12/02/2008 - 09:37

Phim truyền hình Việt 2008

Chiếm sóng nhưng có chiếm được lòng tin của khán giả?

Hai năm trước, báo chí và nhiều khán giả đều bức xúc trước tình trạng phim Trung Quốc, Hàn Quốc tràn ngập màn ảnh nhỏ nước ta. Đầu năm 2008, có một tín hiệu đáng ghi nhận là sự “lấy lại vị thế chủ nhà” của phim truyền hình Việt trên sóng VTV và HTV. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu, người xem trông chờ sự tiến bộ về chất lượng của phim Việt.

Cuối năm 2007, chương trình “giờ vàng dành cho phim Việt” vào lúc 21 giờ hằng ngày trên kênh truyền hình VTV1 bước đầu ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những bộ phim dài tập như “Ma làng”, “Luật đời”, “Đột kích”... Thừa thắng xông lên, từ ngày 11-2-2008, kênh truyền hình VTV3 đã dành sóng vào lúc 21 giờ suốt tuần – trước đây vốn chỉ dành cho các trò chơi truyền hình được tài trợ lớn – cho hai bộ phim Việt là “Cô gái xấu xí” và “Những người độc thân vui vẻ”. Sự trỗi dậy của phim Việt thể hiện mạnh mẽ nhất trên kênh HTV9 với hai giờ vàng trong ngày là 18 giờ (hiện đang phát sóng luân phiên phim “Đam mê” và “Thám tử tư” trong một tuần) và 22 giờ (với phim “Kiều nữ và đại gia”). Trên kênh HTV7, phim Việt vẫn ổn định vào lúc 21 giờ 30 hằng ngày, đang phát sóng bộ phim “Ký túc xá”. Bên cạnh đó, HTV7 còn dành thêm 9 giờ sáng chủ nhật hằng tuần cho phim truyện Việt.

 Các diễn viên Vân Dung, Quang Thắng, Quốc Khánh trong phim “Những người độc thân vui vẻ”.
Ảnh: dienanh.net

Những bộ phim Việt được chọn để thay thế phim truyện nước ngoài đã bước đầu tạo được lòng tin với khán giả. Những bộ phim giờ vàng của VTV1 thường mang tính chính luận, sắc sảo và có tính chiến đấu cao – đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, đặc biệt là những hiện tượng xã hội phát sinh tại vùng nông thôn trong quá trình đô thị hóa và sự tha hóa đạo đức trong thời kinh tế phát triển, một số người chạy theo vật chất coi nhẹ tình cảm và giá trị tinh thần. Phim Việt trên sóng VTV3 thiên về giải trí với hai bộ phim “Cô gái xấu xí” và “Những người độc thân vui vẻ” đều thuộc thể loại hài tình huống – mỗi tập phim giải quyết một vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của các nhân vật chính. Những bộ phim trên sóng HTV7 và HTV9 thì hướng đến khán giả trẻ, đề cập đến nhiều ngành nghề thời thượng đang được công chúng chú ý, những hiện tượng xã hội mới phát sinh... Nhân vật chính trong những bộ phim của HTV7 và HTV9 thường trẻ tuổi và do các diễn viên mới thể hiện, đã mang đến cho phim sinh khí mới.

Tuy nhiên, một điểm yếu cố hữu của phim truyền hình Việt đã bộc lộ khá rõ là kịch bản và dàn dựng thường “đầu voi đuôi chuột”: chủ đề tư tưởng nêu ra rất lớn, nhưng lại kém hấp dẫn vì tình tiết hời hợt, nặng hình thức, đối thoại khuôn sáo. Những nhược điểm chưa được cải thiện trên khiến những bộ phim truyền hình Việt phát sóng trong năm 2007 không để lại ấn tượng sâu sắc đối với người xem, nói gì đến hy vọng tạo “cơn sốt” hâm mộ trong giới trẻ như những bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm được ngay trên sóng truyền hình của ta.

Hiện nay, gần như mỗi tuần đều có một phim mới khai máy hoặc đóng máy hay lên sóng. Sự phát triển về số lượng là tín hiệu vui, nhưng hy vọng rằng, cùng với sự phát triển về công nghệ, chất lượng các bộ phim Việt sẽ được cải tiến để đứng vững và có vị trí ngày càng quan trọng trong lòng khán giả...

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết