24/11/2018 - 16:48

Chắp cánh những ý tưởng khởi nghiệp 

Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” lần đầu tiên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động vào tháng 3-2018. Qua gần 9 tháng triển khai, có khoảng 180 ý tưởng dự thi của các nhóm khởi nghiệp đến từ 52 tỉnh, thành trong cả nước. Kết quả, có 10 ý tưởng, đề án xuất sắc tranh tài ở vòng chung kết vừa diễn ra tại TP Cần Thơ. Điều đáng quý là những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn trẻ đều xuất phát từ khát khao phát triển quê hương dựa trên tiềm năng và lợi thế của địa phương. 

Các tác giả đạt giải cao trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. 

Tận dụng tài nguyên bản địa

Điểm chung 10 đề án của các nhóm khởi nghiệp vào vòng chung kết cuộc thi là những ý tưởng tận dụng và phát triển nguồn tài nguyên bản địa. Tiêu biểu như đề án “Chè lam Lai Châu - Bamboo Tea” của nhóm tác giả Hoàng Văn Điệp (tỉnh Lai Châu); “Sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo tím thảo dược VH1” của nhóm tác giả: Phạm Văn Nam, Lê Thị Minh Trí và Nguyễn Thị Dung (tỉnh Thanh Hóa); “Sản xuất và chế biến sản phẩm từ củ ấu” của tác giả Nguyễn Thị Anh Thi (tỉnh Đồng Tháp)… Trong phần thuyết trình về đề án, hầu hết các tác giả đều chia sẻ địa phương có vùng nguyên liệu rộng lớn nhưng đều rơi vào điệp khúc “được mùa rớt giá” hoặc hầu như chỉ bán sản phẩm thô, không mang lại lợi nhuận cao.

Với khát vọng làm giàu, nhiều bạn trẻ đã tìm tòi, nghiên cứu để tận dụng nguồn tài nguyên bản địa nhằm tạo ra sản phẩm khởi nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa giúp bà con vươn lên khá giả từ chính thế mạnh cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Điển hình như anh Bền Chí Thịnh (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) với đề án “Chế biến dược liệu rừng, trồng Đẳng sâm công nghệ cao và sản xuất chế phẩm công nghiệp từ Đẳng sâm”. Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, từng có thời gian làm nhân viên kinh doanh cho các công ty chế biến thực phẩm, anh nhận thấy Đẳng sâm ở quê mình có thể làm dược liệu hoặc chiết xuất làm nước uống và mứt. Đẳng sâm có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người: tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến dạ dày, huyết áp… Gần 3 năm nghiên cứu công thức, đến tháng 6-2018, anh đã thành lập Công ty cổ phần Kora Groups, cung cấp 3 sản phẩm chủ lực là nước Đẳng sâm, dược liệu và mứt. Hiện công ty đã xây dựng hệ thống đại lý ở 8 tỉnh, thành trong cả nước, bình quân mỗi tháng anh có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Riêng sản phẩm mứt Đẳng sâm mới ra mắt hơn 1 tháng nhưng đã giúp anh thu nhập hơn 50 triệu đồng.

Hơn nửa năm thử nghiệm chế biến các sản phẩm từ cây năn, Nguyễn Ngọc Ngân (quê ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) phát triển chuỗi cung ứng năn từ nông thôn đến thành thị, tạo thương hiệu cho quê hương Sóc Trăng. Ngân đang nghiên cứu thiết kế bao bì, đóng gói, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng chiến lược truyền thông. Theo Ngân, tham gia cuộc thi là cơ hội để Ngân kết nối đối tác, học hỏi kinh nghiệm từ các nhóm khởi nghiệp để sớm biến ý tưởng thành dự án hiệu quả, tạo lợi nhuận cho bản thân cũng như cho nông dân trồng năn.

Thắp lên đam mê khởi nghiệp

     Hợp tác xã thanh niên Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những đề án xuất sắc vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” bởi tính khả thi, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho thanh niên địa phương. Hợp tác xã có 7 thành viên có chung niềm đam mê khởi nghiệp nên cùng góp vốn làm ăn. Anh Hoàng Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, mục đích của hợp tác xã là hoạt động đa ngành nghề, với các dịch vụ chính: Thu mua nông sản cho nông dân địa phương, nuôi cá đặc sản và phát triển dịch vụ homestay. Để có vốn hoạt động, mỗi thành viên trong hợp tác xã góp từ 50 đến 100 triệu đồng, người không có đủ tiền sẽ góp vốn theo hình thức chuyển đổi sang đất sản xuất. 

Theo anh Minh, vùng đất Thượng Lâm nói riêng, huyện Lâm Bình nói chung hiện đang là điểm đến của nhiều du khách muốn trải nghiệm nên hợp tác xã vừa đầu tư nuôi một số loài cá đặc sản của địa phương, như: cá Anh Vũ, cá Bỗng; vừa kết nối với doanh nghiệp để phát triển dịch vụ homestay, du lịch trải nghiệm. Để phát triển mô hình này, anh Minh cho rằng nhóm còn gặp khó về mặt ứng dụng công nghệ và nguồn vốn đầu tư để phát triển hợp tác xã. Dù vậy, khi tham gia nhiều chương trình về khởi nghiệp, anh đúc kết nếu hợp tác xã có định hướng phát triển rõ ràng, dự án có triển vọng thì nhà đầu tư sẽ tìm đến.

Anh Trần Văn Triển (học viên cao học Trường Đại học Cần Thơ) đồng tác giả đề án “Phát triển chuỗi cung ứng năn từ nông thôn đến thành thị tạo thương hiệu cho quê hương Sóc Trăng” với Nguyễn Ngọc Ngân, tâm sự rằng ban đầu anh dự định sẽ xin làm giảng viên một trường đại học. Nhưng từ khi phát triển dự án khởi nghiệp, bản thân tự nghiên cứu, tìm tòi tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường; học cách kinh doanh, tìm kiếm thị trường, làm truyền thông quảng cáo sản phẩm, anh cảm thấy khởi nghiệp là hành trình gian nan nhưng rất ý nghĩa. Bởi mỗi sản phẩm được bán ra, nhận được sự tin yêu của khách hàng không chỉ mang đến thu nhập cho bản thân, mà còn giúp bà con địa phương có thu nhập ổn định hơn.

Các dự án, mô hình khởi nghiệp dù có hiệu quả bước đầu hoặc chỉ mới dừng lại ở ý tưởng, thử nghiệm, song khát vọng làm giàu, sự chí thú làm ăn của các bạn trẻ góp phần cổ vũ phong trào khởi nghiệp ngày thêm khởi sắc! 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
khởi nghiệp