16/09/2010 - 14:50

ĐỌC “CHIẾC RÌU”

Chỉ có thử thách, con người mới trưởng thành

Nếu như cách đây hơn 3 thế kỷ, cuộc phiêu lưu một mình trên hoang đảo của Robinson Crusoe đã khiến biết bao độc giả say mê thì ngày nay, cuộc chiến sống còn trong rừng hoang của cậu bé 13 tuổi Brian Robeson một lần nữa khẳng định bản lĩnh, ý chí sinh tồn của con người trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Gary Paulsen, do Tố Nga dịch, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành quí II/2010.

Nhân vật chính trong truyện là Brian Robeson, mười ba tuổi. Cha mẹ ly dị, cậu bé ở với mẹ tại New York, cha cậu làm việc ở khu khai thác dầu mỏ của Canada. Một lần, Brian đi thăm cha bằng chiếc máy bay dân dụng nhỏ và cậu là hành khách duy nhất cùng với viên phi công. Cậu được viên phi công hướng dẫn các bước cơ bản để lái máy bay. Nhờ vậy mà khi viên phi công đột tử vì cơn đau tim, Brian đã lái được máy bay và phát tín hiệu kêu cứu. Khi máy bay hết nhiên liệu Brian cố gắng điều khiển máy bay đáp xuống một hồ nước trong khu rừng gần đó để tránh cháy nổ. Máy bay chìm xuống đáy hồ, Brian ngoi lên mặt nước và thoát chết. Quen với lối sống hiện đại ở đô thị, nay đối diện với núi rừng hoang dã mà trong tay chỉ có chiếc rìu mẹ tặng, Brian phải tìm mọi cách để sống sót, tồn tại.

Brian đã sống một mình trong rừng hoang được 54 ngày cho đến khi được cứu. Có những lúc chán nản, tuyệt vọng, Brian tìm đến cái chết nhưng bản năng sinh tồn đã khiến cậu đứng dậy, đối mặt với khó khăn, thử thách và làm chủ được sinh mạng của mình. Cậu học được nhiều điều quí giá để có thể sống trong môi trường mới.

Bài học đầu tiên Brian nhận ra là trong rừng, muốn sống phải có cái ăn. Quá trình tìm kiếm thức ăn đã rèn cho Brian tính kiên trì nhẫn nại và sự nhạy bén. Những ngày đầu, khi đói, cậu ăn trái cây rừng, khát thì uống nước ở hồ. Dần dần, với chiếc rìu, cậu làm ra cái xiên để bắt cá, cung tên để săn thú. Chiếc rìu còn giúp cậu tạo ra lửa để sưởi ấm, nướng thức ăn và xua đuổi thú rừng, muỗi... Brian còn đốn cây về làm một cái lán vững chắc trên một vách đá bị lõm để có nơi trú ẩn an toàn.

Bài học thứ hai Brian nhận ra rằng phải lo xa để đối phó với những tình huống xấu như khi bị bệnh, bị thương... Cậu đã dự trữ củi và thức ăn lâu dài, tạo ra cái ao nhỏ trong cái hồ lớn để luôn có sẵn cá tươi...

Từ một cậu bé quen sống sung sướng, yếu đuối Brian trở thành một thiếu niên kiên cường, rắn rỏi, biết đấu tranh và thích nghi với hoàn cảnh sống mới. Bài học chung nhất với Brian là phải dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, thử thách và khi đặt mục tiêu làm gì thì phải kiên trì làm cho bằng được.

Tác giả còn nói lên thông điệp: có đối mặt với khó khăn, gian khổ, có đứng trước sự sống còn, con người mới thể hiện hết bản lĩnh, ý chí để trưởng thành hơn.

Nội dung, tình tiết hấp dẫn lôi cuốn độc giả, truyện còn mở ra những cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng hoang một cách sinh động, tinh tế.

Gary Paulsen, sinh năm 1939, là nhà văn chuyên viết những câu chuyện về rừng hoang cho tuổi mới lớn. Ông đã ba lần nhận huân chương Newbery- giải thưởng có uy tín nhất được trao hàng năm cho tác giả viết sách dành cho thiếu nhi xuất sắc ở Mỹ. Trong đó, có một lần là dành cho “Chiếc rìu”- tác phẩm đã bán hơn 5 triệu bản trên toàn thế giới và đạt nhiều giải thưởng danh dự. Cậu bé Brian như một “Robinson mới” tiếp tục chinh phục nhiều độc giả yêu sách.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết