14/02/2014 - 14:12

Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan siêu vi

Trong Chương trình Thầy thuốc và Gia đình do BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp với VTVCầnthơ2 phát sóng trực tiếp vào 20g30 ngày 26-1-2014 chuyên đề Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan siêu vi, có những câu hỏi chưa được 2 diễn giả là TS. BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và ThS. BS Dương Quốc Thắng, Chuyên khoa Gan - Nhiễm, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long trả lời trực tiếp. Chuyên trang Sức khỏe của Báo Cần Thơ xin giới thiệu những câu hỏi điển hình.

Nguyễn Văn P, Rạch Giá, Kiên Giang SĐT: 0165xxxxxxx
Hỏi: Tôi bị cao huyết áp, khi đi xét nghiệm máu, kết quả bị viêm gan B. Vậy tôi nên điều trị cùng lúc hai bệnh này hay sao?

Trả lời: Cao huyết áp và Viêm gan siêu vi B là 2 bệnh cần phải theo dõi và điều trị lâu dài. Nếu không, có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Điều cần thiết là phải đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, chẩn đoán chính xác.

Huỳnh Thanh L, Kế Sách, Hậu Giang, SĐT: 0165xxxxxxx
Hỏi: Nguyên nhân vì sao bệnh viêm gan siêu vi B và C hiện nay xuất hiện quá nhiều? Có phải do khói bụi công nghiệp? Bệnh có lây truyền không? Nếu có thì lây qua đường nào? Nếu phát hiện trễ bệnh có biến chứng? Bệnh viêm gan B và C khác nhau như thế nào, cách phòng và điều trị?

Trả lời: Bệnh Viêm gan siêu vi B, C là bệnh gan bị viêm do 2 siêu vi khác nhau gây ra chứ không phải do khói bụi công nghiệp, nhưng viêm gan siêu vi B và C đều có nhiều điểm chung giống nhau như: đường lây truyền (đều lây qua đường máu, quan hệ tình dục, mẹ nhiễm truyền sang con); biểu hiện bệnh (vàng da, vàng mắt, chán ăn, buồn nôn, khó tiêu, đau vùng bẹ sườn bên phải). Cần lưu ý là khoảng 70 - 80% trường hợp bệnh không có triệu chứng rõ ràng, chính vì thế mà người bệnh không biết để đi khám và điều trị. Cả 2 bệnh Viêm gan siêu vi này nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng, đều có nguy cơ đưa đến xơ gan, ung thư gan. Cách phòng ngừa chung đối với 2 bệnh này là phải biết đường lây của chúng để tránh. Đối với siêu vi viêm gan B, hiện đã có thuốc chủng ngừa còn siêu vi C thì chưa. Điều quan trọng trong việc điều trị bệnh là tùy theo siêu vi gây bệnh (tuýp siêu vi, số lượng siêu vi trong người, …), tình trạng sức khỏe của người bệnh... Bác sĩ sẽ có những hướng dẫn cụ thể.

Với thiết bị xét nghiệm hiện đại sẽ giúp phát hiện và điều trị vi-rút viêm gan một cách hiệu quả. Trong ảnh: Phòng xét nghiệm của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long.

Phạm Văn Vũ, Long Phú, Sóc Trăng, SĐT: 0163xxxxxxx
Hỏi: Tôi 42 tuổi chích vắc-xin phòng viêm gan đủ liều nhưng đi xét nghiệm phát hiện không có kháng thể nên chích thêm 3 liều vắc-xin nữa, nhưng cũng không có kháng thể. Vậy nguyên nhân là do đâu và tôi phải làm như thế nào?

Trả lời: Nếu chủng ngừa đúng theo lịch tiêm chủng thì khoảng 95 % người lớn mạnh khỏe sẽ có đủ kháng thể bảo vệ sau khi đã chích ba mũi. Tỷ lệ này sẽ giảm đi khi tuổi càng cao (từ 40 tuổi chỉ đạt hiệu quả 85% và đến tuổi 60 chỉ còn 47%). Tỷ lệ đáp ứng này cũng giảm bớt ở người mập, hút thuốc, nam giới và giảm nhiều ở những người mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch, suy gan, suy thận, lọc máu... Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của những người này có cơ địa không tạo được hoặc không tạo đủ kháng thể khi được kích thích bởi vắc-xin chủng ngừa. Một số ít trường hợp có thể do chất lượng vắc-xin không bảo đảm (do bảo quản không đúng, chẳng hạn). Đối với nguyên nhân do chất lượng vắc-xin, việc tiêm chủng lại có thể đạt kết quả còn những nguyên nhân do cơ địa thì việc tái chủng, thậm chí kể cả với liều gấp đôi, cũng chưa cho thấy có kết quả khả quan.

Nguyễn Văn U, Long Mỹ, Hậu Giang, SĐT: 0164xxxxxxx
Hỏi: Ba tôi 65 tuổi bị viêm gan B đã hơn 5 năm, điều trị khoảng 3 năm thì ổn định, vẫn còn uống thuốc nhưng khoảng 1 tháng nay đi khám lại thì số vi-rút đã tăng lên là 50 con/ml máu và men gan tăng 161. Xin hỏi cách điều trị?

Trả lời: Men gan tăng, chứng tỏ gan đang bị viêm, còn viêm gan do nguyên nhân gì thì phải tìm hiểu để điều trị vì để lâu ngày sẽ gây hậu quả xấu cho sức khỏe người bệnh. Thông tin của bạn cung cấp cho chúng tôi không rõ, ví dụ "… điều trị khoảng 3 năm thì ổn định". Bạn nên kiểm tra lại lượng siêu vi sau 1-3 tháng bằng xét nghiệm định lượng HBV DNA với kỹ thuật theo quy trình tự động, có độ chính xác cao mới có cơ sở để đánh giá đúng tình trạng bệnh viêm gan của ba bạn.

Nguyễn Tuấn N, Châu Thành, Hậu Giang SĐT: 0988xxxxxx
Hỏi: Trong gia đình có người bị viêm gan B, nếu đã chích ngừa thì có bị lây nhiễm không?

Trả lời: Người đã được chủng ngừa nên đi làm xét nghiệm định lượng kháng thể Anti HBs (hay HBsAb). Nếu nồng độ kháng thể > 10 mIU/ml sẽ giúp cơ thể không bị nhiễm siêu vi viêm gan B.

Điều trị ung thư gan, theo các nhà chuyên môn, nếu phát hiện sớm bệnh và được phẫu thuật loại trừ khối u thì sẽ đạt hiệu quả cao còn khi bệnh đã tiến triển không phẫu thuật được thì các biện pháp khác như: dùng sóng cao tần, hóa trị, xạ trị… cho kết quả hạn chế.

Nguyễn Văn T, Thốt Nốt, TP Cần Thơ, SĐT: 0167xxxxxxx
Hỏi:
Bị bệnh gan cổ trướng mà bụng đã to lên rồi thì có trị hết không? Nếu không thì có thể uống thuốc nam cầm chừng được không?

Trả lời: Bệnh xơ gan cổ trướng là bệnh xơ gan đã mất bù, không thể điều trị hết hẳn được. Tuy nhiên, tùy theo giai đoạn bệnh và nguyên nhân gây nên xơ gan cũng như các biến chứng khác đi kèm mà việc tiên lượng bệnh cũng có khác nhau, bạn nên đưa người nhà tới các cơ sở điều trị chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Hà Văn T – 30 tuổi, Thạnh Trị, Sóc Trăng, SĐT: 0165xxxxxxx
Hỏi: Tôi bị bệnh viêm gan đến nay khoảng 10 năm. Hiện tôi bắt đầu có triệu chứng đau sườn phải, buồn nôn. Vậy tôi điều trị như thế nào, bao lâu và ở đâu là tốt nhất?

Trả lời: Đau hạ sườn phải, buồn nôn có rất nhiều nguyên nhân không chỉ là vấn đề của bệnh gan. Bạn cần đến các cở sở điều trị chuyên khoa để được khám chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Nguồn BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long

Chia sẻ bài viết