11/04/2013 - 22:19

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM A (H5N1) VÀ CÚM A (H7N9)

Hiện nay, ngoài dịch cúm A (H7N9) bùng phát tại Trung Quốc (tính đến ngày 10-4) đã có 28 người mắc và 9 người tử vong, nước bạn Campuchia cũng đang đối mặt với dịch cúm A (H5N1). Tại Việt Nam ngày 8-4-2013, tỉnh Đồng Tháp đã ghi nhận ca tử vong cúm A (H5N1). Đây là ca tử vong cúm A (H5N1) đầu tiên ở Việt Nam từ đầu năm 2013. Trước những diễn biến phức tạp như trên, ngành y tế TP Cần Thơ đã có công văn chỉ đạo các biện pháp chủ động phòng chống dịch và thành lập đoàn kiểm tra phòng, chống dịch cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) ở các địa phương…


 Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa kiểm tra trang bị bảo hộ phòng chống dịch cúm A.

Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm do ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Thạnh. Theo bác sĩ Tô Bảo Quốc, Giám đốc bệnh viện: "Tuy điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nhưng bệnh viện đã chuẩn bị phòng cách ly, một số trang thiết bị để cấp cứu. Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo, với kế hoạch phòng, chống dịch cúm chặt chẽ, thông báo thường xuyên tình hình dịch bệnh, cán bộ y tế được tập huấn về chẩn đoán, điều trị cúm A (H5N1), công tác lấy mẫu... Bệnh viện cũng dự trữ hóa chất diệt khuẩn chlormin B, phương tiện bảo hộ cá nhân nhưng hiện nay còn thiếu X-quang tại giường, máy thở, thuốc tamiflu". Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vĩnh Thạnh cũng chuẩn bị sẵn sàng phòng, chống dịch: hóa chất khử khuẩn, máy phun hóa chất, trang bị phòng hộ, nhiệt kế cặp tai (trán), dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm, dụng cụ bảo quản mẫu bệnh phẩm và vận chuyển về tuyến trên xét nghiệm… Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, lưu ý, khi có ca bệnh nghi ngờ (có biểu hiện sốt, ho, khó thở…), có tiếp xúc với gia cầm thì bệnh viện hoặc trung tâm y tế dự phòng chủ động lấy mẫu bệnh phẩm gởi về Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để đơn vị tiếp tục vận chuyển mẫu bệnh phẩm này đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm.

Theo bác sĩ Bùi Văn Khanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Thốt Nốt, không chỉ có Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận phân công các thành viên chỉ đạo các phường mà Trung tâm cũng phân công cán bộ giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh ở các phường, đồng thời phối hợp chặt với trạm thú y kịp thời nắm bắt thông tin về dịch cúm gia cầm. Tại các trạm y tế, mạng lưới tổ y tế ấp, cộng tác viên theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại địa phương, để sớm phát hiện ca bệnh. Trung tâm còn kết hợp đài truyền thanh huyện thường xuyên tuyên truyền dịch bệnh để nâng cao ý thức phòng tránh cho người dân. Ban giám đốc Trung tâm cử cán bộ theo dõi thường xuyên thông tin dịch bệnh trên Internet ở các nước và tại Việt Nam để chủ động phòng, chống dịch. Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt cũng thành lập ban chỉ đạo, 2 tổ phòng chống dịch lưu động, 1 phòng cách ly, phương tiện bảo hộ, dịch truyền, trang thiết bị y tế… sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân trong quận và các huyện lân cận.

Bác sĩ Trần Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết, được Sở Y tế giao tiếp nhận và điều trị bệnh cúm A (H5N1) và A (H7N9) ở trẻ em, bệnh viện lên phương án tiếp nhận và điều trị, kế hoạch phòng chống cúm ngay từ đầu năm. Trong đó, đề ra các nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện khi chưa có đại dịch hoặc có xảy ra đại dịch qui mô nhỏ hay lớn, kể cả khi xảy ra tử vong, công tác phòng, chống lây nhiễm, hậu cần ở từng khoa, phòng cụ thể ra sao... Bệnh viện phân công lịch trực, tổ cấp cứu phòng chống cúm và chuẩn bị sẵn sàng phòng cách ly, hóa chất, trang thiết bị y tế, bảo hộ… Đối với các ca nghi ngờ cúm, bệnh viện sẽ lấy mẫu, vận chuyển mẫu về Trung tâm Y tế dự phòng thành phố. Với bệnh nhân viêm phổi nghi do vi rút là người lớn, Sở Y tế giao cho Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ thu dung và điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc bệnh viện cho biết: "Bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Ngày 16-4-2013, bệnh viện tổ chức tập huấn phác đồ điều trị, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng hướng dẫn cách lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu, sau đó thì tổ chức diễn tập cơ chế phối hợp giữa các khoa, phòng của bệnh viện khi xảy ra dịch cúm".

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ: Phòng, chống dịch là công tác thường xuyên của ngành, được chủ động triển khai từ đầu năm. Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường tập huấn, chuẩn bị thu dung điều trị, phòng cách ly, các trang thiết bị…để sẵn sàng ứng phó với dịch cúm. Riêng khối dự phòng, sở cũng triển khai kế hoạch, các chiến dịch phòng, chống dịch chủ động, chú trọng đẩy mạnh khâu tuyên truyền. Cụ thể, tuyên truyền để các gia đình có ý thức thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân; không ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm và làm thịt gia cầm không rõ nguồn gốc; khi có gia cầm mắc bệnh báo cho chính quyền địa phương. Khi trong gia đình có người bị sốt, ho, đau ngực, khó thở… mà có tiếp xúc với gia cầm thì đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, vì thuốc tamiflu (điều trị cúm) có hiệu quả tốt trong phòng, chống cúm 48 giờ đầu. Ngoài ra, người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe với cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Nhiều năm qua, thành phố luôn chuẩn bị phòng, chống dịch cúm; do đó, máy móc, phương tiện phòng hộ, hóa chất, thuốc tamiflu… tương đối đầy đủ. Qua kiểm tra đợt này, Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố rà soát, cấp thuốc tamiflu, dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm, dụng cụ dự trữ môi trường vận chuyển bệnh phẩm cho các bệnh viện, Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện và Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.

Tại cuộc họp trực tuyến về tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013, tổ chức vào ngày 11-4, đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng chỉ đạo: "Sở Y tế kiểm tra toàn diện công tác phòng, chống dịch cúm. Các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế ngoài công lập giám sát chặt chẽ các ca bệnh viêm phổi nghi do vi rút, lấy mẫu bệnh phẩm, phát hiện sớm ca bệnh và thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng và Sở Y tế để có biện pháp điều trị và xử lý kịp thời".

Hiện nay, cúm A (H5N1) và A (H7N9) chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, kể cả vắc xin phòng bệnh. Vì thế, mỗi nhà, mỗi người phải tự bảo vệ sức khỏe chính mình và người thân.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết