29/04/2019 - 09:46

Chủ động bảo vệ lúa hè thu 

Đến nay, nông dân TP Cần Thơ gieo trồng được 79.527ha lúa hè thu 2019, đạt 105% so với kế hoạch. Nhìn chung, các trà lúa hè thu đang phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Song, tình hình thời tiết còn diễn biến rất phức tạp, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, chủ động phòng tránh rủi ro để sản xuất thắng lợi.

Bất lợi

Lúa hè thu 2019 trên địa bàn TP Cần Thơ chủ yếu trong giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng, trổ và đang phát triển khá tốt. Một số trà lúa có xuất hiện của rầy nâu, bệnh đạo ôn, chuột và một số loại dịch hại khác tấn công, nhưng với mật số và tỷ lệ thấp.

Nông dân huyện Cờ Đỏ chăm sóc lúa hè thu.

Vụ này, 14 công ruộng của anh Lê Thanh Trung ở ấp Đông Mỹ, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ gieo sạ giống OM 5451 đã  hơn 40 ngày tuổi, lúa đang làm đòng chuẩn bị trổ. Anh Trung cho biết: “Đầu vụ tới giờ, ruộng lúa của tôi ít bị sâu bệnh,  tôi chỉ mới phun thuốc một lần diệt sâu cuốn lá. Song, thường lúa từ 40 ngày tuổi trở lên mới gặp sâu bệnh nhiều nên phải quan tâm thăm đồng thường xuyên, kịp thời phòng trừ sâu bệnh và chủ động tưới tiêu nước cho ruộng lúa. Vụ này, chi phí sản xuất lúa chắc chắn cao hơn nhiều vụ trước do trời nắng nóng bất thường hơn mọi năm, ít có mưa trái mùa, nông dân tốn nhiều chi phí bơm tưới nước cho lúa”. Anh Lâm Thanh Sang ngụ ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: “12 công lúa vụ hè thu đã được 38-40 ngày tuổi, phát triển khá tốt. Nhưng tôi cũng khá lo vì thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt và dự báo tới đây khi lúa bước vào giai đoạn trổ đến chín lại gặp bất lợi do mưa giông và lúa có thể bị tốn công bởi các loại dịch hại nguy hiểm như rầy nâu, chuột… làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Do vậy, để kịp thời phát hiện phòng trừ sâu bệnh và đặt bẫy diệt chuột thường xuyên, tôi gia cố bờ bao quanh ruộng và chủ động phương tiện sẵn sàng tiêu thoát nước cho ruộng lúa. Áp dụng biện pháp tưới tiêu nước hợp lý, bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm nhằm giúp cây lúa khỏe, ít bị đổ ngã”.

Đầu vụ sản xuất lúa hè thu 2019 đến nay, nắng nóng kéo dài, mực nước thủy triều ít khi dâng cao để có thể đưa nước vào ruộng lúa nên bà con phải dùng máy để bơm nước làm chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, giá phân bón, giá thuê nhân công và nhiều loại vật tư nông nghiệp đầu vào cũng tăng, khiến nông dân không khỏi lo lắng. Theo ông Nguyễn Tiến Hòa ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, chi phí sản xuất lúa trong vụ hè thu này dự kiến tăng khoảng 300.000-500.000 đồng/công trong khi năng suất lúa trong vụ này thường khá thấp, chỉ khoảng 750-800 kg/công trở lại. Vụ hè thu, nhiều nông dân phải tăng lượng bón phân cho lúa để trừ hao lượng phân bốc hơi do trời nắng nhằm đảm bảo cho cây lúa phát triển...

Hỗ trợ nông dân

Trước tình hình sản xuất có nhiều bất lợi, các cấp chính quyền và các ngành chức năng tại thành phố đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

Theo bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cờ Đỏ, đã và đang tiếp tục tăng cường cử cán bộ kỹ thuật bám địa bàn, thăm đồng thường xuyên hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ sản xuất vụ hè thu. Theo dõi tình hình diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại nhằm hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trị kịp thời, hiệu quả. Vụ hè thu 2019, huyện Cờ Đỏ xuống giống được hơn 22.795ha lúa, đạt 100,4% so với kế hoạch, trong đó có hơn 10.895ha lúa của nông dân tham gia mô hình “cánh đồng lớn”, đạt 100,1% kế hoạch. Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, huyện đã xuống giống dứt điểm lúa hè thu 2019, với diện tích hơn 24.994,4ha, đạt 100,18% kế hoạch. Nhìn chung, lúa phát triển tốt dù gặp điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nông dân đã chủ động bơm tưới nước kịp thời. Phòng đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông tiếp tục tăng cường phối hợp ban ngành, đoàn thể vận động, hướng dẫn nông dân tại các xã, thị trấn thăm đồng thường xuyên và chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa hè thu đến thu hoạch.

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cũng yêu cầu ngành nông nghiệp các quận, huyện theo dõi sát tình hình sản xuất của nông dân, chú ý đảm bảo hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, hạn chế ảnh hưởng của hạn hán đối với các loại cây trồng. Đối với cây lúa khuyến cáo sử dụng nước tưới tiết kiệm áp dụng biện pháp tưới “ngập khô xen kẽ” cho cây lúa. Khu vực chuyển đổi trồng màu (mè, đậu...), cần cung cấp nước tưới đủ ẩm cho đất (1-2 lần/ngày) trong thời điểm cây đang ra hoa hạn chế rụng hoa, rụng trái gây thiệt hại năng suất. Tiếp tục phát động nông dân tổ chức chiến dịch đồng loạt ra quân diệt chuột trên diện rộng bằng nhiều biện pháp, trong đó ưu tiên các biện pháp an toàn; bẫy cây trồng, săn bắt, sử dụng thuốc sinh học,... kết hợp diệt chuột ngoài đồng, ven bờ vườn với diệt chuột trong các hộ gia đình, khu dân cư tại địa phương. Đối với diện tích ruộng nhiễm bệnh đạo ôn lá, cần khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, tiến hành xử lý kịp thời. Không để ruộng khô nước, ngưng bón các loại phân có chứa đạm, phòng trị bệnh theo nguyên tắc 4 đúng, không kết hợp với phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng khi phun thuốc trị bệnh đạo ôn lá trên diện tích ruộng lúa nhiễm bệnh... Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng, giả tạo tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá thuốc trong thời gian dịch bệnh phát triển. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết