31/05/2019 - 15:31

Chắt lọc dự án FDI để tránh công nghệ lạc hậu 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 5 tháng đầu năm 2019, ước tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt nam là 16,74 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là con số cao kỷ lục so cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây. Các chuyên gia cảnh báo, các địa phương cần thận trọng trong chọn lọc dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tránh các dự án công nghệ lạc hậu, ô nhiễm.

Nhà đầu tư Hàn Quốc ký kết hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam lĩnh vực logistics cảng. Ảnh: M.H

Nhà đầu tư Hàn Quốc ký kết hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam lĩnh vực logistics cảng. Ảnh: M.H

Vốn tăng kỷ lục

Trong 5 tháng đầu năm 2019, có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hong Kong dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỉ USD (trong đó, 3,85 tỉ USD mua cổ phần Công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,62 tỉ USD, chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng thứ ba với 2,09 tỉ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc 2,02 tỉ USD xếp vị trí thứ tư và Nhật Bản đứng thứ năm với tổng vốn đăng ký 1,52 tỉ USD.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, tập trung nhiều nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tổng số vốn đạt 12 tỉ USD), chiếm 71,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,38 tỉ USD; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 864 triệu USD… Trong 5 tháng đầu năm 2019, có 55 tỉnh, thành phố cả nước thu hút vốn FDI. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương trong tốp ba địa phương thu hút vốn FDI đăng ký nhiều nhất.

Theo Bộ KH&ĐT, tính đến 20-5-2019, cả nước có 1.363 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn 6,46 tỉ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018. Có 505 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn thêm 2,63 tỉ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018. Và 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 7,65 tỉ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký. Nếu so cùng kỳ 5 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây, vốn FDI của 5 tháng 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký. Cụ thể: năm 2016 đạt 10,1 tỉ USD; năm 2017 đạt 12,1 tỉ USD và năm 2018 đạt 9,9 tỉ USD.

Trong 5 tháng đầu 2019, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 7,3 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Sự dịch chuyển dòng vốn FDI của các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh, cùng với việc giải ngân vốn FDI tăng chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang hấp dẫn hơn.

 Tiềm năng về nông nghiệp của ĐBSCL đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: M.H

Tiềm năng về nông nghiệp của ĐBSCL đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: M.H

Không thu hút bằng mọi giá

Tính đến ngày 20-5-2019, cả nước có 28.632 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 350,5 tỉ USD. Vốn thực hiện ước đạt 198,7 tỉ USD, bằng 56,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Trong số 131 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án FDI còn hiệu lực, thì Hàn Quốc dẫn đầu, với 64,8 tỉ USD; Nhật Bản đứng thứ hai với 57,4 tỉ USD; kế đến là Singapore và Đài Loan, Britishvirgin Islands, Hong Kong…

Theo Bộ KH&ĐT, riêng trong 5 tháng đầu năm nay, Hong Kong -Trung Quốc dẫn đầu về vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Một số ý kiến của chuyên gia cho rằng xu hướng dịch chuyển dòng vốn này dù chưa rõ ràng nhưng cũng cần xem xét kỹ việc tiếp nhận dự án, nhằm tránh dự án công nghệ kém, gây ô nhiễm môi trường. Xét về độ mở của nền kinh tế, Việt Nam được nhiều quốc gia nhận định có môi trường đầu tư khá hấp dẫn. Trong 3 năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã có những cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh để đón dòng vốn FDI. Song, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị không nên thu hút vốn FDI bằng mọi giá, nhất là các địa phương chưa có nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Các địa phương cần cân nhắc kỹ khi tiếp nhận các dự án FDI đầu tư, có chiến lược bài bản và có thẩm định nhiều chiều để không “hứng” luồng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ rất khó giải quyết hậu quả.

Chẳng hạn vùng ĐBSCL vốn đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển kinh tế, nhất là tác động của biến đổi khí hậu. ĐBSCL trong 5 tháng đầu năm 2019 thu hút thêm 68 dự án FDI mới, vốn đăng ký 855,84 triệu USD; tính cả vốn tăng thêm, vốn góp thì ĐBSCL thu hút trên 1,03 tỉ USD. Toàn vùng hiện có 1.589 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 22,29 tỉ USD, chiếm hơn 15,7% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư của cả nước. Nếu cả nước vốn góp, mua cổ phần chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký FDI trong 5 tháng đầu năm nay, thì vốn FDI vào ĐBSCL đến hơn 82% là vốn đăng ký mới. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở của vùng, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp còn nhiều yếu kém về xử lý nước thải, các dịch vụ đi kèm cho sự phát triển khu công nghiệp... Nếu không có giải pháp lọc dự án và hậu kiểm kém sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Có thể nói, vốn FDI vào Việt Nam tăng lũy tiến là tín hiệu đáng mừng. Doanh nghiệp FDI có những đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia, song khối ngoại đang giữ vai trò chi phối trong kim ngạch xuất nhập khẩu. Với tỷ lệ chiếm 69% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhập khẩu chiếm khoảng 60%, sự chi phối này làm gia tăng áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa. Do vậy, cần có chính sách nhằm tạo ra các cơ hội thúc khối nội chuyển động, đổi mới công nghệ để không bị bỏ lại phía sau.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết