02/08/2020 - 10:00

Chủ động, sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 

“Một kỳ thi chưa có tiền lệ khi được tổ chức vào tháng 8 - cao điểm của mùa mưa bão, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp” - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ chia sẻ trong cuộc họp trực tuyến về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, diễn ra vào chiều 31-7.

Điểm cầu Cần Thơ tại cuộc họp trực tuyến của Bộ GD&ĐT với các địa phương về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vào chiều 31-7.  Ảnh: DUY KHÔI

Chủ động nhưng vẫn lo

Phát biểu đề dẫn tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng. Bộ GD&ÐT đã tính đến phương án tổ chức kỳ thi khi dịch bệnh COVID-19 có diễn biến phức tạp. Việc tổ chức thi được giao toàn diện về cho các địa phương nên mỗi tỉnh, thành sẽ có những phương án phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi này không cập rập mà chủ động trong từng công việc, giai đoạn.

Theo lãnh đạo các địa phương, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản đã hoàn tất, đúng theo quy chế và thời gian Bộ GD&ÐT đề ra. Các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như Ðà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðắk Lắk… đều chuẩn bị nhiều phương án dự phòng trong tình huống có thí sinh F1, F2… dự thi. Tại TP Cần Thơ, công tác thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng thi, ban hành Quy chế kỳ thi và các công việc theo quy định đã hoàn tất. Kết thúc thời gian đăng ký dự thi, Cần Thơ có 10.672 thí sinh đăng ký. Căn cứ số lượng thí sinh tại các đơn vị, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ thành lập 24 điểm thi và đã hoàn tất việc đánh số báo danh, xếp phòng thi. Sở chủ động phối hợp trong đảm bảo an ninh và tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch bệnh theo quy định của ngành Y tế.

Khuyến cáo của ngành y tế

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: Các địa phương cần nhanh chóng triển khai việc phân loại thí sinh theo nhóm nguy cơ (F0, F1, F2) với sự phối hợp của ngành y tế và ngành giáo dục.

Để đảm bảo an toàn, ông Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo, tất cả các phòng thi đều không bật điều hòa, chỉ nên bật quạt, mở thông thoáng các cửa. Cán bộ và thí sinh tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Ông Dương Anh Ðức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thông tin: Ðịa phương thành lập 115 điểm thi và đều có bố trí phòng thi cách ly tại các điểm thi. Ngoài ra, dự trù tình huống số thí sinh thuộc nhóm F1, F2 quá đông, TP Hồ Chí Minh cũng chọn 1 điểm trường làm điểm thi dự phòng để có thể tổ chức thi riêng. Còn theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đến nay ngành Giáo dục Thủ đô đã hoàn thành xong mọi công việc. Tuy nhiên, địa phương rất cần Bộ GD&ÐT hướng dẫn cụ thể trong quá trình diễn ra kỳ thi như khoảng cách giữa các thí sinh, việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt… Ông Quý cũng đặt ra tình huống là nếu thí sinh vì dịch bệnh COVID-19 mà không thể đến trường thi thì sẽ giải quyết thế nào.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng hết sức lo lắng trước tình hình dịch bệnh hiện nay. Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Ðà Nẵng, thông tin: Thành phố hiện đã có giáo viên, học sinh bị nhiễm (F0) hoặc tiếp xúc gần với người bị nhiễm (F1, F2). Mặc dù địa phương đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng cho kỳ thi, nhưng tâm lý của phụ huynh, thí sinh và xã hội đang rất lo lắng. “Chúng tôi xin kiến nghị xem xét báo cáo Chính phủ cho dừng thi đối với thí sinh tại TP Ðà Nẵng và xét đặc cách tốt nghiệp đối với thí sinh. Những thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đại học, Bộ GD&ÐT chỉ đạo các trường đại học có phương án phù hợp tạo điều kiện cho thí sinh Ðà Nẵng được xét tuyển” - ông Lê Trung Chinh đề xuất.

Cũng là địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề xuất 3 phương án. Một là địa phương vẫn sẽ chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, nếu đến ngày 7-8, dịch bệnh được kiềm chế thì sẽ tổ chức thi cùng với cả nước. Hai là nếu tình hình dịch bệnh vẫn chưa ổn, Quảng Nam sẽ thi sau các địa phương khác bằng đề thi dự phòng. Ba là, cũng như Ðà Nẵng, Quảng Nam đề xuất không thi mà chỉ xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho tất cả các thí sinh.

Đảm bảo an toàn cho kỳ thi

Trước những đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận và cho biết, sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan xem xét, tính toán kỹ lưỡng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chính thức. Tuy nhiên, hiện tại, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều phải chủ động, sẵn sàng cho kỳ thi theo đúng kế hoạch.

Cán bộ coi thi chú ý

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: Với quy định thí sinh đeo khẩu trang trong phòng thi, đây là điều kiện thuận lợi cho những người gian lận thi cử. Việc gắn các thiết bị thu phát tín hiệu nhỏ bằng hạt đậu trong lớp khẩu trang rất khó phát hiện. Vì vậy, cán bộ coi thi cần chú ý, làm hết trách nhiệm, đảm bảo an toàn và công bằng cho kỳ thi.

Ðể đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 cho kỳ thi, nhiều địa phương cũng nêu ra những băn khoăn trong triển khai thực hiện để Bộ GD&ÐT tổng hợp, ban hành hướng dẫn cụ thể. Ðiển hình như lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cho biết địa phương hiện có 600 thí sinh “có yếu tố Ðà Nẵng” phải tổ chức thi riêng. Vậy nên, việc sao in đề thi thế nào, điều chỉnh túi đề thi, coi thi… cũng là vấn đề rất phức tạp. Nhiều đại biểu cũng băn khoăn, bài dự thi của thí sinh F1, F2 cũng có nguy cơ lây bệnh, vậy phương thức bảo quản, đánh phách, chấm thi ra sao để đảm bảo an toàn.

Về thống kê, phân nhóm thí sinh theo các cấp độ nguy cơ lây bệnh, Bộ GD&ÐT đã có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện. Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Hữu Ðộ khẳng định: Thí sinh là F0 (bệnh nhân COVID-19 đang điều trị) không tham gia kỳ thi, được xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định. Các thí sinh này nếu có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, Bộ GD&ÐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét phương thức tuyển sinh phù hợp trên tinh thần tự chủ đại học, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh. Với thí sinh F1 (tiếp xúc gần với F0, phải cách ly tập trung), địa phương bố trí thi tại khu vực cách ly hoặc dự thi tại điểm thi riêng phù hợp ở gần với khu vực cách ly. Thí sinh F2 (tiếp xúc với F1, cách ly tại nơi cư trú), địa phương bố trí cho thí sinh thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi hoặc tại điểm thi riêng phù hợp với điều kiện của địa phương. Với các thí sinh còn lại, quá trình thi nếu có biểu hiện ho, sốt, được bố trí thi tại phòng thi dự phòng tại điểm thi.

Buổi ôn thi tốt nghiệp của cô trò Trường THPT Giai Xuân, huyện Phong Điền. Ảnh: CTV

Với cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ÐT đề nghị không để những người thuộc diện F0, F1 hoặc F2 tham gia. Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại các phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện F1, F2 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành, tất cả những người được cách ly (đảm bảo an ninh kỳ thi) để làm công tác sao in đề thi, đều không thuộc trường hợp F1, F2 và được xét nghiệm COVID-19 trước khi bắt đầu làm nhiệm vụ. Thời gian diễn ra kỳ thi, tất cả cán bộ, thí sinh bước vào khuôn viên trường thi đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay diệt khuẩn.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết