Sáng 7-6, tại buổi thảo luận được truyền hình trực tiếp chủ đề việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (GDĐH), nghị trường Quốc hội “nóng” lên với hàng loạt ý kiến “xoáy” thẳng vào một số tồn tại mang tính “kinh niên” của ngành giáo dục nước nhà.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chỉ rõ: Thời gian qua, việc thành lập trường đại học chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Việc thực hiện cam kết nêu trong đề án thành lập trường còn chậm. Chất lượng GDĐH, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Chất lượng tuyển sinh đầu vào chưa cao, ít có tính sàng lọc ở bậc đào tạo sau đại học và đặc biệt bị coi nhẹ ở các hệ đào tạo không chính quy; nội dung, phương pháp đào tạo và quản lý GDĐH chậm đổi mới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ ban hành các tiêu chí xác định trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận” và “vì lợi nhuận hợp lý” để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp. Đồng thời áp dụng chính sách đầu tư có trọng điểm theo kế hoạch trung và dài hạn để hình thành một số trường ĐH có chất lượng đào tạo cao. Cơ quan giám sát của Quốc hội cũng đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đối với các trường ĐH, CĐ; quy định rõ mối quan hệ công tác giữa Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ban, ngành liên quan trong quản lý GDĐH; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý ngành đối với các trường thuộc lĩnh vực chuyên môn do bộ quản lý.
“Đừng để con em của chúng ta thành nạn nhân của kinh doanh giáo dục!” - Đại biểu Trương Văn Nọ (Long An) nhận xét như vậy khi đề cập đến công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ ngoài công lập. Đại biểu Trương Văn Nọ cho rằng, khoảng 5 năm gần đây, việc đăng ký thành lập các trường loại này có phần dễ dãi, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đào tạo, khiến việc đầu tư vào GDĐH bị dàn trải, manh mún. Trong khi đó, nhiều trường mới thành lập, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nhưng đã tổ chức tuyển sinh đào tạo. Một thực tế là đội ngũ giảng viên đại học tại các trường ngoài công lập hầu hết đều là cán bộ về hưu và giảng viên thỉnh giảng nên khó đảm bảo chất lượng. Đại biểu Nọ đề nghị Chính phủ cần có các biện pháp chấn chỉnh các trường đang hoạt động mà chưa đúng quy định của pháp luật; xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh để áp dụng đối với các trường không thực hiện đúng cam kết khi đăng ký thành lập; bổ sung nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể của Bộ chủ quản và địa phương trong công tác quản lý GDĐH.
Đại biểu Đinh Ngọc Lượng (Cao Bằng) cho rằng, việc cho phép nâng cấp và thành lập trường ĐH, CĐ mới quá dễ dàng trong thời gian vừa qua dẫn đến số giảng viên có trình độ chuyên môn sâu tăng chậm, cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng; làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Đại biểu dẫn chứng: Từ 1998 - 2009 đã có tới 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó thành lập mới là 58 trường, còn lại là nâng cấp từ bậc học thấp hơn; nâng tổng số trường ĐH, CĐ của nước ta lên 440 trường. Tuy nhiên, 20% số trường ngoài công lập được thành lập mới lại chưa xây dựng trường tại các địa điểm đăng ký, thiếu cơ sở vật chất, thiếu thiết bị dạy học, phòng thực hành thí nghiệm, thư viện, ký túc xá.... hoặc có trường tỷ lệ đất mới chỉ đạt 0,9m2/sinh viên (trong khi quy định là 25m2/sinh viên). Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở này mà không kiểm tra, xem xét các trường này có đủ điều kiện hoạt động giáo dục hay không.” - Đại biểu Lượng nói.
Các đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết (Vĩnh Phúc), Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), Quàng Thị Xuyến (Sơn La) đều cho rằng: Để đảm bảo chất lượng đào tạo trong hệ thống GDĐH, trước hết phải gắn giáo dục với nghiên cứu khoa học.
Các nước trên thế giới đào tạo được các cử nhân, tiến sĩ có chất lượng cao là vì họ luôn gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học thành một khối thống nhất. Các thành tựu nghiên cứu khoa học mới luôn được đưa vào quá trình đào tạo, từ đó chương trình đào tạo được đổi mới, cập nhật không ngừng. Trong khi đó ở nước ta mặc dù có rất nhiều đề tài nghiên cứu nhưng việc đưa các đề tài đã được nghiên cứu, nghiệm thu vào ứng dụng thực tế của các trường rất hạn chế. Nhiều công trình khoa học chưa gắn với thực tiễn và đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Các đại biểu kiến nghị cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và các đề tài khoa học thiết thực tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội bên cạnh đó gắn kết đào tạo, giảng dạy với nghiên cứu, ứng dụng khoa học; có chính sách rõ ràng đối với những người tham gia nghiên cứu khoa học...
