17/08/2008 - 21:16

Câu chuyện tình người trên đất cù lao

Chúng tôi về cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) nghe bà con kể với nhau chuyện về những lão nông và bồ lúa tình người rất cảm động. Hơn 10 năm, cũng là ngần ấy thời gian bồ lúa giúp hàng nghìn người thoát cơn thắt ngặt. Chú Đỗ Văn Trư, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết: “Bồ lúa đang đặt tại nhà ông Nguyễn Văn Thương (Út Thương), ấp Mỹ An 2. Ông ấy là người khởi xướng, vận động duy trì và làm nên một bồ lúa thấm đẫm tình người như hôm nay”.

Bồ lúa tình thương giúp người

Tiếp chúng tôi trong căn nhà ngói ba gian đặc trưng của xứ cù lao là một lão nông tóc bạc phơ, đôi mắt hiền từ. Với giọng từ tốn, bác Út Thương kể: “Hơn 10 năm rồi, kẻ còn, người mất nhưng việc làm của anh em chúng tôi đã giúp nhiều bà con qua cơn đói, có cơ hội tiếp tục sống để xây dựng gia đình, xây dựng quê hương là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi”.

 Bác Nguyễn Văn Thương bên bồ lúa tình thương.

Sinh ra và lớn lên trên cù lao Ông Hổ, bác Út Thương năm nay đã 78 tuổi. Cả một cuộc đời cơ cực bám đất, bám ruộng để sống, hầu như cái nghèo, cái khó và cả cái đói bác Út Thương đều đã trải qua. Bác Út Thương tâm sự: “Mình đã từng đói nên khi đủ ăn thấy người khác đói là không thể cầm lòng được. Vậy là tôi nghĩ ra cách giúp gạo cho bà con trong lúc thắt ngặt để có cái ăn, sống và làm việc. Ngày miền Bắc gặp nạn đói, Bác Hồ vận động nhân dân ta góp “Hũ gạo tình thương”, bây giờ mình cũng nên học theo Bác”. Với cách nghĩ đó, bác Út Thương rủ mấy “ông bạn già” trong ấp như chú Bảy Thiệt, Ba Đỏm, Sáu Liêm, Út Phúc cùng góp lúa để làm bồ lúa tình thương. Vậy là hơn 10 năm trước, bồ lúa tình thương trên cù lao Ông Hổ ra đời.

Lúc đầu, bồ lúa chỉ gom khoảng 30 giạ. Bồ lúa tình thương ra đời đã mang lại miếng cơm cho hàng chục bà con nghèo trong ấp, trong xã. Mấy chục giạ lúa ban đầu vơi dần vì số bà con nghèo đến ngày một đông. Thấy việc làm của mấy cụ già đầy nhân nghĩa, bà con trong ấp, xã cùng tìm đến, mỗi người góp vào vài giạ, bồ lúa tình thương ngày lớn dần lên. Nhớ lại ngày ấy, bác Út không giấu được niềm vui: “Bồ lúa lúc đầu chỉ khoảng 30 giạ, chỉ hơn tháng sau, lên đến 70, 80 giạ. Anh em chúng tôi đều rất hạnh phúc khi thấy việc mình làm được bà con chòm xóm ủng hộ”. Bác Út Thương khoe rằng: “Nhất là vụ đông xuân, lúa trúng bà con đã góp vào rất nhiều. Có hộ góp gần 10 giạ, từ đó giúp bồ lúa duy trì thường xuyên. Tết năm ngoái, bồ lúa được bà con góp vào nhiều, chúng tôi cùng chính quyền địa phương phân ra cả trăm phần quà cho bà con nghèo trong ấp, xã với gần hai tấn gạo hỗ trợ bà con ăn Tết. Tháng rồi, giá gạo tăng cao, nên bà con nghèo đến với bồ lúa khá đông, nhưng chúng tôi đều cho đủ. Bởi họ có khó cái ăn mới cần đến mình”.

Để có địa điểm gom lúa phân phát cho bà con, bác Út Thương dành một phần đất cạnh nhà và dựng che rất kiên cố để giữ lúa. Từ đây, lúa được mang xay thành gạo cung cấp cho bà con. Các hộ đến nhận gạo là những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, bị thất mùa, người già không nơi nương tựa. Chú Đỗ Văn Trư cho biết: “Hiện nay bồ lúa có khoảng 20 mạnh thường quân góp lúa thường xuyên nhất”. Giờ đây, khi nói đến những bậc cao niên khai sinh ra bồ lúa tình thương như bác Út Thương, chú Bảy Thiệt, Ba Đỏm, Sáu Liêm, Út Phúc... ai cũng trân trọng và quý mến. Họ quý mến không chỉ vì những hoạt động từ thiện của các bác mà còn trân trọng vì đó là những người đi đầu trong việc giữ gìn nền nếp gia đình, giáo dục con cái học hành đến nơi, đến chốn và đều là những gia đình hiếu học điển hình của địa phương.

Thấm mãi tình người

Ông bà ta có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, câu nói này lưu truyền hậu thế và rất đúng trong hoàn cảnh ra đời cũng như kết quả mà bồ lúa tình thương mang lại. Còn tại cù lao Ông Hổ, bồ lúa tình thương ra đời đã giúp rất nhiều bà con nghèo vượt qua khốn khó. Bà Nguyễn Thị Đừng, ấp Mỹ An 2, một hộ nghèo khó khăn nhất ấp, cho biết: “Do không đất sản xuất nên đời sống rất khó khăn. Mấy năm nay nhờ nhận gạo từ bồ lúa tình thương này giúp gia đình tôi không phải đói”. Còn anh Huỳnh Văn Cường, Trưởng ấp Mỹ An 2, cho biết: “Hơn 10 năm qua bồ lúa đóng góp rất lớn cho địa phương. Mỗi năm, hàng trăm hộ nghèo không chỉ trên cù lao mà còn các vùng lân cận được giúp thoát qua cơn khốn khó. Do đó, địa phương thường xuyên phối hợp với các bác để tiếp tục vận động giúp bồ lúa ngày càng phát triển”.

Việc làm nặng tình người ở đất cù lao không chỉ có ở bồ lúa. Bác Út Thương cho biết: “Mấy năm nay, chúng tôi còn lập thêm tổ đông y. Anh em trong xóm bỏ công đi khắp nơi tìm thuốc về, xắt ra, phơi khô mang đến cho các tổ đông y khác, các chùa... để chữa bệnh cho bà con”.

Bác Út Thương còn khoe: “Không chỉ lo cho người đang sống mà với tình người, chúng tôi còn lo cho người đã khuất. Tôi đã vận động bà con trong ấp xây dựng xong trại hòm từ thiện để giúp những hộ nghèo an táng người thân. Rằm tháng bảy (âm lịch) chúng tôi đã chuẩn bị sẵn khoảng 4 tấn gạo để giúp đỡ các hộ nghèo tại địa phương và một số nơi bên huyện Chợ Mới”.

Cù lao Ông Hổ nay đã đổi thay trên mọi mặt. Kinh tế phát triển, kéo theo đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. Trong đó, có một phần không ít công sức từ bồ lúa tình thương. Từ những hạt gạo tại đây giúp nhiều hộ thoát khỏi cơn khốn khó, vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, địa phương giảm số hộ nghèo xuống còn 4,9%, nhưng quan trọng nhất chính bồ lúa tình thương giúp cho tình người nơi đây càng thắt chặt. Bà con quyết tâm xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp. Bồ lúa tình thương không chỉ cứu đói hộ nghèo mà còn là nồi cơm để bà con no bụng khi tham gia xây dựng các công trình công cộng trên cù lao.

Giờ đây, những người đầu tiên hình thành nên bồ lúa tình thương người còn, người mất, nhưng bác Út Thương vẫn rất tự tin: “Anh em dù có ra đi, chứ chúng tôi quyết không bao giờ để bồ lúa tình thương này mất”. Bồ lúa tình thương thấm đẫm tình người của bà con ấp Mỹ An 2 bây giờ đã có thế hệ các anh Hoàng (con bác Út), anh Thi, anh Mướt... nối tiếp, gìn giữ và phát triển. Và câu chuyện tình người trên quê hương Bác Tôn vẫn còn mãi lưu truyền đến thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết