16/06/2019 - 12:02

Chủ động nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng 

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP Cần Thơ đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế. Các TCTD còn tăng cường xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống; ngành ngân hàng phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa và hạn chế tín dụng đen.

Cho vay nuôi trồng và chế biến cá tra tăng hơn 16,3% so với cuối năm 2018. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Southvina, KCN Trà Nóc.

► Tín hiệu khả quan

Thành phố hiện có 45 TCTD và 7 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động. Năm 2019, định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) TP Cần Thơ từ 14%-16%; tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,67% so với cuối năm 2018, với tổng dư nợ cho vay ước đạt 82.800 tỉ đồng, nợ xấu chiếm 1,93% tổng dư nợ cho vay. Vốn tín dụng đi vào các ngành sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng tín dụng và đạt mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của NHNN.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Ngay từ đầu năm, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN trong hoạt động tín dụng. Chi nhánh cũng đề ra mục tiêu cụ thể về chấn chỉnh các TCTD, nhất là Quỹ tín dụng nhân dân; chống rủi ro trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn kho quỹ. Công tác xử lý nợ xấu của các TCTD đều đạt mục tiêu đề ra. 6 tháng đầu năm, Cần Thơ không có hiện tượng găm tỷ giá, biến động tỷ giá nằm trong biên độ cho phép. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đạt tăng trưởng khả quan. Đặc biệt, các TCTD đều chú trọng cho vay vốn các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, đảm bảo nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.

Theo ông Trần Quốc Hà, tín dụng nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ tăng rất cao, cụ thể có 37 TCTD cho vay với dư nợ ước đến cuối tháng 6 là 28.200 tỉ đồng, tăng 6,66% so với cuối năm 2018. Các ngân hàng đã chủ động cho vay xuất khẩu, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp, với dư nợ đạt 12.500 tỉ đồng, tăng 1,33% so với cuối năm 2018. Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng khác cũng tăng cao so với cuối năm 2018, trong đó dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo tăng 18,02% (dư nợ 8.300 tỉ đồng), dư nợ cho vay nuôi trồng và chế biến cá tra tăng 16,31% (dư nợ 5.200 tỉ đồng). Mặc dù lĩnh vực bất động sản được NHNN chỉ đạo hạn chế tăng tín dụng vì đây là lĩnh vực rủi ro, nhưng tín dụng lĩnh vực này vẫn tăng 12,2% (dư nợ 7.800 tỉ đồng)…

Song song với thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, chi nhánh còn chỉ đạo các TCTD và phối hợp cùng các sở, ngành chức năng thành phố tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp về thuế, tiếp cận vốn, hải quan… để tìm hiểu vướng mắc của doanh nghiệp nhằm gỡ khó kịp thời. Ông Trần Quốc Hà cho biết, các TCTD đều thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cho khách hàng và đến nay tất cả hồ sơ đều giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn. Đây là những nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong việc tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận vốn.

► Tăng khả năng tiếp cận tín dụng

Mặc dù Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn ngân hàng nhưng thực tế vẫn còn tình trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ, một bộ phận người dân cần vốn cho sản xuất, kinh doanh vẫn chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. Thậm chí, họ chấp nhận rủi ro vay vốn với lãi suất cao và hệ quả là mất khả năng chi trả, “tín dụng đen” có cơ hội mở rộng địa bàn hoạt động, gây rất nhiều hệ lụy cho nhiều gia đình, xã hội. Làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen đang đặt ra nhiều thách thức cho nhà băng và các ngành chức năng.

Một trong những giải pháp mà Chính phủ, NHNN đưa ra vừa góp phần hạn chế “tín dụng đen”, vừa tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các thành phần kinh tế đã được nêu ra tại Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ góp phần hạn chế “tín dụng đen” và Quyết định 1178/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12. Thống đốc giao các đơn vị trực thuộc NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội triển khai kế hoạch để góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Thống đốc yêu cầu các vụ, cục thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch.

Trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói, khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen"…

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết thêm: Để mở rộng tín dụng, hạn chế “tín dụng đen” cần sự phối hợp đồng bộ giữa ngân hàng và các sở, ngành chức năng, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, chương trình tín dụng… phải làm sao để người dân, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hiểu được là tiếp cận vốn ngân hàng không khó. Tại Cần Thơ, chi nhánh đã yêu cầu các TCTD hạn chế mở các điểm, phòng giao dịch tại các quận trung tâm mà chuyển hướng về huyện khó khăn, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nông thôn. Đồng thời yêu cầu các TCTD, công ty tài chính vi mô tổ chức các cuộc họp, hội nghị để giới thiệu chương trình cho vay tín chấp, vay tiêu dùng, tạo điều kiện tối đa cho người có nhu cầu vay vốn thực sự tiếp cận vốn.

Theo ông Trần Quốc Hà, Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn thành phố đã làm rất tốt công tác mở rộng tín dụng; đến cuối tháng 6-2019 ước đạt 2.392 tỉ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2018. Theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT (ngày 22-2-2019) của NHNN, từ 1-3-2019 Ngân hàng Chính sách Xã hội nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay, thời hạn vay tối đa 120 tháng. Thêm vào đó, NHNN chi nhánh đã cấp phép hoạt động cho 2 tổ chức tài chính vi mô của Liên đoàn Lao động và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ cho vay vốn hỗ trợ công đoàn viên, hội viên. Các công ty tài chính cũng đang tăng cho vay tiền mặt. Những hoạt động này sẽ góp phần rất lớn trong mở rộng tín dụng.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết