Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (TE). Trong đó, TE hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm được chăm sóc tận tình, chu đáo bằng tất cả tình thương và trách nhiệm; đảm bảo các em được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, lành mạnh.

TE nhóm thiếu nhi tham gia các trò chơi tại khu du lịch sinh thái Ông Đề, huyện Phong Điền.
Phòng tập vật lý trị liệu (VLTL) tại Trung tâm CTXH TP Cần Thơ rộng rãi, thoáng mát, với các thiết bị, vật dụng phục vụ yêu cầu tập luyện phù hợp từng dạng khuyết tật khác nhau của trẻ. Anh Nguyễn Xuân Vũ, nhân viên phụ trách tập VLTL, đang luyện tập cho bé K. Anh Vũ nhẹ nhàng xoa lưng, nắn từng ngón tay, chân, đỡ K tập ngồi và đứng. Vừa tập luyện, anh Vũ vừa ân cần trò chuyện, bé K mỉm cười, tỏ vẻ hiểu ý. Bé K bị dị tật từ nhỏ, chân tay co quắp, chỉ nằm một chỗ. Sau thời gian được tập luyện, bé K dần phục hồi thể trạng, sức khỏe tiến triển, ăn, ngủ tốt.
Anh Vũ cho biết: “Có 3 nhân viên đảm trách tập VLTL cho 21 trẻ thuộc nhóm trẻ sơ sinh, bại não… Ngoài những lúc túc trực chăm sóc trẻ nhập viện điều trị, các nhân viên duy trì lịch tập luyện cho trẻ thường xuyên. Các trẻ được thăm, khám thể trạng, sức khỏe trước mỗi ca tập luyện”.
Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, chia sẻ: “Việc tập VLTL thường xuyên giúp TE cải thiện tình trạng sức khỏe. Các thiết bị, dụng cụ luyện tập khá đa dạng do nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp trẻ tăng khả năng phục hồi chức năng vận động, thần kinh. Hầu hết nhân viên tập VLTL có thâm niên công tác điều dưỡng, chăm sóc, không có chuyên môn về VLTL. Trung tâm mời chuyên gia tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật cơ bản cho nhân viên. Bên cạnh đó, các nhân viên tận tâm với nghề, hết lòng yêu thương và kiên trì tập luyện cho trẻ”.
Ðối với mô hình hòa nhập xã hội cho trẻ, Trung tâm có 12 trẻ trong độ tuổi, có khả năng học tập và tiếp thu kiến thức, được đến trường và học lớp phổ cập tại Trung tâm. Qua kết quả hằng năm, các em đạt yêu cầu và có nhiều tiến bộ trong ứng xử, giao tiếp. Trung tâm quan tâm phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, để TE tự chăm sóc, bảo vệ bản thân cũng như tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp xã hội và xử lý được các tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống, không gây tác hại bản thân.
Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường giúp TE trải nghiệm thực tế các trò chơi dân gian, giao lưu sinh hoạt tập thể tại khu du lịch sinh thái, siêu thị… Trung tâm triển khai hình thức lao động trị liệu học nghề - việc làm cho 11 trẻ nhóm thiếu nhi. Trung tâm đưa nhân viên theo học nghề làm khung hình và hướng dẫn lại các em. Ngoài giờ học, các em tham gia làm khung hình, mỗi em mỗi công đoạn. Năm 2024, các em sản xuất gần 12.800 khung hình. Qua đó, rèn luyện tính đoàn kết, gắn bó tập thể, tuân thủ kỷ luật lao động, có trách nhiệm với công việc. Em Nguyễn Thanh Tịnh bộc bạch: “Ngoài giờ học lớp phổ cập, em sắp xếp thời gian học nghề làm khung hình. Nghề này dễ học, dễ làm, phù hợp với tụi em. Em rất vui khi cùng sinh hoạt và làm việc với các bạn”.
Theo ông Hồ Thanh Hải, năm 2025, Trung tâm CTXH thành phố tiếp tục triển khai thực hiện việc tập VLTL, phục hồi chức năng cho đối tượng; theo dõi thực đơn bữa ăn dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tâm đẩy mạnh tổ chức các chuyên đề nâng cao nhận thức tự chăm sóc, bảo vệ, tránh những nguy cơ gây tổn hại TE; tăng cường các chuyến tham quan dã ngoại, về nguồn tìm hiểu lịch sử dân tộc, kết nối học tập văn hóa và nghề nghiệp cho trẻ có nhu cầu. Ðồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu, giáo dục truyền thống, đạo đức, kết hợp rèn luyện kỹ năng cho TE các dịp lễ, Tết, nghỉ hè. Cùng với việc duy trì lớp phổ cập, Trung tâm tiếp tục triển khai mô hình hòa nhập xã hội cho trẻ, cung cấp các dịch vụ CTXH, rà soát trẻ đủ điều kiện học nghề, tìm việc làm phù hợp… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG