20/09/2013 - 08:39

PHIÊN HỌP THỨ 21, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIII

Cho ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013

(TTXVN)- Sáng 19-9, tiếp tục Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá các quy định trong dự thảo luật về cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật cần tiếp tục so sánh, đối chiếu với các luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự... để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh đối tượng áp dụng cho phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, nhất là Luật biển Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề đánh giá tác động môi trường (ĐTM), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định này để đảm bảo thực sự không phát sinh các thủ tục hành chính rườm rà và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Liên quan đến vấn đề khởi kiện môi trường, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định thời hiệu khởi kiện tính từ thời điểm lợi ích của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn dự thảo Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hoàn thiện dự thảo Luật để gửi các đại biểu Quốc hội trước khi trình tại Kỳ họp thứ 6.

Tiếp tục phiên họp, chiều 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013 và dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Theo báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, tập trung, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước thực hiện những giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ việc triển khai, thực hiện các giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2013 đã có những chuyển biến rõ rệt, đạt nhiều kết quả tích cực, đúng hướng.

Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra. Một số hạn chế trong việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục triệt để. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả...

Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và mục tiêu tổng quát của năm 2014, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Chính phủ sẽ công bố công khai đối với những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có hình thức kiểm điểm, kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và nhận định, công tác này đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy vậy, tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau. Qua thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2013, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có liên quan đến hầu hết quy định thuộc các luật khác, nhưng vì những luật này chưa quy định đầy đủ các hành vi, chế tài xử lý đối với một số điểm chính, việc chính trong một số lĩnh vực quan trọng đã và đang xảy ra lãng phí lớn.

Về các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thêm một số lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí phải công khai như: chương trình thực hành; việc tuân thủ quy định của pháp luật; kết quả thực hành; xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời giao Chính phủ quy định rõ nội dung, hình thức, thời điểm công khai trong từng lĩnh vực cho phù hợp và bảo đảm tính khả thi. Dự án luật cũng điều chỉnh, bổ sung các quy định để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin lãng phí; quy định bổ sung trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, người đứng đầu cơ quan chủ quản cấp trên trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin phát hiện lãng phí; sửa đổi, bổ sung cho rõ hơn các quy định cụ thể về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và quy định bắt buộc mọi cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải gắn với nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí, công khai kết quả thanh tra, kết quả kiểm toán phù hợp và thống nhất với các luật chuyên ngành...

Chia sẻ bài viết