10/01/2009 - 21:46

Chết cứng vì nuốt tiết trâu

Phạm Công Trứ người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1028) đời Lê Thần Tông, làm Thượng thư Bộ lại, có tài xử án.

Một lần trong dinh quan Thượng có việc phải giết trâu. Một người nhà bếp tự dưng bị chết cứng. Mọi người lo sợ báo cho Công Trứ biết. Vốn biết người đó có tính hay ăn vụng, ông ngờ người ấy nuốt vội tiết nóng vào bụng làm ruột bị bỏng nên đến nỗi như thế, liền hỏi: “Ở miệng có ngấn máu không?”, rồi cho người đến xem quả thấy có. Ông lập tức sai lấy bèo trong ao đắp hết cả thân mình, chỉ để hở mắt và miệng. Trong giây lát người ấy sống lại.

Trâu liếm tay, lòi ra kẻ xấu

Phủ Tuấn tên thật là Vũ Văn Tuấn, người làng Mỹ Lộc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông đỗ cử nhân thời Tự Đức, được bổ nhiệm làm tri phủ ở Quảng Ngãi.

Một lần, phủ Tuấn nhận được một lá đơn kiện. Bên nguyên kiện bên bị ăn trộm trâu. Bên bị là một phú hào có thế lực, luôn cả quyết rằng con trâu ấy là của mình. Ông liền xuống tận nơi thị sát. Sau khi nghe cả hai bên bày tỏ, quan phủ liền hỏi bên bị:

- Nhà ngươi có mấy con trâu?

- Thưa, nhà có 5 con ạ!

- Ngươi có biết đặc điểm chi về con trâu đó không?

- Bẩm có ạ.

Thế rồi, y kể ra vanh vách từng đặc điểm về con trâu ấy: cao ba thước hai phân, dài sáu thước năm phân, có 8 khoáy, một khoáy ở trước trán, một ở đỉnh đầu, hai khoáy ở sống lưng, hai khoáy ở hai bên bả vai, hai khoáy ở hai bên hông, đuôi dài một thước năm phân. Trâu có bốn chiếc răng. Sừng bên trái dài hơn sừng bên phải ba phân. Mỗi sừng có sáu lỗ hõm, nông sâu khác nhau.

Quan phủ Tuấn quay sang hỏi bên nguyên. Bên nguyên thưa:

- Bẩm quan! Nhà con chỉ có một con trâu này. Khi đặt ách cày vào cổ trâu, con lấy tay gãi gãi má trâu, nó thè lưỡi ra liếm tay con.

Nói rồi, anh ta đặt ách cày vào cổ con trâu xoa xoa tay vào má nó, trâu thè lưỡi liếm vào tay anh ta.

Quan phủ hỏi tiếp:

- Bên bị, còn đặc điểm con trâu của ngươi thế nào?

Bên bị - tên phú hào đứng thuỗn mặt ra - vừa run vừa nói lí nhí trong miệng. Quan phủ cười ha hả, vỗ đùi đánh đét:

- Thế là trắng đen đã rõ. Xưa nay có ai nuôi trâu lại đếm, đo từng đặc điểm của trâu bao giờ.

Kẻ trộm trâu cúi đầu xin nhận tội.

Cắt lưỡi trâu để trả hận

Ở làng Tiêu Dương có một nông dân tên là Lưu Toàn. Một hôm thả trâu ngoài đồng, tối dắt về thấy mồm trâu đầy máu. Vạch xem mới biết đã bị kẻ ác cắt lưỡi nó.

Lưu Toàn thảo đơn vào phủ cáo với Bao Công. Bao Công xem kỹ đơn, rồi hỏi: “Nhà ngươi nhớ kỹ có cừu hận với ai trong làng không? Lưu Toàn tâu: “Tiện dân không hề biết, cầu mong đại quan tra xét!”.

Bao Công nghe xong mở tráp đưa cho Lưu Toàn năm trăm quan tiền, lại cho phép mổ trâu bán lấy tiền để mua con khác. Lưu Toàn cúi lạy ra về. Liền đó, Bao Công sai thơ lại viết yết thị dán khắp mấy làng, phạt nặng kẻ giết trâu lậu, ai phát giác báo quan sẽ được thưởng ba trăm quan. Bốc An là người cùng xóm thấy Lưu Toàn mổ trâu liền thẳng đến phủ Khai Phong trình báo. Bao Công nghĩ: “Người lương thiện thấy Lưu Toàn thiệt hại đều động lòng thương chẳng ai nỡ. Vậy là, kẻ cắt lưỡi trâu và trình quan để lãnh thưởng rõ ràng chỉ một tên Bốc An này, chắc là trước có thù oán gì đây?

Nghĩ đoạn, Bao Công đập bàn quát lính trói Bốc An tra hỏi. Y khai: “Một lần thiếu củi Lưu Toàn không cho vay, nên rình cắt lưỡi trâu trả hận”. Bao Công nghe xong lập tức phê án: “Nọc cổ Bốc An đánh đủ 50 roi, bỏ ngục một tháng, bắt phải bồi thường thiệt hại cho Lưu Toàn”.

Cáo mất trâu, thử tài quan

Ở trấn Sơn Nam xưa có một vị quan rất giỏi xử kiện và yêu thương dân như con. Có một anh thanh niên trong vùng nghĩ ra một vụ mất trâu và làm như một vụ mất trâu thật đến trình báo quan để thử tài xử kiện của vị quan này.

Tại công đường, quan hỏi:

- Này, anh kia, anh mất trâu lúc nào?

- Bẩm quan, dạ con không biết mất vào năm ngoái hay năm nay.

- Anh mất con trâu màu gì, đực hay cái?

- Dạ bẩm quan, một con trâu cái màu đen, còn con nữa không biết màu gì và cũng chẳng rõ đực hay cái.

Quan gật gù suy nghĩ rồi hỏi tiếp:

- Anh có nghi cho ai không?

- Bẩm quan - anh thanh niên có vẻ sợ sệt - con có nghi cho một người anh và một người em dắt trộm.

Nói đến đây anh thanh niên im lặng, mặt ngơ ngác. Quan liền hỏi:

- Anh em thân thích lại lấy của nhau ư?

Bấy giờ anh thanh niên nói tiếp:

- Dạ, bẩm quan hai người này cũng chẳng phải anh em gì cả!

Sau một hồi suy nghĩ, quan phán:

- Không biết mất trâu vào năm ngoái hay năm nay, tức là mất vào lúc giao thừa, nghi cho người anh và người em nhưng không phải là anh em, thì đó là anh em rể. Con trâu bị mất là con trâu cái, còn con nữa không biết đực hay cái thì đó là con trâu còn nằm trong bụng mẹ, vậy là con trâu cái có chửa. Nhưng ông làm gì có anh rể mà nghi cho ông ta?

Chàng thanh niên giật thót mình vì quan đã biết rõ về gia cảnh của anh nên liền nói rõ sự tình và cúi đầu xin nhận tội. Quan đồng ý tha tội lại mời ở lại dùng trà vui xuân như đôi bạn tri kỷ lâu ngày gặp lại...

CÔN GIANG

Chia sẻ bài viết