26/09/2024 - 10:40

Vĩnh Thạnh

Chủ động bảo vệ lúa để thu hoạch an toàn 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, hiện trà lúa thu đông 2024 trên địa bàn phát triển tốt, lúa chủ yếu trong giai đoạn chín và bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn diễn biến phức tạp, nông dân không nên chủ quan mà cần tiếp tục chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa, nhất là vào giai đoạn chắc xanh, trổ và chuẩn bị cho thu hoạch.

Huyện Vĩnh Thạnh tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch lúa.

Vụ lúa thu đông 2024, nông dân huyện Vĩnh Thạnh xuống giống với diện tích 22.992,88ha, đạt 110,88% kế hoạch. Cơ cấu giống chủ yếu là OM 5451, OM 34, OM 18... Đến nay, huyện Vĩnh Thạnh bắt đầu thu hoạch lúa thu đông sớm tập trung ở các xã Nam Cái Sắn; năng suất bình quân 6,12 tấn/ha (lúa tươi); giá bán một số giống lúa như OM 34 có giá từ 7.100-7.600 đồng/kg, OM 5451 từ 7.200-8.000 đồng/kg và OM 18 giá từ 7.600-8.2000 đồng/kg (giá bán tùy theo khu vực và ngày thu hoạch), cho lợi nhuận khá cao. Nhìn chung, lúa phát triển tốt, đối tượng gây hại chủ yếu là rầy nâu, đạo ôn lá, cháy bìa lá và chuột, nhưng ở mức độ kiểm soát và phòng trị có hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Từ khi xuống giống lúa thu đông 2024 đến nay, lúa của tôi cũng như của bà con tại địa phương đều phát triển tốt và gặp thuận lợi về thời tiết. Gia đình tôi canh tác 10 công lúa giống OM 5451 cấp xác nhận. Lúa chuẩn bị cho thu hoạch, phát triển tốt nhờ canh tác theo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, hạn chế phun xịt thuốc, bón phân nên cũng ít tốn chi phí. Vụ này, lúa trúng mùa bởi đồng ruộng được cung cấp đầy đủ nước, dịch hại phòng trị kịp thời, lúa phát triển tốt. Cánh đồng tại địa phương có hệ thống đê bao, thủy lợi khá tốt nên thuận lợi trong chăm sóc, bơm tát, dự trữ nước cho lúa phát triển, cho năng suất cao…”.

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ổn định. Sản lượng và lợi nhuận trên cây lúa đạt mức cao; rau màu phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất khá; tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt; nuôi trồng thủy sản phát triển khá… Trong đó, tổng diện tích xuống giống 3 vụ lúa trong năm (vụ đông xuân, hè thu, thu đông) là 72.475,65ha, đạt 106,58% kế hoạch (tăng 484,8ha so cùng kỳ năm 2023). Huyện đã thu hoạch dứt điểm 2 vụ (đông xuân và hè thu), năng suất lúa tươi trung bình 7,28 tấn/ha, sản lượng đạt 360.318,43 tấn, lợi nhuận 56,21 triệu đồng/ha; so cùng kỳ năm 2023, 2 vụ lúa có diện tích giảm 365,48ha, sản lượng giảm 16.102,58 tấn lúa tươi, nhưng lợi nhuận tăng 4,16 triệu đồng/ha. Lúa thu đông xuống giống dứt điểm 22.992,88ha, đạt 110,88% kế hoạch, cơ cấu giống chủ yếu là OM 5451… và đã thu hoạch 8.838,3ha, năng suất lúa tươi 6,29 tấn/ha, ước tổng sản lượng 55.579,60 tấn.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: “Các vụ mùa trong năm 2024, nông dân huyện Vĩnh Thạnh sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái đa dạng về chủng loại; đồng thời đã chủ động chuyển đổi những cây trồng có lợi nhuận kinh tế cao trên đất lúa kém hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp ổn định, địa phương đã chỉ đạo tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024, hè thu và xuống giống, thu hoạch đảm bảo an toàn lúa thu đông. Tình hình cung ứng hàng hóa nông nghiệp từ đầu năm đến nay đảm bảo đủ và đạt yêu cầu sản xuất, tiêu dùng cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất các vụ mùa trong năm 2024”.

Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Vĩnh Thạnh tập trung thực hiện nhiều công trình thủy lợi. Trong đó, địa phương đã hoàn thành thủy lợi mùa khô với khối lượng nạo vét, gia cố các tuyến kênh và mương máng tưới tiêu là 57.570m3, đạt 100,3% kế hoạch, kinh phí thực hiện 1,439 tỉ đồng do nhân dân đóng góp. Địa phương cũng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thực hiện các công trình thủy lợi có vốn từ ngân sách nhà nước, đồng thời đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để triển khai 5 công trình, như công trình nạo vét, xây dựng đê bao kênh 300 - kênh 600, xã Vĩnh Bình; công trình vùng đê bao kênh 400 - kênh Quốc Hội, xã Thạnh Tiến; vùng đê bao kênh 300 - kênh 600, xã Thạnh Lộc; vùng đê bao kênh Mỹ - kênh Lung Vòng Cung, xã Thạnh Quới; nạo vét, xây dựng đê bao kênh 500 khu vực Qui Lân 7 - Lân Quới 2, xã Thạnh Quới… Các công trình khi thực hiện hoàn thành góp phần hoàn thiện hạ tầng, phát triển nông nghiệp chất lượng cao tại huyện Vĩnh Thạnh.

Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, lúa thu đông trên địa bàn hiện chủ yếu ở giai đoạn chắc xanh đến chín, trên một số trà lúa sớm đã cho thu hoạch, tuy nhiên điều kiện thời tiết nhiều mưa, mực nước ngoài đồng đang lên cao, nền đất lung, khả năng máy cắt khó vào ruộng để thu hoạch. UBND huyện Vĩnh Thạnh đề nghị ngành Nông nghiệp, các xã, thị trấn thường xuyên thăm đồng, cập nhật tình hình dịch hại, theo dõi tiến độ thu hoạch, năng suất, những ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và có hướng hỗ trợ nông dân khi cần thiết. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với các địa phương để huy động máy gặt đập liên hợp từ các hợp tác xã có dịch vụ gặt đập để nhanh chóng hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa. Trong đó, địa phương chủ động gia cố đê bao, bơm rút nước nếu xuất hiện tình trạng nước thượng nguồn đổ về kết hợp mưa lớn… để bảo vệ lúa và thu hoạch an toàn, tránh thất thoát.

Ông Trần Xuân Phương nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2024, huyện chỉ đạo phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung tổ chức sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch sản xuất của năm, trong đó quan tâm chăm sóc thu hoạch lúa thu đông, xuống giống lúa đông xuân 2024-2025, phát triển rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi và thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu nông sản đặc sản, triển khai có hiệu quả Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và tăng cường phòng, chống thiên tai… Đặc biệt, huyện Vĩnh Thạnh tập trung nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị thông qua việc liên kết, phát huy vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản; tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các địa phương về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng thu hoạch và tình hình xuất khẩu để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản minh bạch, công khai, có lợi cho người nông dân và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết