07/05/2008 - 09:20

Phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII

Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm về những bất cập, yếu kém trong quản lý, điều hành

* Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững
* Cần làm rõ cơ sở để điều chỉnh GDP xuống mức khoảng 7% theo đề nghị của Chính phủ

Như tin đã đưa, sáng 6-5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự khai mạc kỳ họp có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII. Ảnh: NHAN SÁNG (TTXVN) 
Diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Kể từ kỳ họp thứ hai của Quốc hội đến nay, tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến mới phức tạp. Hầu hết các nền kinh tế lớn đều gặp không ít khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tình hình đó đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp và nhân dân cả nước phải ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2008. Đặc biệt, cần tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức thiết nhằm mục tiêu ưu tiên hàng đầu hiện nay là kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm về an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý để bảo đảm cho sự phát triển cao, bền vững ở những năm sau”. Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Để hoàn thành tốt chương trình, nội dung kỳ họp, đề nghị Quốc hội cho tiếp tục cải tiến phương pháp, cách thức làm việc theo hướng rút ngắn tối đa thời gian họp mà không ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Cùng với việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan giúp việc của Quốc hội thì việc phát huy cao nhất trình độ, năng lực, trách nhiệm của cá nhân mỗi vị đại biểu Quốc hội là rất quan trọng.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày đã nêu rõ: Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2008 tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng cũng đã xuất hiện những mặt yếu kém và những khó khăn rất lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I tuy đạt khá cao (7,4%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước (7,8%) và thấp xa so với mục tiêu kế hoạch cả năm (8,5 đến 9% và phấn đấu đạt mức cao hơn); giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2008 tăng 16,4% nhưng thấp hơn cùng kỳ (16,7%); sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao hơn cùng kỳ nhưng đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; khu vực dịch vụ quý I tăng 8,1%, cao hơn cùng kỳ (8%); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ cả về số lượng đăng ký mới (41,4%) và về số thực hiện (26%). Nổi cộm và đáng lo ngại là tình hình lạm phát, giá cả tiêu dùng và nhập siêu tăng cao, cùng với những biến động bất thường của thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đã đe dọa nghiêm trọng sự ổn định của kinh tế vĩ mô, tác động tiêu cực đến sản xuất, đến tăng trưởng của nền kinh tế và môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp và đồng bào ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh.

Thủ tướng nêu rõ: “Tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan rất lớn từ kinh tế Mỹ suy giảm và đồng đô-la Mỹ mất giá kéo theo sự suy giảm của kinh tế toàn cầu; giá cả thế giới tăng cao đột biến, nhất là giá dầu thô, lương thực và giá nhiều vật tư, nguyên liệu chủ yếu đã tác động xấu đến các nền kinh tế và làm lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước. Ở trong nước, thiên tai và dịch bệnh xảy ra liên tiếp trong nhiều năm, gây khó khăn cho nhiều ngành sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh khách quan nêu trên, bên cạnh những mặt mạnh, mặt tích cực, thì những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của Chính phủ là nguyên nhân chủ quan trực tiếp, quan trọng đã làm cho những yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta càng bộc lộ rõ hơn và tác động sâu rộng hơn”. Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ những kết quả đạt được, mặt mạnh, mặt tích cực, đồng thời nhìn nhận sâu sắc về những mặt bất cập, yếu kém, khuyết điểm của mình trong quản lý, điều hành.

Thủ tướng nhấn mạnh trên cơ sở phân tích tình hình của 4 tháng đầu năm, nhận định các mặt thuận lợi và khó khăn; đánh giá mặt mạnh, mặt yếu và khả năng thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả năm, Chính phủ thống nhất xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong những tháng tiếp theo của năm 2008 là: phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Chính phủ xin đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2008 ở mức khoảng 7%; tích cực phấn đấu kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng giá; bằng các giải pháp tổng hợp đưa tốc độ tăng giá tiêu dùng theo hướng giảm dần.

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách nêu trên, Chính phủ xác định 8 nhóm giải pháp chủ yếu cần tập trung sức chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và trình bày rõ thêm một số nội dung về: Thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ và thu hút đầu tư; Đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường quản lý thị trường, giá cả; chống đầu cơ, buôn lậu; Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Cuối phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006.

* Chiều 6-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2008 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006. Một số vấn đề trọng điểm như công tác quản lý, điều hành, nghiên cứu dự báo của Chính phủ và việc điều chỉnh GDP xuống 7%... đã được các đại biểu sôi nổi thảo luận.

Đại biểu Phan Thị Loan (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác hoan nghênh Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, làm cho những yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta càng bộc lộ rõ hơn và tác động sâu rộng hơn. Đa số đại biểu đồng ý với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững và cho rằng, giải pháp tốt nhưng công tác chỉ đạo, điều hành mới là quan trọng. Đại biểu Phan Thị Loan cho rằng, thực trạng trên là hiệu quả tất yếu của giai đoạn chuyển tiếp từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Để giải quyết những khó khăn trước mắt cần xác định được kinh tế mũi nhọn trên cơ sở thực trạng của đất nước; cần có quy hoạch tổng thể, xác định được kinh tế vùng miền, kinh tế mũi nhọn, từ đó mới xây dựng được kinh tế vĩ mô.

Các đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), Nguyễn Văn Sỹ, Phan Đức Hưởng (Vĩnh Long), Phùng Thanh Kiểm (Lạng Sơn) cho rằng, thời gian qua, Chính phủ thể hiện sự lúng túng trước những biến động của thị trường, nguyên nhân chủ yếu là do công tác nghiên cứu dự báo kém. Các đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở khoa học để điều chỉnh giảm GDP xuống mức khoảng 7% như hiện nay và đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về dự báo tình hình thế giới cũng như nguồn lực chủ yếu của đất nước để hạn chế tối đa tác động từ bên ngoài đến nền kinh tế nước ta. Đại biểu Phan Đức Hưởng đề nghị sau khi các đại biểu QH góp ý về việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, QH nên tiến hành lấy ý kiến đại biểu một lần nữa bằng hình thức phiếu thăm dò để vấn đề được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Lý giải về việc Chính phủ đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu GDP xuống mức khoảng 7%, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đây là mức điều chỉnh hợp lý sau khi đã xem xét các yếu tố khách quan và chủ quan; trong đó xuất khẩu là nhân tố chủ yếu với mức tăng 22-25%, chiếm 60% tổng thu ngân sách nhà nước... Phó Thủ tướng dự báo, trong tình hình hiện nay, ít nhất đến hết năm nay và sang năm 2009, mức lạm phát ở nước ta mới giảm ngang bằng năm 2007. Đến năm 2010, kinh tế nước ta có khả năng ổn định và lạm phát sẽ giảm xuống ở mức 1 con số.

QUỲNH HOA - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết