11/07/2014 - 22:43

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố:

Chất vấn có trọng tâm, trả lời khá đầy đủ, rõ ràng

Thực hiện chương trình kỳ họp, trong chiều ngày 10 và sáng 11-7, HĐND thành phố đã chất vấn 4 giám đốc sở. Theo đánh giá của Chủ tọa kỳ họp, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi; nội dung chất vấn có trọng tâm, đúng chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành; giám đốc các sở trả lời chất vấn khá đầy đủ, rõ ràng… Báo Cần Thơ xin lược thuật một số nội dung ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của HĐND thành phố.

* Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố:
TĂNG CƯỜNG CHUYỂN GIAO KHOA HỌC KỸ THUẬT, GIÚP NÔNG DÂN TẠO RA HÀNG HÓA CÓ CHẤT LƯỢNG

 

Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại kỳ họp, ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - được 10 đại biểu chất vấn nhiều vấn đề trên lĩnh vực quản lý của ngành. Với câu hỏi của đại biểu Lâm Trường Giang về kết quả xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, ông Phạm Văn Quỳnh cho biết: Sở đã lập các đề án, xin quy hoạch xây dựng 3 vùng nông nghiệp công nghệ cao. Qua các cuộc hội thảo, Sở đề nghị đưa các khu này vào kêu gọi đầu tư cấp Bộ và cấp thành phố. Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Vinh về tình trạng doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ không thực hiện đúng cam kết, gây thiệt thòi cho nông dân, ông Phạm Văn Quỳnh cho biết: Đây là vấn đề khó không chỉ của thành phố mà của cả nước. Giải pháp để giảm thiểu tình trạng này là ngành đã và đang vận động nông dân xây dựng cánh đồng lớn, tăng cường chuyển giao KHKT giúp nông dân sản xuất đúng kỹ thuật, tạo ra hàng hóa chất lượng hơn để thu hút doanh nghiệp tham gia. Với nhiều ý kiến băn khoăn tình trạng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, ông Phạm Văn Quỳnh cho biết: 6 tháng đầu năm, qua kiểm tra, ngành đã phát hiện trên địa bàn có một số mặt hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng, nhưng chưa phát hiện hàng giả. Đối với ý kiến thắc mắc về dự án Nhà máy cấp nước Bắc Cái Sắn bao giờ sẽ đi vào hoạt động, ông Quỳnh trả lời: "Nhà máy cấp nước Bắc Cái Sắn hiện đã triển khai đấu thầu và trong tháng 7 này sẽ giao thầu, phấn đấu đầu năm 2015 sẽ lắp đặt thiết bị và đi vào hoạt động". Đối với phản ánh của cử tri về tình trạng chất lượng nước của một số trạm cấp nước của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố không bảo đảm, ông Quỳnh cho biết: Qua kiểm tra, ngành cũng nhận thấy một số trạm cấp nước xuống cấp và đã khắc phục được 10 trạm. Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thành phố rà soát và xây dựng kế hoạch thay hệ thống lọc của các trạm cấp nước trên địa bàn. Sở cũng đã đề nghị UBND thành phố cho phép xây dựng 19 công trình cấp nước trên địa bàn để nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch lên cao hơn.

* Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố: CHƯA QUAN TÂM ĐÚNG MỨC ĐẾN VIỆC XÂY DỰNG ĐIỂM NHẤN DU LỊCH, SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG

 

Trả lời và thông tin rõ hơn về việc trùng tu, tôn tạo các di tích, ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa –Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố cho biết: Hiện nay, toàn thành phố có 26 di tích được xếp hạng, hầu hết các di tích này do UBND quận, huyện quản lý. 5 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng thành phố đã đầu tư trên 100 tỉ đồng để trùng tu, tôn tạo 19 di tích. Còn 7 di tích chưa được trùng tu, tôn tạo do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Về việc "xây dựng tiêu chí con người Cần Thơ trí tuệ - năng động-nhân ái- hào hiệp- thanh lịch" theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, ông Phường cho biết đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản để thực hiện. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, nếp sống văn hóa văn minh nơi công cộng, nếp sống văn hóa trong giao thông và trật tự kỷ cương đô thị. Sở cũng đã ban hành 5 tiêu chí người tốt, việc tốt để hướng tới đặc trưng của con người Cần Thơ "trí tuệ - năng động-nhân ái- hào hiệp- thanh lịch".

Trước ý kiến của các đại biểu Huỳnh Thị Hiền và Nguyễn Ngọc Sang về việc TP Cần Thơ còn thiếu điểm nhấn du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch, ông Trần Việt Phường thừa nhận: Trước đây, Sở chưa thật sự quan tâm đến việc xây dựng các điểm nhấn du lịch của thành phố. Đầu năm 2014, Sở mới bàn bạc và đề nghị UBND thành phố xúc tiến xây dựng các điểm nhấn du lịch. Cụ thể đã đề nghị trang trí đèn nghệ thuật trên cầu Cần Thơ, trang trí đường Võ Văn Kiệt, xây dựng vườn tượng ở bến Ninh Kiều... Trả lời đại biểu Nguyễn Phương Thủy, ông Phường cũng thừa nhận thời gian qua, ngành VH-TT&DL chưa phối hợp cùng các ngành trong việc khai thác du lịch từ các làng nghề… Trước ý kiến lo lắng thành phố còn thiếu nơi vui chơi giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên, người dân, ông Phường thừa nhận thành phố còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Vấn đề này lãnh đạo thành phố rất quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức thực hiện. Bộ VH-TT&DL đã có văn bản chỉ đạo các sở rà soát, tổng hợp xây dựng đề án, trình Bộ xem xét, hỗ trợ đầu tư…

