Kinh thinh Phật hiệu oán hồi khổ hải mộng mê nhân" (Tạm dịch: "Chiêng trống ngân lên thức tỉnh người đời ham danh lợi / Nghe kinh Phật người nghe mới thấy đời là giấc mộng").

Tại chánh điện xuống mấy bậc thang đá là ngôi hậu tổ. Theo dạng kiến trúc chùa chiền, mặt chính là chính điện, sau chính điện là hậu tổ, còn ở đây lại khác, do điều kiện núi non, cho nên từ dưới đường đi lên, ta đến ngôi hậu tổ trước rồi lên nữa mới đến chính điện. Theo lời kể của các nhà sư, ngôi hậu tổ này do Bà Thợ dựng lên đầu tiên, nhưng vào năm nào không còn ai nhớ rõ. Ðến năm 1931, hòa thượng Nguyễn Văn Luận đứng ra sửa chữa cho đến ngày hôm nay. Ngôi hậu tổ là nơi sinh hoạt, học tập của các nhà sư, chiều ngang 15m, dài 16m, nền lát gạch tàu, tường gạch, cột tròn bê tông, lợp ngói móc. Kiến trúc chắn chắn, đồ sộ, nghệ thuật đơn giản, các hoa văn, hoành phi, liên đối cũng không có gì rườm rà.

Phía bên phải ngôi hậu tổ là Tháp Bà Thợ xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Nơi đây có nhiều hoa kiểng đẹp. Trải qua một thế kỷ, Tháp Bà Thợ phủ rêu phong, càng làm tăng thêm nét cổ kính, trầm mặc của ngôi chùa. Ở đây, thiên nhiên và kiến trúc quyện lại với nhau duyên dáng hài hòa. Ðứng ở hành lang hậu tổ nhìn về phía Tây Nam, du khách thấy cả một bức tranh sơn thủy hữu tình gồm trời mây sông núi và làng mạc bảy núi xanh tươi hùng vĩ, hay nhìn về phía Ðông Bắc thấy cả vùng rộng lớn kinh Vĩnh Tế, Châu Ðốc…

Hằng năm, chùa Hang có các ngày cúng tế: rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười và rằm tháng sáu (ngày giỗ Bà Thợ). Nhân dân đến chiêm bái rất đông (2).

Giá trị lịch sử - xã hội

Chùa Hang và cụm di tích miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An... không chỉ phản ánh đời sống tinh thần của người dân địa phương ở miền biên viễn xa xôi trong quá trình khẩn hoang và phát triển vùng Châu Ðốc tân cương mà còn phản ánh lịch sử - xã hội của vùng đất này từ lúc khai phá cho đến thế kỷ XIX. "Ðịa hình nơi đây có nhiều nét lạ, giữa đồng bằng phì nhiêu lại mọc lên một dãy núi vài chục ngọn cùng với những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm. Núi là sự bí ẩn rồi chuyển sang màu nhiệm khi có một số hiện tượng xảy ra mà người ta không lý giải được. Nếu không mạo hiểm, ít ai dám bén mảng tới gần những ngọn núi này, ngoài rừng rậm âm u, khí hậu khắc nghiệt, còn có nhiều thú dữ. Rắn độc sống lâu năm rất to và hung dữ, các loài gấu, cọp, beo, heo rừng, khỉ… quen sống hoang dã, gặp người là tấn công"(3). Dù nhiều hiểm nguy như vậy, nhưng vào thế kỷ này, các bậc tiền nhân cơ bản đã hoàn tất công cuộc khẩn hoang, đất đai được khai phá với diện tích lớn, dân cư tụ về đông đúc, chủ quyền vùng đất được xác lập.

Chùa Hang thuộc quần thể Khu di tích và danh thắng núi Sam, TP Châu Ðốc, tỉnh An Giang, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 92-VHTT/QÐ ngày 10-7-1980 công nhận là di tích quốc gia. Nơi đây thu hút đông đảo khách hành hương và du khách trên khắp mọi miền đất nước. Từ vẻ đẹp sẵn có của thiên nhiên, lại được bàn tay con người vun đắp, chùa Hang càng tăng thêm sự hấp dẫn khách tham quan và du lịch. Vì vậy, chùa Hang cũng là một địa điểm du lịch lý tưởng của vùng Châu Ðốc - An Giang. 

Trần Kiều Quang

-----------------

(1) UBND tỉnh An Giang (2007), "Ðịa chí An Giang", tr.290.

(2) UBND tỉnh An Giang (2007), Sđd, tr.291-292.

(3) Trịnh Bửu Hoài (2017), "Tín ngưỡng dân gian vùng thất sơn và biên thùy Châu Ðốc", trong: Hội thảo khoa học Lịch sử 260 năm từ Châu Ðốc đạo đến TP Châu Ðốc (1757-2017), tr.315.

Chia sẻ bài viết