26/02/2020 - 10:29

Tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Chọn lọc, gắn với nhu cầu thực tiễn 

TTH -

Lợi ích mang lại từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) trong phát triển kinh tế đã được khẳng định. Song để đưa công nghệ này ứng dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh tại TP Cần Thơ không hề đơn giản. CMCN 4.0 được hầu hết doanh nghiệp, người dân hào hứng đón nhận nhưng vẫn chưa được thực hiện sâu rộng và mang tính tự phát; quy mô ứng dụng còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa theo kịp với định hướng... Vấn đề này đòi hỏi thành phố phải lựa chọn và đưa ra giải pháp tiếp cận hiệu quả để tận dụng tối đa những lợi ích mang lại từ CMCN 4.0.

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong sản xuất rau thủy canh.

►Nhận diện thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, CMCN 4.0 mở ra cơ hội cho những người trình độ, năng động, sáng tạo có điều kiện phát huy tài năng để phục vụ sự phát triển kinh tế- xã hội. Song, nguồn nhân lực để tiếp cận thành tựu công nghệ hiện đại, công nghệ số và khả năng vận dụng thành tựu này để phát triển thành phố là một thách thức không hề nhỏ. Hiện nay lao động phổ thông chiếm đa số ở các khu công nghiệp của TP Cần Thơ. Cuộc CMCN 4.0 sẽ thay thế lao động thủ công bằng lao động máy móc, dẫn đến một lượng lớn công nhân thất nghiệp. Giải quyết chính sách an sinh xã hội như thế nào đối với lực lượng này là một thách thức lớn đối với thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn đối diện với những rào cản lớn cho việc áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0: nguồn lực tài chính yếu, thiếu kinh nghiệm, xuất phát điểm thấp…

CMCN 4.0 là cơ hội để Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng rút ngắn khoảng cách với các nền công nghệ tiên tiến, các nền kinh tế phát triển. Đồng thời, cũng phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế lâu nay tham gia ở mắt xích thấp, giá trị gia tăng ít nhất trong chuỗi sản xuất. Cùng với đó là những vấn đề mới cần phải được nghiên cứu thấu đáo để kịp thời thích ứng. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Hội Khoa học xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, chia sẻ: “Đơn cử như vấn đề về thanh toán điện tử, chúng ta sẽ gặp trở ngại trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong đó, các dịch vụ liên quan đến phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử… là những vấn đề mới cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung. Thách thức đối với các tổ chức tín dụng là mô hình kinh doanh, quản trị, thanh toán phải được xem xét lại để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh AI, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số, thanh toán điện tử”.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng IoT (Internet of Things) vào sản xuất nông nghiệp đang được khuyến khích ứng dụng vào thực tế sản xuất. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, chi phí đầu tư ban đầu cho các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn nhưng lại chịu nhiều rủi ro nên việc kêu gọi, huy động các tổ chức, các doanh nghiệp, nông dân triển khai gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tập quán canh tác, nhận thức và trình độ sản xuất của người dân; quy mô sản xuất nhỏ lẻ; thị trường tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp 4.0 chưa hấp dẫn… là những rào cản trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất.

►Chọn cách tiếp cận phù hợp

Đánh giá về mức độ sẵn sàng của các quốc gia trước CMCN 4.0, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp Việt Nam ở vị trí 48/100 về cấu trúc nền sản xuất và thứ 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Bên cạnh đó, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam đã tăng 2 bậc và xếp thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế (năm 2018). Điều này cho thấy tuy không nằm trong nhóm các nước phát triển nhưng Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng đã có những yếu tố cơ sở, nền tảng trong việc tiếp nhận CMCN 4.0. Tuy nhiên, TP Cần Thơ cần có cách tiếp cận hợp lý và đề ra giải pháp tổng thể để phát huy lợi thế, giảm thiểu tác động tiêu cực do làn sóng công nghệ mang đến và không nhất thiết phái áp dụng tất cả các thành tựu 4.0.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Hội Khoa học xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, cho biết: Những công trình nghiên cứu đầu tiên về CMCN 4.0 đều nhấn mạnh việc lựa chọn một số phân ngành, lĩnh vực để tập trung nguồn lực phát triển, tạo tiền đề để mở rộng dần... Chẳng hạn, đối với Internet vạn vật (IoT), trong khi chưa có điều kiện xây dựng thành phố thông minh như Hàn Quốc, Nhật Bản… thì nên đi từ xây dựng những ngôi nhà thông minh vừa sức với trình độ, công nghệ Việt Nam hiện tại. Đây cũng là tiền đề tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội mới và vượt qua thách thức lớn trong việc thực hiện CMCN 4.0, Chính phủ phải thay đổi phương thức quản lý theo hướng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động, Chính phủ điện tử với các công cụ thông tin hiện đại nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện ý tưởng mới, phát huy tính sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: “Để tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0, ngành khoa học và công nghệ thành phố xác định ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, như: IoT, AI, điện toán đám mây, công nghệ in 3D, sinh học phân tử, công nghệ gen… Các công nghệ này sẽ phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị thông minh của TP Cần Thơ”. 

Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, thành phố cần chú trọng bồi dưỡng đào tạo tập huấn, cập nhật công nghệ - thiết bị thông minh cho cán bộ quản lý đến thế hệ nông dân mới ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp 4.0. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, người dân khởi nghiệp, đổi mới và ứng dụng thành quả cuộc CMCN 4.0 để những thành tựu này ngày càng phát huy tác dụng, lan tỏa mạnh mẽ vào sản xuất và đời sống.

Bài, ảnh: MỸ THANH 

Chia sẻ bài viết