Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua, ngành Giao thông vận tải TP Cần Thơ cùng các địa phương đặc biệt chú trọng huy động các nguồn vốn cho công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông. Qua đó, đảm bảo cho người dân và phương tiện lưu thông được thuận lợi, an toàn...
Huy động nguồn lực
Những năm gần đây, hệ thống đường giao thông của TP Cần Thơ không ngừng được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có khoảng 140km tuyến quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý; các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý khoảng 160,1km; các tuyến đường do quận, huyện quản lý gồm 201km đường đô thị và 1.944km đường huyện, đường xã.
Công trình nâng cấp, mở rộng đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều.
Các tuyến đường với lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, cùng ảnh hưởng từ mưa lũ, triều cường, mặt đường dễ xuống cấp bong tróc, hư hỏng, không chỉ gây mất an toàn khi phương tiện lưu thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan. Do vậy, công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu đường được thành phố quan tâm. Theo ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, Sở Giao thông vận tải ban hành văn bản đề nghị UBND các quận, huyện có kế hoạch kịp thời ứng trực, sửa chữa, khắc phục hư hỏng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt trong dịp lễ Tết, mùa mưa lũ và triều cường dâng cao… Sở tranh thủ các nguồn vốn thực hiện thường xuyên công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường bộ trên địa bàn thành phố, bảo đảm chất lượng, an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, trong năm 2024, các tuyến quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý được bố trí khoảng 120 tỉ đồng để duy tu, sửa chữa các hạng mục cầu, đường. Khu Quản lý đường bộ IV đã triển khai thực hiện và hoàn thành 6 tuyến quốc lộ qua địa bàn thành phố, gồm: quốc lộ 1, quốc lộ 91, quốc lộ 80, quốc lộ 61C, quốc lộ Nam Sông Hậu và cầu Cần Thơ. Đối với các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý được bố trí khoảng 95,823 tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn bảo trì đường bộ là 47,823 tỉ đồng; nguồn vốn sự nghiệp giao thông là 48 tỉ đồng. Nguồn vốn này sử dụng để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường tỉnh 917, 918, 919, 921, 926, 923, 920B, 922. Các tuyến đường do quận, huyện quản lý được bố trí gần 100 tỉ đồng cho 9 quận, huyện để thực hiện công tác duy tu sửa chữa cầu đường, đèn tín hiệu giao thông, lắp đặt các biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ vạch trên các tuyến đường trên địa bàn quản lý theo phân cấp.
Ông Nguyễn Hoàng Tùng cho biết thêm: Sở thực hiện khảo sát, lập danh mục các hạng mục công trình giao thông duy tu, sửa chữa năm 2025 trình UBND thành phố phê duyệt từ nguồn vốn bảo trì đường bộ và sự nghiệp giao thông để triển khai thực hiện...
An toàn và thuận tiện
Tại các địa phương cũng đẩy mạnh huy động nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông, phục vụ đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế của địa phương. Đơn cử, tại huyện Phong Điền, trong năm 2024, huyện đã triển khai sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 3,58km đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông với tổng kinh phí khoảng 7,05 tỉ đồng. Vận động xã hội hóa xây dựng mới 2 cầu nông thôn, sửa chữa 9 cây cầu và 10km đường giao thông, kinh phí 5,6 tỉ đồng. Từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025), huyện nâng cấp mở rộng 3,3km đường giao thông, tổng kinh phí 35,7 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện vận động nhân dân đóng góp 3.617 ngày công lao động, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, với số tiền khoảng 12 tỉ đồng.
Tuyến đường Mỹ Khánh - Bông Vang khoảng 8km được nâng cấp, cải tạo với kinh phí gần 18 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước tạo phấn khởi cho người dân. Chị Lê Hồng Nhi ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền chia sẻ: "Tuyến đường này cũng bị ảnh hưởng bởi triều cường, mặt đường xuống cấp, hư hỏng. Từ khi địa phương triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo, bà con ai cũng vui mừng, đường sá đi lại thuận tiện, an toàn hơn!"...
Kết thúc đợt mưa bão, triều cường của năm 2024, quận Ninh Kiều tập trung nâng cấp, tu sửa hạ tầng giao thông phục vụ cho việc đi lại dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo đó, quận đã triển khai tu sửa, nâng cấp hoàn thành các tuyến đường như Lê Anh Xuân, Huỳnh Cương, Đề Thám... Quận đang triển khai thi công cải tạo, nâng cấp vỉa hè từ vốn đầu tư địa phương trung hạn (giai đoạn 2021-2025). Ðây là những vỉa hè được sử dụng hơn 20 năm, chỉ được sửa chữa, chưa được nâng cấp, cải tạo. Theo kế hoạch có 13 tuyến đường được cải tạo, nâng cấp vỉa hè gồm: Ðề Thám, Nguyễn Khuyến, Lý Tự Trọng, Phan Văn Trị, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Phan Ðình Phùng, Trần Quốc Toản, Thủ Khoa Huân, Lý Thường Kiệt, Ngô Gia Tự và đại lộ Hòa Bình; thực hiện cuối năm 2024 và đầu năm 2025… Hiện, một số tuyến đường đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp vỉa hè như Ðề Thám, Nguyễn Khuyến, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi… Ngoài ra, quận thực hiện nâng cấp, mở rộng đường Trần Văn Hoài; nâng cấp đường Nguyễn Thị Minh Khai; nâng cấp đường Hai Bà Trưng…
Chú Nguyễn Văn Hùng ở phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: "Mấy tháng nay, quận triển khai nâng cấp, cải tạo nhiều tuyến đường trên địa bàn. Việc cải tạo các vỉa hè mang lại diện mạo mới khang trang, sạch đẹp, thông thoáng. Một số tuyến đường ngập nghẹt khi triều cường cũng được nâng cấp thông thoáng, sạch đẹp, tạo điều kiện người dân đi lại thuận lợi, an toàn. Qua đó, góp phần chỉnh trang, tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị trung tâm thành phố"...
Bài, ảnh: L. MẪN