25/08/2010 - 21:20

ĐĂNG KÝ LÔ HÀNG THỦY SẢN NHẬP KHẨU TRƯỚC NGÀY 1-9-2010

Chạy nước rút !

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Nam Hải.
Ảnh: KIM XUÂN

Nhiều năm nay, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản hoạt động không hết công suất thường xuyên xảy ra. Để đảm bảo các hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp phải nhập khẩu thủy sản. Ngoài áp lực về chi phí gia tăng làm tăng giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp còn chịu áp lực từ những quy định về kiểm soát, về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)… Đặc biệt, từ 1-9-2010, Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về hướng dẫn việc kiểm tra VSATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu (Thông tư 25) có hiệu lực thi hành đang là một yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp.

* Áp lực nhập khẩu nguyên liệu thủy sản

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 3 năm qua, mỗi năm cả nước nhập khẩu khoảng 140.000 - 150.000 tấn thủy hải sản các loại, trị giá 300 - 320 triệu USD, trong đó nguyên liệu thủy sản đông lạnh để chế biến tái xuất khẩu chiếm khoảng 96%. Riêng trong năm 2010, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ phải nhập khẩu khoảng 200 triệu USD nguyên liệu thủy sản cho sản xuất phục vụ các hợp đồng xuất khẩu.

Nhiều năm nay, việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, đặc biệt là tôm sú nguyên liệu cho chế biến đã không còn là vấn đề lạ lẫm đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL và cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này: quá nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ra đời; trong khi đó, thời tiết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến sản lượng nuôi trồng thủy sản trong nước giảm đáng kể; nguồn lợi thủy sản cho việc đánh bắt ngày càng hạn chế... nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động khoảng 30-40% công suất. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng có nhiều áp lực. Bởi đồng thời với việc giá nguyên liệu thế giới ngày càng tăng, doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí cho thuế, vận chuyển... khiến giá thành sản xuất tăng cao.

Đáng quan tâm hơn, việc nhập khẩu nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến thủy sản xuất khẩu phải chịu sự kiểm soát cùng lúc 3 văn bản hiện hành của Bộ NN&PTNT. Đó là: Quyết định số 118/2008/QĐ-BNN ban hành ngày 11-12-2008 về Quy chế kiểm tra và chứng nhận chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa thủy sản; Thông tư 78/2009/TT-BNNPTNT ban hành ngày 10-12-2009 quy định về kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng thủy sản; Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT ban hành ngày 2-2-2010 quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản. Ngoài các văn bản vừa nêu, ngày 8-4-2010, Bộ NN&PTNT có Thông tư 25 về Hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.

Theo quy định của các văn bản trên, các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để gia công, chế biến hàng xuất khẩu sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ lô hàng, giấy chứng nhận chất lượng (Health Certificate - H/C) lô hàng do cơ quan thẩm quyền nước xuất cấp cho Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (NAFIQAD) và cả Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu (đối với giấy H/C). Việc áp dụng bắt buộc này khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thông quan bởi không phải nhà xuất khẩu nào cũng đồng ý cấp giấy H/C cho các lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam. Và nếu có cấp, doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ phải chịu thêm khoản phí phát sinh do kiểm tra, kiểm nghiệm, lưu kho bãi...

* Phải chạy nước rút

Trong các văn bản liên quan đến các quy định về nhập khẩu thủy sản, Thông tư 25 được quan tâm nhiều nhất. Bởi lẽ, sau khi ban hành, ngày 8-4-2010, thời hạn áp dụng từ ngày 1-7-2010, Thông tư 25 đã nhận được phản hồi từ nhiều đối tượng có liên quan. Cụ thể, ngày 31-5-2010,VASEP có công văn kiến nghị với Bộ NN&PTNT về những khó khăn, trở ngại của các doanh nghiệp nhập khẩu thủy hải sản để gia công, chế biến, xuất khẩu khi Thông tư có hiệu lực thi hành; đồng thời, kiến nghị lùi thời hạn áp dụng để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị. Trước đó, ngày 17-5-2010, Đại sứ Australia, Canada, New Zealand, Mỹ và Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cũng đã gửi công văn tới Bộ NN&PTNT có ý kiến về thời hạn áp dụng và một số khó khăn trong quá trình thực hiện thông tư để các đối tác thương mại có thể dễ nắm bắt và có đủ thời gian chuẩn bị. Trước những kiến nghị nêu trên, ngày 24-6-2010, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương ký Quyết định số 1794/QĐ-BNN-QLCL lùi thời hạn áp dụng Thông tư 25 thêm 2 tháng nữa so với thời hạn cũ, tức thời hạn có hiệu lực là vào ngày 1-9-2010.

Theo NAFIQAD, đến ngày 25-8, chỉ có 642 cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản gửi hồ sơ đăng ký và được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật vào Việt Nam. Cụ thể: Oman (1 cơ sở), Trung Quốc (413 cơ sở), Na Uy (52 cơ sở), Hàn Quốc (73 cơ sở), Nhật Bản (cơ sở 99) và Faroe (4 cơ sở). Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp có nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thủy sản tỏ ra lo lắng vì tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu trong nước vẫn đang diễn ra khá gay gắt.

Theo VASEP, trái với sự “sốt ruột” của nhiều doanh nghiệp trong nước, cơ quan thẩm quyền của nhiều nước tỏ ra “dửng dưng” trong thực hiện đăng ký cho các nhà xuất khẩu. Cụ thể như tại Thái Lan, cơ quan có thẩm quyền nước này chỉ mới nhận được thông tin từ phía Việt Nam vào ngày 6-8-2010 và đến ngày 23-8, cơ quan thẩm quyền nước này vẫn chưa triển khai thực hiện việc đăng ký theo quy định của Thông tư 25. Cơ quan thẩm quyền Ấn Độ cũng đã triển khai thực hiện việc đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nhưng đến nay, các nhà nhập khẩu Việt Nam vẫn không biết được danh sách khách hàng được cơ quan thẩm quyền Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo VSATTP theo quy định. Ngoài ra, tại nhiều nước như: Bungari, Myanma, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Chile... doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa đăng ký được với cơ quan có thẩm quyền do chưa biết thông tin gì về Thông tư 25...

Theo NAFIQAD, thời điểm Thông tư 25 có hiệu lực còn rất gần và không thể lùi thêm nữa. Việc thực hiện Thông tư 25 nhằm đảm bảo nguyên tắc hài hòa với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế (Hiệp định SPS về áp dụng các biện pháp Vệ sinh kiểm dịch động thực vật của WTO, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm (Codex)...) và tương đương với quy định của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Mỹ...; đảm bảo kiểm soát có hiệu quả về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong nước. Doanh nghiệp trong nước cần khẩn trương đốc thúc bạn hàng phải “chạy nước rút” trong đăng ký với cơ quan thẩm quyền để cơ quan thẩm quyền gởi hồ sơ về NAFIQAD kịp thời hạn quy định, trước ngày 1-9-2010.

Hà Triều

Theo Thông tư 25, các lô hàng nhập khẩu: Phải được sản xuất bởi cơ sở sản xuất kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo VSATTP theo quy định của Việt Nam. Mỗi lô hàng nhập khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận đáp ứng các quy định về VSATTP do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp (trừ trường hợp thủy sản do tàu cá nước ngoài thực hiện đánh bắt, chế biến trên biển bán trực tiếp cho Việt Nam). Lô hàng nhập khẩu chỉ được đưa vào sản xuất hoặc tiêu thụ tại Việt Nam sau khi được cơ quan kiểm tra của Việt Nam thực hiện kiểm tra tại cửa khẩu hoặc nơi tập kết và cấp giấy chứng nhận hoặc thông báo đạt yêu cầu VSATTP.


Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm chế biến Nam Hải. Ảnh: KIM XUÂN

Chia sẻ bài viết