* Chiều 7-6, tiếp tục phiên thảo luận về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”, nhiều đại biểu cho rằng đây là dịp để “chẩn bệnh” và “bốc thuốc” đối với những hạn chế còn tồn tại trong lĩnh vực này; là tín hiệu vui cho thấy giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã và luôn hết sức được quan tâm. Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với những nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm sáng rõ hơn bức tranh toàn cảnh của GDĐH thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) nhận định nguyên nhân thực chất của hiện tượng mở nhiều trường là do quy luật của thị trường, cầu tăng thì cung tăng. Tuy nhiên, trong khi quy mô đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản để bảo đảm chất lượng đào tạo chưa theo kịp. Đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu; suất đầu tư/SV/năm học còn thấp dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Sinh viên ra trường không tìm được việc làm, kéo theo đó là khủng hoảng thừa. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là do thiếu giáo viên. Nhiều trường phải “nhờ” cả các giáo sư đã về hưu; không đảm bảo được số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên cơ hữu. Để giải quyết những hạn chế này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, bên cạnh những giải pháp mang định hướng XHCN cũng phải tôn trọng cơ chế thị trường; tăng cường chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội và trong giai đoạn hiện nay vẫn cần có sự tham gia của các bộ, ngành chủ quản bởi họ chính là người hiểu rõ nhất nhu cầu, quy mô đào tạo của lĩnh vực họ hoạt động.
Phân tích nguyên nhân, đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) cho rằng cơ bản là do thiếu sự kiểm tra đôn đốc đối với các trường. Nhiều trường thành lập xong chưa ổn định đã chiêu sinh rầm rộ; nhiều trường không minh bạch khi mượn tên các giáo sư, mượn cơ sở vật chất, mượn danh nghĩa liên kết. Những năm gần đây, các trường mở quá nhiều cơ sở 2, cơ sở 3 ở các địa phương nhưng việc giảng dạy, cơ sở vật chất vẫn sử dụng lực lượng, cơ sở tại chỗ. Người chịu thiệt thòi là sinh viên, là cơ quan, đơn vị tuyển dụng. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc nhiều đầu mối quản lý đào tạo mà lại không có sự thống nhất, “mỗi anh một phách”. Đầu tư giáo dục còn yếu, chưa xứng đáng do đó chất lượng kém là tất nhiên. Chương trình đào tạo còn cứng nhắc, các trường không được tự chủ xây dựng chương trình của mình. Nhiều nội dung đào tạo không thật sự cần thiết mà vẫn phải dạy và học, tạo nên sự bất hợp lý, đặc biệt là giữa các trường của ta với nước ngoài. Chưa quản lý chất lượng đầu ra trong khi quản lý đầu vào như tổ chức tuyển sinh rất rầm rộ, dẫn tới không sinh viên không thực sự cố gắng trong quá trình học tập vì đã vào đến trường là “yên tâm”.
Mổ xẻ gốc rễ của vấn đề, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng hai nguyên nhân chính liên quan đến chất lượng GDĐH là cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. “Ăn nhờ ở đậu thì làm sao nâng chất lượng lên được? Làm sao có thư viện tốt được? Thư viện có vai trò rất quan trọng đối với đại học, không có thư viện thì vô phương nâng chất lượng học tập của sinh viên và không có điều kiện để tổ chức nghiên cứu khoa học, để nâng chất giáo trình, bài giảng của giáo viên. Nguyên tắc dạy đại học phải là học vị tiến sĩ, nay không có nên ta dùng cả thạc sĩ để giảng dạy” - đại biểu này khẳng định.
Thẳng thắn phê phán một số ý kiến, đại biểu Trừng cho rằng, các đại biểu ỷ vào Nhà nước nhiều quá, mong Nhà nước chi này, chi kia là không được. Ngân sách nhà nước chi tới 20% cho giáo dục là quá mức rồi. Đồng thời đại biểu hiến kế: cải thiện cơ sở vật chất cho GDĐH là đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa và thu hút đầu tư nước ngoài. Vừa qua ta xã hội hóa chưa triệt để, phải có cơ chế chính sách thu hút các tập đoàn giáo dục, chấp nhận cho họ hưởng lợi nhuận. Còn để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, có thể kéo dài tuổi đứng lớp cho các vị có học vị tiến sĩ, đưa những người đã nghỉ hưu và những người đang công tác tại các cơ quan nghiên cứu tham gia giảng dạy.
Đưa đến cái nhìn có phần mới mẻ hơn, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng: Khi đặt vấn đề tập trung cho giáo dục thì tiêu chí đầu tiên là không hy sinh chất lượng vì số lượng tức là phải lấy chất lượng hướng tới phát triển công nghiệp, đây là vấn đề dường như chúng ta không đặt ra. Giáo dục là việc của Nhà nước chứ không phải việc của thị trường, không có quốc gia nào đặt vấn đề thị trường hóa giáo dục là thành công, không bao giờ được để thị trường chi phối giáo dục. Đây là vấn đề liên quan đến chính sách cải hoán giáo dục hiện nay. Giáo dục tư lập các công ty cổ phần với mục đích tối đa hóa lợi nhuận, liệu giáo dục có đi theo con đường tối đa hóa lợi nhuận hay không?
