12/05/2010 - 08:34

PHIÊN HỌP THỨ 31 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI:

Cho ý kiến về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

* Rà soát kỹ để xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khả thi hơn

Tiếp tục phiên họp thứ 31, sáng 11-5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 7.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ những băn khoăn, cân nhắc về các định hướng quy hoạch, trong đó có một số vấn đề cụ thể về không gian đô thị; quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia, quy hoạch giao thông, phát triển khu vực nông thôn, tổ chức quản lý và thực hiện Đồ án... Có ý kiến đề nghị không nên tách biệt giữa trung tâm hành chính quốc gia và trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Hơn nữa, Đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời sự gắn kết giữa Trung tâm hành chính và Trung tâm chính trị hiện nay.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu về phương án tài chính, cần tính tới một đặc điểm của đầu tư xây dựng là chi phí thực tế sẽ gia tăng rất lớn so với dự toán, mặt khác trong đầu tư xây mới về hạ tầng thời gian gần đây ở Hà Nội có tới 80% chi phí dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng. Do vậy tính khả thi khi xây dựng tổng vốn xây dựng các hạ tầng khung của Hà Nội cần được làm rõ. Có ý kiến còn băn khoăn với định hướng của Đồ án “Kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050, bao gồm trụ sở của các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hóa...” trong điều kiện hiện nay một số bộ, cơ quan Trung ương đã và đang xây dựng trụ sở làm việc mới...

* Chiều 11-5, UBTVQH đã cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và năm 2010.

Đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, các ủy viên UBTVQH đồng tình với nhiều nhận định trong Báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật. Theo UB này, có thể thấy, việc một số dự án không được trình đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng có cả nguyên nhân là sự nể nang, thiếu kiên quyết của các cơ quan có trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định đưa dự án vào Chương trình cũng như tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Có một số dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng chưa xem xét một cách toàn diện cả về nội dung, phạm vi điều chỉnh, khả năng, điều kiện thực tế và đặc thù của lĩnh vực cần điều chỉnh. Sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan tổ chức hữu quan còn thiếu chặt chẽ. Không ít Ban soạn thảo có cơ cấu, thành phần cồng kềnh song hoạt động còn hình thức, có phiên họp vắng nhiều thành viên; có trường hợp người đứng đầu cơ quan soạn thảo chưa đề cao tinh thần trách nhiệm. Các ủy viên UBTVQH cho rằng, đây là những vấn đề cần xem xét, rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Góp ý vào việc chuẩn bị dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng đồng tình với báo cáo thẩm tra về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của QH nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH, phục vụ trực tiếp cho hoạt động của QH khóa XIII.

Theo kiến nghị của Ủy ban Pháp luật, Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2011 gồm 24 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết trong chương trình chính thức; 17 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trong chương trình chuẩn bị. UB Pháp luật cũng kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo, dành thời gian thỏa đáng cho công tác xây dựng pháp luật; lãnh đạo các Bộ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định.

PHÚC HẰNG-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết