|
Đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc thi công trong cảnh “da beo” do không giải phóng được mặt bằng. |
Công tác xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn TP Cần Thơ, mà trọng tâm là các công trình xây dựng giao thông đang triển khai rất ì ạch, có nơi cầm chừng, chỗ lại tạm ngưng thi công. Nguyên nhân chính là do giá vật tư xây dựng tăng cao, vượt dự toán; và không có chỗ bố trí tái định cư (TĐC) nên người dân không giao mặt bằng để thi công... Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Cần Thơ đang tìm nhiều giải pháp để “cởi trói” cho những công trình này...
ĐIỀU CHỈNH GIÁ VẬT TƯ
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008 của thành phố hơn 1.358 tỉ đồng. Nhưng trong quí I/2008 khối lượng thực hiện chỉ được trên 252,4 tỉ đồng, mới đạt 18,59% kế hoạch năm, giảm 1,79 lần so với khối lượng thực hiện cùng kỳ của năm 2007. Ông Đinh Văn Thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP Cần Thơ, cho biết:” Thời điểm hiện nay rất thuận lợi cho công tác XDCB, nếu thời tiết bước sang mùa mưa, việc thi công sẽ chậm lại, đồng thời kinh phí xây dựng sẽ tăng lên rất nhiều...”.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 21 công trình trọng điểm, giao cho 9 đơn vị làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 5.279 tỉ đồng, trong đó, kế hoạch thực hiện năm 2008 là trên 710 tỉ đồng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, khối lượng thực hiện XDCB trong quí I/2008 đạt thấp do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là yếu tố trượt giá và một số khó khăn khác. Chẳng hạn trong 21 công trình trọng điểm này có tới 3 công trình không có kế hoạch vốn như: Tuyến kè bảo vệ bờ cồn Cái Khế, kè rạch Cái Khế, kè rạch Khai Luông; 2 dự án mới bố trí vốn chuẩn bị đầu tư: mở rộng Quốc lộ 91 và cầu Rạch Ngỗng 1; 1 dự án chưa được duyệt: cầu trên tỉnh lộ 921... Chính thực tế này cộng với yếu tố tăng giá (có thời điểm mua vật tư không có) đã làm cho công tác XDCB trên địa bàn thành phố càng khó khăn thêm.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ngày 17-4-2008, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Thanh Mẫn đã ký 2 công văn số 2010/UBND-QH về điều chỉnh chi phí xây dựng công trình theo Thông tư 03/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Công văn này thống nhất điều chỉnh chi phí công nhân, chi phí máy thi công, chi phí khảo sát xây dựng, chi phí nhân công thí nghiệm vật liệu... áp dụng chung các dự án sử dụng vốn nhà nước, các dự án sử dụng nguồn vốn khác cũng có thể tham khảo thực hiện. Đối với các công trình thi công dang dở cũng được điều chỉnh khối lượng xây dựng thực hiện kể từ ngày 1-1-2008, trong tiến độ xây dựng của hợp đồng không phân biệt hình thức hợp đồng do chủ đầu tư và nhà thầu xác định và chịu trách nhiệm. Còn Công văn số 2011/UBND-QH hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá vật tư xây dựng. Công văn này thực sự “cởi trói” cho các nhà thầu thi công - điều mà họ đã mong mỏi từ hơn 2 tháng nay khi Thông tư 05/2008/TT-BXD ra đời ngày 22-2-2008. Như vậy, các nhà thầu thi công các dự án trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ được điều chỉnh giá vật tư xây dựng, điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, tổng mức đầu tư... hợp lý hơn, góp phần thúc đẩy dự án thi công nhanh hơn.
TẬP TRUNG XÂY DỰNG TÁI ĐỊNH CƯ
Bên cạnh việc tăng giá vật tư xây dựng, thì các dự án khu TĐC không đủ để bố trí TĐC cho các hộ dân bị giải tỏa tại rất nhiều dự án cũng đã góp phần gây ách tắc cho rất nhiều công trình XDCB. Theo quy hoạch các khu TĐC, trên địa bàn thành phố hiện có 36 khu TĐC với tổng diện tích 1.019 ha, tổng số nền dự kiến là 34.510 nền, trong đó nhiều nhất là quận Ninh Kiều 11 dự án, quận Cái Răng 9 dự án. Nhưng thực tế, số khu TĐC triển khai không nhiều, chủ yếu tập trung ở quận Ninh Kiều, các quận, huyện còn lại nhu cầu cũng rất lớn, nhưng chưa được đầu tư kịp thời... Tại cuộc họp mới đây, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã chỉ đạo: “Các ngành, các cấp và địa phương phải đặt nhiệm vụ trọng tâm trong quí II-2008 là xây dựng cơ bản và chống lạm phát. Đặc biệt, các địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng để thi công công trình. Dù là dự án của ngành địa phương hay Trung ương quản lý thì các cấp chính quyền, Đảng bộ, đoàn thể địa phương cần xem là chuyện chung, cùng chung tay làm để dự án triển khai thuận lợi, nhanh chóng hơn...”.
Nguyên nhân dẫn đến các dự án TĐC chậm triển khai là do không có quỹ đất để xây dựng, khó khăn về vốn đầu tư, trình tự thủ tục kéo dài; chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư, kêu gọi xã hội hóa đầu tư dự án TĐC. Các ngành như Sở Xây dựng chưa đưa ra được giải pháp khả thi để thực hiện các dự án này... Trước mắt, để đẩy nhanh các dự án xây dựng khu TĐC, đồng chí Trần Thanh Mẫn chỉ đạo: Các ngành, các cấp cần thống nhất tên gọi khu TĐC là khu đô thị TĐC với đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật cần thiết như điện, đường, trường, trạm, viễn thông, chợ búa... để người dân được TĐC về nơi ở mới từ bằng đến hơn nơi ở cũ, đúng với chủ trương chung của Nhà nước. Đồng thời, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng nghiên cứu thành lập công ty giải phóng mặt bằng hoặc trung tâm giải phóng mặt bằng để đầu tư các khu đô thị TĐC. Phương thức đầu tư có thể là giao cho địa phương đầu tư bằng 100% vốn nhà nước, đầu tư bằng vốn vay, hoặc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo tỷ lệ phân chia phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương... Đây sẽ là những giải pháp phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách dành cho đầu tư XDCB có hạn, mà gần như dự án nào cũng có một khu đô thị TĐC kèm theo và triển khai song song với dự án. Với cách làm như lâu nay, thì sẽ khó thoát khỏi cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”, dẫn đến công trình “rùa”, dự án “treo”...
Như vậy, có thể nói đến thời điểm này, chủ trương điều chỉnh giá liên quan đến lĩnh vực xây dựng đã được thống nhất bằng văn bản. Cái khó còn lại hiện nay là xây dựng các khu đô thị TĐC bước đầu cũng có hướng mở. Tuy nhiên, theo ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn: Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm giải pháp đầu tư các khu đô thị TĐC để nhanh chóng phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn trong XDCB thời gian tới...
Bài, ảnh: THIỆN KHIÊM