Đại biểu này cho rằng, chúng ta thiếu một định chế rất quan trọng mà nước nào cũng làm, đó định chế công phi lợi nhuận, đó là tổ chức đại học các trường nổi tiếng tổ chức thu học phí kinh doanh sinh lời nhưng những người bỏ tiền sáng lập là những người không bao giờ lấy cổ tức. Để quản trị một tổ chức có uy tín để dùng tiền đó phát triển đại học đầu tư cho nghiên cứu học cấp học bổng và Chính phủ không bao giờ lấy thuế nhưng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan Chính phủ. Nhà nước gián tiếp bao cấp về vấn đề đầu tư nhưng phải quản lý chặt chẽ.
“Lần này tôi đề nghị, để chấn hưng giáo dục, chúng ta nên hình thành đạo luật về các định chế công; trong đó thực hiện các dịch vụ công, phi lợi nhuận. Nhà nước hướng dẫn và chỉ đạo Bộ GDĐT quản lý, kêu gọi các thành phần bỏ tiền mời các nhà GD, những người có uy tín vào quản trị nó, phát triển vì sự nghiệp giáo dục. Đề nghị Quốc hội có Nghị quyết, Bộ GDĐT tiếp thu để tiết chế, lập đạo luật sửa nhiều luật có liên quan đến chính sách như vậy, để Giáo dục phát triển đúng hướng” - ông Trần Du Lịch kiến nghị.
NHÓM PV TTXVN
NHỮNG Ý KIẾN THẲNG THẮN, CHÂN THÀNH CỦA CỬ TRI VỀ VẤN ĐỀ ĐẦU TƯ VÀ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Mạng lưới các trường ĐH ở ĐBSCL trong đó có TP Cần Thơ đang phát triển khá mạnh về qui mô cũng như chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hiện có nhiều trường, đặc biệt là những trường mới thành lập vẫn đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, kinh phí cho các hoạt động đào tạo- nghiên cứu khoa học... Khó khăn nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cho thấy các trường chưa được đầu tư thỏa đáng so với yêu cầu phát triển.
Cử tri Nguyễn Văn Nở, giảng viên Đại học Cần Thơ cho biết : Qua theo dõi buổi truyền hình trực tiếp tại Hội trường sáng 7-6, tôi thống nhất cáo với Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tôi rất hoan nghênh các ý kiến của đại biểu Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm cao, từ nhiều góc nhìn khác nhau đã đóng góp ý kiến rất có chất lượng, nhất là đi sâu phân tích những bất cập, tồn tại khách quan cũng như chủ quan trên từng lĩnh vực giáo dục đào tạo đại học- cao đẳng, qua đó đề xuất các giải pháp khắc phục ở cấp vĩ mô một cách cụ thể, thiết thực. Tôi rất đồng tình với ý kiến, kiến nghị của đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa và TP Hà Nội, đặc biệt có ấn tượng với ý kiến của đại biểu QH tỉnh Nghệ An; các đại biểu rất chú trọng đến việc tăng cường ưu tiên đầu tư để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học- cao đẳng trong thời gian tới.
Về ý kiến cá nhân, cử tri Nguyễn Văn Nở kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét tăng mức đầu tư; đồng thời tăng quyền tự chủ cho Trường ĐH Cần Thơ, bởi đây là trường công lập trọng điểm của khu vực ĐBSCL đào tạo đa ngành với qui mô hiện nay trên 39.500 sinh viên. Thế nhưng, nhiều năm qua, kinh phí đầu tư cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học chỉ được cấp “nhỏ giọt” chưa tương xứng với qui mô của trường.
Cử tri Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Tây Đô có nhận xét: Trong những năm qua ngành đại học cao đẳng của nước ta phát triển đáng mừng. Như báo cáo của Chính phủ việc tăng quy mô và đa dạng hình thức đào tạo đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của các tầng lớp nhân dân, đào tạo nên nguồn nhân lực phục vụ công cuộc CNH, HĐH, thúc đẩy phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đứng góc độ quản trị của trường ĐH tư thục, cử tri Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: Nghị định 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về các chính sách xã hội hóa giáo dục - đào tạo... có một số điều, khoản chưa sát hợp nên các địa phương khó áp dụng vào thực tế. Trước tình hình trên, tôi kiến nghị Nhà nước nên điều chỉnh hoặc ra Nghị định mới phù hợp hơn. Nên kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và có chính sách ưu đãi hơn nữa về tín dụng đầu tư cho các trường ĐH tư thục; cho phép cơ chế học phí linh hoạt hơn bởi trường phải tự chủ nguồn tài chính trong khi đầu tư cho giáo dục thu hồi vốn rất chậm. Nếu mở thêm ngành theo nhu cầu xã hội mà số lượng sinh viên đăng ký học không đủ chỉ tiêu tuyển sinh thì nhà trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn .
TRẦN KHÁNH LINH (TTXVN) |