26/11/2008 - 21:32

Chánh Thanh tra TP Cần Thơ - Nguyễn Văn Bê:

Chấm dứt việc xem xét giải quyết khiếu nại của một số hộ dân ở Nông trường Cờ Đỏ

Dù đã được chính quyền, các ngành, các cấp từ địa phương đến Trung ương tích cực giải quyết theo đúng qui định pháp luật và trả lời rõ bằng nhiều văn bản nhưng thời gian qua một số hộ dân ở Nông trường Cờ Đỏ (NTCĐ) vẫn cố tình liên tục khiếu nại đòi lại đất gốc; xin được nhận thêm đất khoán; đòi thành quả lao động... theo kiểu “trúng ăn hụt huề”, lôi kéo nhiều người, khiếu nại nhiều nơi, từng lúc tạo thành “điểm nóng”, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ngày 13-10-2008, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã có văn bản trả lời cho các hộ và thông báo cho TP Cần Thơ về việc không xem xét giải quyết đối với khiếu nại của một số hộ dân ở NTCĐ. Vì quá trình giải quyết của địa phương phù hợp với Luật đất đai, với Kết luận số 2372/KL-LNCP của Đoàn Công tác Liên ngành Chính phủ và ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn được Văn phòng Chính phủ truyền đạt tại Văn bản số 15/VPCP-VII ngày 3-1-2002 về việc chỉ đạo xử lý khiếu nại của một số hộ dân ở NTCĐ. Để làm rõ hơn các nội dung trên, đồng chí Nguyễn Văn Bê, Chánh Thanh tra TP Cần Thơ có cuộc trao đổi với PV Báo Cần Thơ.

* Thưa đồng chí, quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở NTCĐ diễn biến như thế nào? Vì sao có tình trạng các hộ khiếu nại đòi lại đất gốc?

- Theo Kết luận của Đoàn Công tác Liên ngành Chính phủ, dưới thời Pháp thuộc, diện tích đất do NTCĐ hiện nay quản lý và sử dụng, trước là đồn điền của người Pháp, thuộc vùng sâu, đất trũng, nhiều phèn (trước đây thuộc huyện Thốt Nốt, nay là huyện Vĩnh Thạnh). Dưới thời chính quyền Sài Gòn (trước giải phóng), các hộ nông dân canh tác trên phần đất được cấp từ việc truất hữu ruộng đất của những hộ nhiều đất. Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), để nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất, 25-1-1977, Bộ Nông nghiệp có quyết định thành lập NTCĐ, do Bộ quản lý, với diện tích 6.300 ha, (sản xuất lúa 1 vụ, năng suất từ 1 - 1,5 tấn/ha). Trong 10 năm quản lý, NTCĐ tổ chức sản xuất theo cơ chế tập trung bao cấp, đất đai chưa được cải tạo, hệ thống thủy nông chưa được xây dựng nên sản xuất không hiệu quả. Năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định chuyển giao nguyên trạng NTCĐ cho UBND tỉnh Hậu Giang (nay là TP Cần Thơ) quản lý (gồm đất đai, cơ sở vật chất, trên 400 hộ là cán bộ, công nhân nông nghiệp). Từ khi tiếp nhận, NTCĐ kết hợp nguồn vốn của mình với nguồn vốn huy động từ nông trường viên để hợp tác, đầu tư cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất. Từ 1987-1991, nông trường chuyển toàn bộ diện tích lúa 1 vụ (lúa mùa nổi), năng suất thấp lên lúa 2 vụ, năng suất cao, từ 6-8 tấn/ha/năm, nay năng suất tăng lên 11-12 tấn/ha/năm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, mức sống nông trường viên nâng cao rõ rệt. Từ những nguyên nhân này, một số hộ được chế độ cũ cấp đất, quay lại tranh chấp, đòi lại đất gốc. Họ đưa ra chứng thư cấp quyền sở hữu của chế độ cũ làm cơ sở đòi đất.

* Xin đồng chí cho biết địa phương và Trung ương đã có chủ trương và phương án gì giải quyết khiếu nại của một số dân ở NTCĐ?

- Quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại của các hộ dân NTCĐ đã được thực hiện từ nhiều năm qua, nhiều lần lãnh đạo thành phố trả lời đơn khiếu nại, tổ chức tiếp các hộ và trực tiếp đối thoại để phân tích, làm rõ các qui định của pháp luật trong giải quyết vụ việc; có lúc các hộ kéo thành đoàn đến Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh, gởi đơn đến các cấp, các ngành ở Trung ương, khiếu kiện đòi lại hết ruộng đất ở NTCĐ... Dù đã được lãnh đạo địa phương xem xét, giải quyết đúng theo chủ trương, chính sách của Nhà nước qui định, nhưng các hộ vẫn không đồng ý, liên tục khiếu nại, cố tình gây khó khăn cho công tác giải quyết khiếu nại của địa phương.

