Bài, ảnh: GIA BẢO
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 8-2022, WB đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022, với mức dự báo tăng 7,5%. Tuy nhiên, các cú sốc kinh tế và điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của nhiều quốc gia là thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Tín dụng ngân hàng góp phần phục hồi, phát triển kinh tế. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV.
Những cú hích tăng trưởng
Theo nhận định của một số tổ chức quốc tế, mặc dù môi trường toàn cầu có nhiều thách thức, biến động khó lường, nhưng việc nới lỏng chính sách tiền tệ cùng với chính sách tài khóa linh hoạt đã hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. WB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 7,5% năm 2022 và tăng 6,7% năm 2023, với điều kiện các hoạt động kinh tế duy trì ở trạng thái tốt. Ðồng thời, các động lực tăng trưởng cần chuyển dần từ dựa vào nguồn lực bên ngoài sang nguồn lực trong nước, từ khu vực chế biến chế tạo sang dịch vụ.
Sau 2 năm chịu tác động của dịch COVID-19, nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực, Việt Nam chọn hướng mở cửa nền kinh tế để thúc đẩy phục hồi và phát triển. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại trong quý IV-2021 cùng với các chính sách hỗ trợ đã kích hoạt lại hệ thống sản xuất. Theo khảo sát của WB đánh giá tác động của dịch đến các doanh nghiệp trong quý I-2022 cho thấy 92,6% doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động và 20% doanh nghiệp cho biết có tuyển thêm lao động mới… Ðây là điểm sáng và cũng là động lực thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng cho cả năm 2022. Trong nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng; cụ thể quý I tăng 5,1%, quý II tăng 7,7%; bội thu ngân sách nhà nước 9,6 tỉ USD (thu ngân sách nhà nước đạt 66,1% dự toán, chi ngân sách nhà nước chỉ đạt 40% dự toán). Theo WB, nhờ bội thu ngân sách, nên quy mô vay nợ của Chính phủ tương đối hạn chế. Tỷ lệ nợ công và nợ được khu vực công bảo lãnh so với GDP đã giảm xuống 43,1% trong năm 2021, thấp hơn mức trần nợ công 60% GDP trong Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ đề ra.
Trong 7 tháng của năm 2022, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả 6 khu vực kinh tế cả nước đều có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, 7 tháng có 133.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, vốn bổ sung vào nền kinh tế trên 3,33 triệu tỉ đồng. Số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp tại thời điểm 1-7-2022 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lao động trong khu vực ngoài nhà nước tăng 6,6%, doanh nghiệp FDI tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so cùng kỳ và quy mô cũng như tốc độ tăng đều cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm gần đây…
Mặc dù đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về phục hồi và tăng trưởng kinh tế, nhưng WB nhận định, quá trình phục hồi kinh tế trong nước chỉ mới bắt đầu, trong khi nhu cầu toàn cầu đang yếu đi, rủi ro lạm phát tăng cao. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị tác động bởi các cú sốc này, trong đó tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro dự báo chỉ tăng 2,5%; còn Trung Quốc tăng 4,3% trong năm 2022. Bên cạnh đó, lạm phát đã tăng mạnh ở cả các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE), với trên 75% các quốc gia cả 2 nhóm đều vượt chỉ tiêu lạm phát đề ra. Với Việt Nam, lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% trong năm 2022. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát thì các cấp có thẩm quyền cần có những biện pháp chính sách chủ động.
Chủ động ứng phó thách thức
Các chuyên gia WB cho rằng, khi các nền kinh tế lớn đánh giá lại lợi ích và chi phí của quá trình hội nhập toàn cầu sẽ dẫn đến rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu. Các rủi ro tài chính gia tăng và làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, phát triển kinh tế. Vì vậy, WB khuyến cáo các cơ quan quản lý Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ; trong đó đặt trọng tâm vào gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất lao động ở mức 2-3% mỗi năm. Và phải đầu tư cho hệ thống giáo dục, xem đây là giải pháp quan trọng của các gói đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất lao động cao.
Theo các chuyên gia, lạm phát cao và kéo dài có thể làm suy giảm đà phục hồi kinh tế, nhất là vấn đề đầu tư và tiêu dùng. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn thì chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Việt Nam dù còn dư địa để triển khai chính sách tài khóa, nhưng việc triển khai chính sách này còn nhiều yếu kém. Chính sách tiền tệ, hỗ trợ 2% lãi suất dù được cam kết khoảng 40.000 tỉ đồng từ các ngân hàng, nhưng hiện nay việc triển khai mất nhiều thời gian, do ngân hàng phải rà soát các đối tượng thụ hưởng và quy trình thủ tục còn rườm rà… Vì vậy, Chương trình phục hồi cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ số, để giúp đẩy mạnh quá trình phục hồi nhu cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.
Ngoài ra, báo cáo của WB cũng chỉ ra rủi ro lạm phát gia tăng đòi hỏi phải có chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Trong điều kiện lạm phát gia tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ đề kìm áp lực lạm phát thông qua việc tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền. Hiện NHNN đã yêu cầu các chi nhánh tỉnh, thành chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ 2% lãi suất. Nhưng doanh nghiệp lo ngại nếu chính sách hỗ trợ không kịp thời và áp lực lạm phát làm tăng lãi suất cho vay thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng sẽ rất khó khăn.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: "Lạm phát được kiểm soát, nhưng do nhu cầu vốn khôi phục cao, nên lãi suất huy động có hướng tăng nhẹ, cộng thêm áp lực tỷ giá lên tiền đồng do FED nâng lãi suất và duy trì lãi suất cơ bản cao. Tại Cần Thơ huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng tăng cao hơn cùng kỳ. Ðồng thời, cao hơn trung bình toàn quốc, vốn tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xuất khẩu tăng cao, cho vay bất động sản được kiểm soát và đúng đối tượng". Theo ông Hà, nhu cầu vốn trên địa bàn những tháng cuối năm lớn sẽ là áp lực cho ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đang quyết liệt triển khai hỗ trợ lãi suất, đảm bảo đúng đối tượng. Mục tiêu chung ngân hàng là an toàn, phát triển ổn định, đóng góp và hỗ trợ phát triển kinh tế, doanh nghiệp thành phố, kiểm soát tốt nợ xấu.