27/02/2020 - 17:48

Cầu Mỹ Thuận 2 - kết nối giao thông miền Tây 

(CTO)- Ngày 27-2, tại tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cùng lãnh đạo các địa phương, Ban Quản lý dự án 7 và các đơn vị thi công tổ chức Lễ triển khai thi công Gói thầu xây lắp 01 (XL.01)- Thi công đường dẫn phía Tiền Giang thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Công trình hơn 5.000 tỉ đồng này là tin vui cho ĐBSCL. 

 

Lễ trao hợp đồng thi công cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Chia lửa cho QL 1A

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61km. Điểm đầu dự án tại Km101+126, khớp nối với Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối tại Km107+740, khớp nối với Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Từ điểm đầu dự án, tuyến đi song song Quốc lộ 1 và vượt qua sông Tiền bằng cầu Mỹ Thuận 2 cách 350m về phía thượng lưu so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu, kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 80. 

Phần đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 4,7km, trong đó phía Tiền Giang  khoảng 4,33km, phía Vĩnh Long khoảng 0,4km. Cấp đường: đường ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi lễ.

Giai đoạn trước mắt phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng 6 làn xe. Phần cầu chính (cầu Mỹ Thuận 2) dài khoảng 1,906km, đầu tư hoàn chỉnh với 6 làn xe; nhịp chính kết cấu dây văng dài 650m; nhịp dẫn kết cầu dầm Super T và dầm hộp đúc hẫng cân bằng dài 1.276m.

Đây là một dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2199/QĐ-BGTVT ngày 10-10-2018. Tổng mức đầu tư dự án là 5.003 tỉ đồng; trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 3.389,6 tỉ đồng; dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2023. 

Tại lễ triển khai, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: Đây là dự án rất có ý nghĩa, hết sức cấp bách và cấp thiết không chỉ về giao thông thuận lợi mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội các địa phương. Tiền Giang được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng với 389 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng được tập trung, khẩn trương thực hiện và đã giải ngân, đền bù cho 275 hộ; các hộ còn lại đang tiếp tục chi trả, dự kiến hoàn thành trước ngày 30-4-2020 để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thi công dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, cho biết: Hiện tại, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã triển khai thi công, tuyến Mỹ Thuận-Cần Thơ đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án. Khi hai tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác thì cầu Mỹ Thuận hiện tại sẽ ùn tắc, không thể đáp ứng được nhu cầu lưu lượng xe tăng nhanh. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu sẽ làm giảm áp lực giao thông cho tuyến QL1A. Đồng thời kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị, các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng như: TP HCM, TP Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Dự án còn góp phần phát triển hệ thống vận tải đa phương thức (logistics) như: đường sắt, cảng biển, sân bay… nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc-Nam phía Đông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là ở cửa ngõ các đô thị lớn.

"Thời gian thi công công trình là 42 tháng; dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Do đó, Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị tư vấn, giám sát và nhà thầu tuân thủ nghiêm các quy định của nhà nước. Tập trung nguồn lực để quản lý, thực hiện dự án; đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ và mỹ thuật do đây là cầu dây văng lớn"- Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu.

 

Mở thêm cung đường kết nối miền Tây

Trên thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại khu vực vẫn là điểm nghẽn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Các tuyến trục dọc chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nối thông theo quy hoạch (tuyến N1, tuyến N2, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, tuyến trục dọc phía Đông…) tạo thành những điểm nghẽn, thường xuyên gây ùn tắc giao thông, đặc biệt là các giờ cao điểm và ngày Lễ, Tết. Các tuyến trục ngang đã cơ bản được hình thành tuy nhiên quy mô và chất lượng đường còn rất hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn.

Hệ thống đường bộ của ĐBSCL có tổng chiều dài là 44.352 km, trong đó: Quốc lộ và cao tốc dài 2.173 km, đường tỉnh dài 3.450km, đường đô thị 2.210 km, đường giao thông nông thôn dài 35.518km. Theo định hướng của Bộ GTVT, về đường bộ tại vùng ĐBSCL sẽ từng bước xây dựng hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang trong vùng để kết nối TP HCM với các tỉnh ĐBSCL, kết nối các trung tâm đô thị trong vùng, kết nối các cảng biển, khu kinh tế đến các cửa khẩu như: tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, tuyến Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc, tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, tuyến Đức Hòa – Mỹ An  - Vàm Cống, tuyến An Hữu – Cao Lãnh, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, nâng cấp các tuyến QL30, QL53, QL54, QL57, QL61, QL61B, QL63… Song song đó, từng bước hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 thành phố HCM, kết nối TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL. 

Hạ tầng giao thông là mạch máu phát triển kinh tế- xã hội và rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các địa phương. Do đó, Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu đã chính thức khởi động là tin vui cho các địa phương vùng ĐBSCL. Dự án nhằm mục đích kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Cần Thơ, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh ĐBSCL. Dự án đồng thời giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và quốc lộ 1A khi hoàn thành. 

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết