22/10/2022 - 12:34

Cho yêu thương để nhận lại yêu thương 

Từ bao đời nay, chuyện làm dâu khiến không ít chị em lo lắng. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” và do khác biệt thế hệ, cách suy nghĩ, cách sống... nên việc xảy ra những tranh cãi, bất đồng quan điểm giữa mẹ chồng và nàng dâu vẫn khó tránh khỏi.

Chuyện chưa bao giờ cũ

Các thành viên dâu, rể trong gia đình cô Việt Anh luôn quan tâm, yêu thương nhau. Ảnh: Gia đình cung cấp

Các thành viên dâu, rể trong gia đình cô Việt Anh luôn quan tâm, yêu thương nhau. Ảnh: Gia đình cung cấp

Chị Thủy ở quận Ninh Kiều, chưa bao giờ tưởng tượng khi về làm dâu mình phải đối mặt với những khó khăn đến vậy. Mẹ chồng luôn xét nét chị đủ điều. Dường như điều gì chị làm, mẹ cũng không vừa ý. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như mẹ chồng không can thiệp sâu vào đời sống riêng tư của vợ chồng chị. Mẹ tùy tiện ra vào và giữ luôn chìa khóa phòng riêng của anh chị. Chỉ cần bước vào phòng, thấy quần áo bừa bãi, mẹ đã mắng chị té tát. Có hôm, vợ chồng chị đang trò chuyện, bà cũng mở cửa bước vào tự nhiên. Nhiều lần như thế khiến chị Thủy vô cùng khó chịu. Chị chủ động thay khóa cửa phòng và nhiều lần tranh luận với mẹ. Tất cả những điều này đã châm ngòi cho cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu. Thấy mẹ và vợ hay cãi vã, chồng chị xin để “gia đình nhỏ” được ra ở riêng, tránh tình huống khó xử. Chị Thủy tâm sự: “Tuy sống riêng nhưng mỗi ngày, tôi vẫn phải đến nhà mẹ chồng lo việc cơm nước. Mỗi sáng, mẹ gọi điện thoại để tôi dậy sớm trông coi cửa hàng điện lạnh của chồng. Do bầu bì nên lắm khi tôi cũng mệt mỏi, nhưng thức trễ một chút đã bị mẹ la rầy với những lời khó nghe...”.

Câu chuyện của chị Thủy không phải là chuyện hiếm dù ngày nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đã cởi mở hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những khúc mắc vẫn có thể cải thiện và hóa giải dễ dàng nếu như mẹ chồng và nàng dâu học cách thấu hiểu, bao dung hơn. Chị Hoàng Oanh ở quận Ninh Kiều, đã nhiều lần muốn ra sống riêng bởi không được tự do, thoải mái khi sống chung với mẹ chồng. Mỗi ngày, sau khi đi làm về, chị phải lo bếp núc; muốn đi chơi xa cũng ngại ánh mắt của mẹ chồng. Từ khi sinh con, sự căng thẳng càng “leo thang”. Mẹ chồng chăm cháu bằng kinh nghiệm dân gian, còn chị lại theo phương pháp khoa học. Tính mẹ hay dè sẻn nên tiết kiệm từng cái bỉm, từng muỗng sữa… Thực tâm chị biết rằng mẹ cũng chỉ muốn tốt cho con cháu nhưng do trái ý nên chị giận dỗi và lớn tiếng. Sau những lần mâu thuẫn, được nhiều người khuyên lơn, chị Oanh dần thay đổi cách ứng xử, nhường nhịn mẹ chồng. Chị nói năng nhỏ nhẹ và thường xuyên tâm sự cùng mẹ chồng về cách bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ… Nhờ vậy, mối quan hệ giữa chị Oanh và mẹ chồng được cải thiện rất nhiều.

Tôn trọng - chìa khóa của mọi vấn đề

Hạnh phúc gia đình chỉ có được khi và chỉ khi các thành viên biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau - đó là bí quyết của cô Tô Thị Việt Anh, 78 tuổi, ngụ phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều. Cô Việt Anh có 5 người con (3 trai, 2 gái). Cô đang sống cùng vợ chồng người con trai thứ 5. Nhiều năm qua, nếu không biết, ai cũng sẽ nghĩ rằng chị Cẩm Huyền mới là con gái ruột của cô. Mỗi ngày, khi vợ chồng chị Huyền đi làm, một tay cô lo liệu việc nhà và chăm sóc các cháu. Cô Việt Anh chia sẻ: “Lúc con trai mới đưa Huyền về ra mắt, cả nhà rất lo lắng bởi Huyền còn trẻ, khoảng cách tuổi tác giữa hai người khá xa. Nhưng thấy các con yêu nhau thật lòng nên tôi ủng hộ hết mình”. Ngày cưới, chị Huyền vừa tròn 18 tuổi và chỉ mới học xong lớp 6. Cũng chính cô Việt Anh là người khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện để chị học phổ cập, rồi hoàn thành chương trình đại học, tìm việc làm, có thu nhập ổn định. Cô Việt Anh trải lòng: “Quan hệ mẹ chồng và nàng dâu không tránh khỏi những lúc không vừa lòng nhau. Nhiều khi con dâu nói những lời không vừa ý, nhưng không vì thế mà tôi trách móc hay la mắng. Thay vào đó, tôi nhỏ nhẹ dạy bảo con. Hơn nữa, các thành viên gia đình phải biết tự điều chỉnh cách sống. Mình có yêu thương thì các con mới yêu thương mình”.

Hôm chúng tôi ghé thăm gia đình, đúng lúc chị Huyền đi làm về. Sau một ngày vất vả, về đến nhà, chị đã có sẵn mâm cơm ngon. Với cô Việt Anh, được lo lắng chu đáo cho các con là một niềm hạnh phúc. Còn chị Huyền, hiểu tấm lòng của mẹ chồng nên chị luôn hiếu thuận, có món ngon đều dành phần cha mẹ chồng; chăm chút sắm sửa từng cái cái áo, cái khăn cho các thành viên trong gia đình. Vợ chồng chị còn phụ tiếp tiền với ba mẹ chồng xây sửa căn nhà khang trang hơn.

Theo các chuyên gia tâm lý, chuyện mẹ chồng và nàng dâu là vấn đề không thể tránh khỏi khi bước vào đời sống hôn nhân. Những mâu thuẫn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: sự khác biệt giữa hai thế hệ, việc “môn đăng hộ đối”, quan điểm khác biệt về cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ nhỏ… Mẹ chồng và nàng dâu cần có cách ứng xử phù hợp để xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Trong một số cuộc mâu thuẫn giữa các thành viên gia đình, lỗi thuộc về ai không thật sự là vấn đề quan trọng mà trên hết là cách hóa giải mâu thuẫn trên tinh thần tôn trọng, yêu thương. Do khác biệt giữa hai thế hệ nên mẹ chồng và nàng dâu cần biết lắng nghe, chia sẻ, học cách chấp nhận và hoàn thiện bản thân để xây dựng mối quan hệ bền chặt, thương yêu hơn.

Kiến Quốc

Chia sẻ bài viết