Ông Phạm Văn Hiểu, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tọa kỳ họp nhận định: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, liên tục; nội dung chất vấn có trọng tâm, đúng chức năng, nhiệm vụ của từng sở, ngành. Giám đốc các sở nắm chắc các vấn đề của đại biểu chất vấn, trả lời khá đầy đủ, rõ ràng, các đại biểu cơ bản hài lòng. Một vài đại biểu ngoài chất vấn có truy vấn thêm nhằm xác định trách nhiệm của ngành nào, cấp nào,… để có giải pháp khả thi hơn trong giải quyết vấn đề có liên quan…

* Ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố:
CẦN HUY ĐỘNG CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ THAM GIA GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG

 

Vấn đề được nhiều đại biểu HĐND thành phố quan tâm chất vấn Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố là công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang đạt kết quả tốt, tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo nghề được 74,07%. Các nghề lĩnh vực nông nghiệp giải quyết việc làm được 80-90%, các nghề phi nông nghiệp tùy theo địa phương, ngành nghề… nếu địa phương nào quan tâm khảo sát nhu cầu trước khi đào tạo thì tỷ lệ giải quyết việc làm cao hơn. Đào tạo nghề là đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho lao động,…

Đối với vấn đề đào tạo nghề cho học sinh không được vào lớp 10, ông Xuân cho biết: Phân luồng học sinh do ngành Giáo dục phụ trách, sau đó ngành LĐ-TB&XH đón nhận tư vấn và đào tạo nghề. Tuy nhiên, quy định tuyển sinh đến hết tháng 11 hàng năm của ngành giáo dục làm cho ngành LĐ-TB&XH không còn thời gian để tuyển sinh. Mặt khác, ngành giáo dục cho phép các Trường đào tạo nghề trung cấp và liên thông lên cao hơn, nên ngành lao động ít nguồn để đào tạo… Đại biểu Nguyễn Phương Thủy phản ánh tình trạng lao động được đào tạo nghề xong không có việc làm. Đại biểu Lê Văn Bảnh chuyển ý kiến cử tri cho rằng chất lượng giáo viên chưa cao, cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu nên học nghề xong không tìm được việc làm. Ông Xuân cho biết hằng năm, Sở đều có sơ kết, báo cáo đánh giá chất lượng đào tạo nghề của các địa phương. Thời gian qua, chúng tôi cố gắng rất nhiều trong việc tạo đầu ra cho lao động sau khi đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ riêng ngành LĐ-TB&XH làm được, mà cần phải có nỗ lực, sự chung tay của hệ thống chính trị của thành phố.

Đại biểu Mai Thị Xuân Mai đề nghị tăng mức hỗ trợ Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 100%. Vấn đề này, thành phố đã cân nhắc, nhưng do ngân sách còn khó khăn nên chưa thể hỗ trợ đủ mức 100% cho hộ cận nghèo. Tuy nhiên, chỉ có những hộ thoát nghèo từ năm thứ 6 trở lên mới đóng góp 20%; còn hộ thoát nghèo trong 5 năm được hỗ trợ 100% Bảo hiểm y tế như hộ nghèo.

* Ông Nguyễn Minh Kha, Giám đốc Công an TP Cần Thơ: TĂNG CƯỜNG LỰC LƯỢNG GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

 

Trong phần trả lời các vấn đề do Thường trực HĐND thành phố đặt ra, ông Nguyễn Minh Kha, Giám đốc Công an TP thừa nhận tình hình an ninh trật tự (ANTT) 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm nghiêm trọng và án nghiêm trọng giảm, tuy nhiên án ít nghiêm trọng tăng (xảy ra 164 vụ). Đáng chú ý là số vụ trộm cắp, đột nhập vào nhà dân và cơ quan, trường học để trộm cắp xảy ra ở nhiều nơi. 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an thành phố đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chủ động ra quân trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm ANTT và an toàn xã hội trên địa bàn. Qua đó, đã xử lý đạt tỷ lệ 87,2% tổng số vụ, thu hồi tài sản trị giá trên 900 triệu đồng trả lại cho người dân và các cơ quan, đơn vị…

Công an thành phố nhận định, các loại tội phạm trên địa bàn có chiều hướng gia tăng là do công tác phòng ngừa chưa tốt; các cơ quan, đơn vị, địa phương sợ bị cấp trên phê bình, mất thành tích, khi xảy ra không báo với Công an thành phố nên việc đấu tranh rất khó khăn, hiệu quả thấp. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng công an đã bắt được 91 vụ, với 135 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Lực lượng công an cũng đã bắt, xử lý và khởi tố một số đối tượng mại dâm, gái đứng đường, mồi chài khách. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng bán dâm hiện nay rất khó khăn vì theo quy định của pháp luật thì lực lượng công an chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Ông Nguyễn Minh Kha đề nghị mỗi người dân, cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Anh Huy về việc thành lập lực lượng đặc nhiệm để giữ gìn ANTT, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết: Lực lượng này được Công an thành phố thành lập năm 2013, hoạt động rất hiệu quả, ngăn chặn nhiều vụ cướp giật trên đường phố, góp phần giảm tội phạm trên đường phố. Thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục tăng cường lực lượng, phối hợp với các lực lượng khác tiếp tục tăng cường tuần tra, đảm bảo bình yên cho người dân.

Q. TRƯỞNG – ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết