15/06/2016 - 14:28

HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT 15-6

Chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết tại gia đình

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến 6-6-2016, toàn thành phố có 361 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 158 ca so với cùng kỳ. Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp vì vào mùa mưa muỗi thuận lợi sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình.

* Không nên chủ quan

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2016, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 793 ca SXH từ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, tăng 565 ca so với cùng kỳ. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho thấy, năm 2016, số ca mắc SXH toàn thành phố tăng cao, đứng đầu quận Ninh Kiều với 118 ca; kế đến quận Bình Thủy: 63 ca; huyện Vĩnh Thạnh: 6 ca (thấp nhất). Theo bác sĩ Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ: "Từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh SXH tăng khoảng 2,5 lần; số ca bệnh nặng tăng tương đương. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tử vong cho bệnh nhi mắc SXH". Bác sĩ Việt lưu ý, cha mẹ không nên chủ quan, cần theo dõi diễn tiến bệnh trẻ hằng ngày. Nếu thấy có các triệu chứng như: nôn, sốt li bì, đau bụng nhiều, toát mồ hôi tay, chân, tiểu ít, dùng thuốc hạ sốt mà không hết... thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trường hợp trẻ không có những triệu chứng bất thường như trên, vẫn phải đến cơ sở y tế gần nhất tái khám mỗi ngày một lần, đến khi bác sĩ chẩn đoán hết hẳn.

Kiểm tra việc thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng tại các hộ dân ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.

* Tiếp tục phát động chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, UBND TP Cần Thơ và Sở Y tế triển khai nhiều công văn chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch SXH và bệnh do vi-rút Zika theo Chỉ thị 05/CT-BYT ngày 16-3-2016 của Bộ Y tế về việc tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và triển khai phòng, chống bệnh do vi-rút Zika, SXH.

Thành phố và 9 quận, huyện đã tổ chức lễ phát động chiến dịch "Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh do vi-rút Zika và SXH"; ký cam kết giữa quận, huyện và xã, phường trong việc tổ chức và triển khai thực hiện chiến dịch, đồng thời diễu hành thu hút sự chú ý của người dân. Qua đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại gia đình như: tự xử lý, súc rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước, đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá ăn lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước, bỏ muối vào chén kê chân chạn, thay nước bình bông, thu dọn các vật phế thải quanh nhà như: chai, lọ, lốp xe, vỏ dừa...; ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày đề phòng muỗi đốt…

Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế triển khai nhiều đợt chiến dịch phòng, chống dịch chủ động để tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý ổ dịch SXH. Ngành cấp phát 200 lít Permethrine 50 EC, 630 kg Cloramine B, 225 bộ trang phục chống dịch, 2 máy phun hóa chất STIHL 420 SR để các quận, huyện xử lý ca bệnh, ổ dịch. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế cùng Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thực hiện nhiều đợt kiểm tra thực tế công tác phòng, chống SXH tại các điểm nóng như: Ninh Kiều, Bình Thủy... để chỉ đạo và hỗ trợ địa phương dập dịch kịp thời. Theo đánh giá của Sở Y tế, nguyên nhân số ca mắc SXH tăng do một số nơi diệt chưa hết lăng quăng, phun hóa chất không đủ bán kính 200m, nhất là các ấp, khu vực giáp ranh, kênh, rạch; một số hộ chưa hợp tác trong diệt lăng quăng, muỗi, chưa chú trọng loại bỏ vật phế thải có khả năng chứa nước quanh nhà; một số nơi tổ chức thực hiện chiến dịch không giáp địa bàn, không trở lại kiểm tra đối với các hộ đi vắng hoặc hộ có lăng quăng…

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tập trung thực hiện tổ chức các đợt phát động người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika và SXH tại các xã, phường trọng điểm nhân Ngày ASEAN phòng, chống SXH; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika và SXH; giám sát chặt chẽ ca bệnh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, chủ động xử lý ổ dịch; bổ sung, củng cố các đội chống dịch lưu động, chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị chuyên dùng sẵn sàng thu dung điều trị, hạn chế thấp nhất ca tử vong…

Bài, ảnh: Kim Nhiên

Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH 15-6-2016 "Cộng đồng chung tay đẩy lùi SXH, thành công bền vững"

Tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Singapore tháng 7- 2010, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN thông qua quyết định quan trọng, thống nhất chọn ngày 15-6 hằng năm là "Ngày ASEAN phòng, chống SXH", kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng, chống SXH cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hướng tới cộng đồng ASEAN không có SXH. Năm 2016, Ngày ASEAN phòng, chống SXH có chủ đề "Cộng đồng chung tay đẩy lùi SXH, thành công bền vững".

Bệnh SXH Dengue là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ước tính của WHO, hằng năm có khoảng 96 triệu người mắc bệnh, với 500.000 trường hợp SXH Dengue nặng cần nhập viện và khoảng 12.500 trường hợp tử vong. Vắc-xin ngừa bệnh SXH Dengue đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Hiện nay, phòng bệnh chủ yếu vẫn là giải quyết véc tơ truyền bệnh như: phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy. Để phòng, chống SXH hiệu quả, cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản tại gia đình.

Chia sẻ bài viết