Hiện nay, cầu, đường giao thông nội bộ của Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ xây dựng hoàn chỉnh thông thoáng, an toàn, thuận tiện đi lại cho bà con hợp đồng viên. Ảnh: H.V

Thống kê của NTCĐ cho thấy, phần đông các hộ có diện tích đất bằng hoặc trên 5 ha trước khi nông trường thành lập, có đơn khiếu nại, đã được nhận thành quả lao động, có hộ đã nhận đất nhưng bán đi, có hộ vừa nhận đất, vừa nhận tiền bồi hoàn đủ theo diện tích đất gốc (không quá 5 ha). Nhưng nay do nhân khẩu nhiều lên, đời sống khó khăn nên tiếp tục khiếu nại đòi lại đất hoặc được nhận khoán thêm đất. Cơ sở để lãnh đạo địa phương xem xét, giải quyết khiếu nại đối với một số hộ dân ở NTCĐ là căn cứ Quyết định số 24/QĐ.UBT ngày 25-1-1991, UBND tỉnh Cần Thơ đã giải quyết cho 1.021 hộ có đất gốc được ưu tiên hợp đồng nhận khoán. Ngày 3-4-1993, UBND tỉnh Cần Thơ có Quyết định 882/QĐ.UBT.93, ban hành qui định về giải quyết ruộng đất, đổi mới cơ chế khoán tại NTCĐ, chỉ đạo cho nông trường bồi hoàn thành quả lao động cho những hộ có đất gốc, mỗi hộ giải quyết không quá 5 ha, gồm diện tích được khoán và nhận bằng tiền thành quả lao động (theo báo cáo của NTCĐ thì nông trường đã trả hoa lợi trên 7 tỉ đồng, với diện tích 2.600 ha thời điểm đó). Và các qui định của Quyết định 882/QĐ.UBT.93 của UBND tỉnh Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số 5829/NC ngày 14-10-1995. Căn cứ Kết luận số 2372/KL-LNCP ngày 24-12-2000 của Đoàn công tác Liên ngành Chính phủ về giải quyết khiếu nại đất đai của một số hộ dân ở NTCĐ, trong đó nêu: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Việc các hộ có đất theo bằng khoán đòi lại đất, xin lại đất gốc là không có cơ sở xem xét, không đúng với qui định của Hiến pháp và pháp luật về đất đai”. Nội dung Công văn số 15/VPCP-VII ngày 3-1-2002 của Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về việc chỉ đạo xử lý khiếu nại đối với một số hộ dân ở NTCĐ, nêu rõ: “Nhất trí với Kết luận số 2372/KL-LNCP ngày 24-12-2000 của Đoàn công tác Liên ngành Chính phủ về giải quyết khiếu nại đất đai của một số hộ dân ở NTCĐ. Việc một số hộ dân có đơn khiếu nại đòi giải quyết phần diện tích trên 5 ha của mỗi hộ có đất trong qui hoạch của nông trường là không có căn cứ pháp lý để giải quyết. Theo qui định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Kết luận số 2372/KL-LNCP của Đoàn công tác Liên ngành Chính phủ có hiệu lực pháp luật. Chấm dứt việc xem xét giải quyết khiếu nại của một số dân ở NTCĐ về những nội dung đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết”. Đồng thời qua báo cáo của NTCĐ cho thấy, vừa qua NTCĐ đã giao khoán và chi trả thành quả lao động về ruộng đất cho các hộ vượt hơn qui định của UBND tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ) cũng như các kết luận của Trung ương. Việc một số hộ tiếp tục khiếu nại đòi lại đất gốc hoặc tiếp tục yêu cầu nhận đất khoán bổ sung cho đủ với diện tích trong giấy chứng khoán của chế độ cũ là không có cơ sở, không đúng với qui định của pháp luật về đất đai. Thời gian qua, một số hộ đề nghị xin hợp đồng đất sản xuất, do hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất, không việc làm ổn định, lãnh đạo TP Cần Thơ đã chỉ đạo cho Ban Giám đốc nông trường xem xét, giải quyết. Đối với những trường hợp được nhận khoán nhiều đất, không đúng theo qui định, UBND-TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc NTCĐ kiểm tra thu hồi lại số đất giao khoán dư, vượt, xử lý theo đúng qui định.

* Thưa đồng chí, đến nay nội dung khiếu nại của một số hộ dân ở NTCĐ có gì mới và khi các hộ đã kéo đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước khiếu nại, kết quả như thế nào?

- Cho đến nay, một số hộ ở NTCĐ tiếp tục khiếu nại đòi lại đất gốc, nội dung khiếu nại vẫn vậy, không có cơ sở, chứng cứ gì mới. Và như tôi đã nói, việc xem xét khiếu nại của một số hộ dân ở NTCĐ được thực hiện theo qui định pháp luật, qua nhiều cấp, nhiều ngành, đã xem xét đầy đủ các cơ sở, chứng lý, cuối cùng lãnh đạo thành phố, Đoàn Công tác Liên ngành Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đều kết luận: “Chấm dứt xem xét, giải quyết khiếu nại của một số hộ dân ở NTCĐ”, bởi các nội dung khiếu nại đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng qui định pháp luật. Vì thế, mới đây, một số hộ dân ở NTCĐ kéo đến Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP.Hồ Chí Minh tiếp tục khiếu nại, đã được đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Tiếp công dân và xử lý đơn thư của trụ sở mời bà con ra về và có Phiếu trả lời ngày 13-10-2008, nêu rõ: “Việc chỉ đạo xử lý khiếu nại của một số hộ dân NTCĐ được thực hiện theo Kết luận của Đoàn Công tác Liên ngành Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Căn cứ điểm a, khoản 2, điều 136 của Luật đất đai năm 2003; khoản 4, khoản 5, điều 32 Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 thì đơn khiếu nại của một số hộ dân ở NTCĐ không được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết nữa”.

Việc một số hộ dân ở NTCĐ liên tục tiếp khiếu hay kéo thành đoàn đến các văn phòng trụ sở của thành phố, Trung ương gởi đơn khiếu nại, không chỉ làm các hộ tốn kém tiền bạc, thời gian vô ích mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương, bởi không có cơ sở để cơ quan chức năng nhận đơn hay xem xét giải quyết khiếu nại cho các hộ nữa. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chấm dứt việc giải quyết xem xét khiếu nại đối với một số hộ dân ở NTCĐ, nếu các hộ cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý theo qui định pháp luật.

* Xin cảm ơn đồng chí!

TÂN LỘC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết