17/08/2012 - 21:22

TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG:

Chăm lo sự nghiệp trồng người - Cần một tầm nhìn chiến lược

Ngày 17-8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và việc chuẩn bị Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương và các cán bộ chủ chốt các đơn vị cục, vụ, viện, hiệu trưởng các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Báo cáo Tổng Bí thư về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nêu rõ: Ngay sau Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo nghiêm túc các đợt học tập Nghị quyết, quán triệt chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”; xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Ban cán sự Đảng chỉ đạo toàn ngành tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các lĩnh vực công tác, lấy đổi mới quản lý làm khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục đã chủ động chuyển từ hướng phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội; coi việc nâng cao chất lượng và tuân thủ quy hoạch phát triển nhân lực là mục tiêu của phát triển giáo dục đào tạo. Đổi mới tư duy quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, ngành chủ trương thực hiện: tách bạch quản lý nhà nước với quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, không làm thay nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động giáo dục, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống.

Cùng với tập trung giải quyết một số vấn đề bức xúc như dạy thêm học thêm tràn lan, tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bệnh thành tích và không trung thực trong giáo dục, toàn ngành đã tập trung thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; điều chỉnh, xử lý những bất hợp lý trong nội dung dạy học ở bậc phổ thông theo hướng tinh giản, tích hợp các môn học nhằm giảm tải cho học sinh, thí điểm áp dụng một số mô hình dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm; tạo điều kiện, hỗ trợ giúp trẻ em và học sinh đến trường, không để học sinh bỏ học do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở; lồng ghép giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, khuyến khích học sinh phổ thông tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học; đổi mới công tác tổ chức thi, cách ra đề thi, nhất là các môn tự luận (văn, sử, địa...) theo hướng mở, chú ý phát huy tính sáng tạo, khả năng tổng hợp kiến thức của học sinh gắn với các vấn đề thời sự của đất nước.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước chăm lo sự nghiệp trồng người. Nhân dịp chuẩn bị bước vào năm học mới 2012-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ân cần gửi tới các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời thăm hỏi thân ái, lời chức mừng tốt đẹp nhất.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương ngành giáo dục đã thực hiện tốt những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về giáo dục và đã đạt nhiều kết quả, thành tích quan trọng. Trong điều kiện nguồn lực thấp kém, còn nhiều khó khăn, nền giáo dục nước nhà đã phát triển cả về quy mô, mạng lưới, phong phú đa dạng về loại hình đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế... đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân, hơn 80 triệu dân, 22 triệu người đi học. Đặc biệt, chúng ta đã quan tâm đến các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc, các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục - đào tạo... Đây là thành tựu chung của cách mạng, của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp nỗ lực của những người làm công tác giáo dục đào tạo.

Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các cấp, các ngành, đến toàn xã hội. Tổng Bí thư đề nghị, ngành giáo dục - đào tạo bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, các chiến lược Chính phủ đã phê duyệt, các văn bản pháp luật đã ban hành, đồng thời xuất phát từ thực tiễn, để xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ của ngành và kiên trì thực hiện.

Tổng Bí thư nhất trí cho rằng, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, là trách nhiệm chung, trước hết là nhà trường, gia đình và xã hội, các đoàn thể. Ai cũng phải giáo dục, tự mình giáo dục mình, rèn luyện mình, người đi giáo dục cũng phải được giáo dục... Tổng Bí thư mong muốn Bộ Giáo dục - Đào tạo làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất, đôn đốc, phối hợp... nỗ lực hoàn thành tốt sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó - chăm lo sự nghiệp trồng người.

NGUYỄN THỊ SỰ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết