“Ý tưởng xây dựng cầu chữ Y xuất phát từ việc TP Cần Thơ cần có điểm nhấn để tạo ấn tượng cho mọi người mỗi lần đặt chân đến thành phố này. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất chủ trương xây dựng cầu và sẽ bố trí nguồn vốn để triển khai trong thời gian sớm nhất...” Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Tấn Quyên cho biết như vậy trong cuộc họp mới đây. Đồng thời, xác định cầu chữ Y là công trình trọng điểm trong giai đoạn 2010 2015, có thể thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để thiết kế, phản biện
 |
Vị trí xây dựng cầu chữ Y được xác định điểm giao nhau (chụm lại) tại khu vực cồn mới nổi nằm giữa cồn Cái Khế, cồn Ấu và Xóm Chài.
Ảnh: THIỆN KHIÊM |
Trong cuộc họp báo cáo nghiên cứu quy mô và kiến trúc công trình cầu chữ Y do Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cầu đường (Hà Nội) đảm nhiệm, đã được tập thể lãnh đạo TP Cần Thơ thống nhất vị trí, tính chất và qui mô của công trình. Phương án 2 được chọn với vị trí xây dựng cầu chữ Y gồm 3 nhánh, bố trí như sau: Điểm đầu là cồn Cái Khế (đoạn Khách sạn Victoria) khu cồn mới nổi (là điểm chụm lại cùng cao độ của cầu chữ Y, khoảng 11ha) cồn Ấu và Xóm Chài (phường Hưng Phú, quận Cái Răng). Tại điểm tiếp giáp là khu cồn mới nổi (chưa đặt tên) sẽ xây dựng tháp biểu tượng của TP Cần Thơ để mọi người có thể đến tham quan. Đồng thời, cầu chữ Y được xác định là để phục vụ phát triển du lịch, nhưng về mặt giao thông sẽ kết nối hài hòa giữa các khu vực: Cồn Cái Khế (kè sông Hậu, sông Cần Thơ), khu vực phường Hưng Phú (Nam Cần Thơ) và đặc biệt quan trọng đối với cồn Ấu - nơi chưa có công trình giao thông nào kết nối vào. Cùng lúc hình thành cầu chữ Y, cồn Ấu sẽ được điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 để phát triển du lịch và mời gọi đầu tư khai thác diện tích còn lại gần 85ha/136,6ha. Điều chỉnh quy hoạch cồn Ấu cũng được lãnh đạo thành phố thống nhất phương án hệ thống kè “cứng ở bên trong, mềm ở bên ngoài”, tức bên trong làm bờ kè kiên cố, bên ngoài vẫn giữ nét hoang sơ để các loại cây như lục bình, bần sinh sống...
Trên cơ sở nghiên cứu thực tế hệ thống giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ, đơn vị tư vấn đã đề xuất quy mô xây dựng cầu chữ Y như sau: là công trình cấp đặc biệt, cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng 30 tấn, tốc độ 60km/h, tĩnh không thông thuyền cấp II, bề rộng nền đường 19m, bề rộng mặt đường 7m (gồm 2 làn xe), bề rộng lề đường 2,5m, bề rộng hè đường 3m, dãy phân cách ở giữa 1m và hệ thống chiếu sáng bố trí dọc theo hai bên lan can, các cột đèn trang trí bố trí dọc theo dãy phân cách. Riêng các công trình viễn thông, cấp nước được bố trí dọc hai bên hè đường... Tại điểm giao xây dựng tòa tháp cao 60 70m (không cao hơn 2 trụ chính của cầu Cần Thơ) có diện tích khoảng 500m2 bằng bê tông cốt thép. Ba nhánh cầu kết hợp tháp ở giữa sẽ tạo thành biểu tượng cây lúa. Để tăng tính thẩm mỹ giữa cầu và tòa tháp sẽ xây dựng thêm các cổng vòm để hình ảnh cây lúa thêm sinh động. Ba nhánh cầu ngoài chức năng giao thông, tạo hình cây lúa, nó còn được thiết kế để tạo hình các ngọn sóng nhỏ biểu tượng cho vùng sông nước miền Tây... Kiến trúc của tháp cũng được tư vấn đề xuất theo các kiểu tháp Wave Tower ở Dubai, tháp Tower ở Toronto (Canada), kiểu tháp đôi ở Malaysia... Nơi đây, sau này có thể tổ chức các cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Tấn Quyên cho biết: “Công trình này là điểm nhấn của thành phố, nên việc tư vấn thiết kế phải thực hiện đảm bảo hài hòa về kiến trúc, đẹp, lưu thông thuận lợi. Để làm được việc này, chủ đầu tư phải công bố rộng rãi, tổ chức thi thiết kế, phải mời những đơn vị có nhiều kinh nghiệm, kể cả tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để thiết kế, phản biện. Thành phố xác định đây là công trình trọng điểm nên các công việc liên quan phải thực hiện khẩn trương, không được kéo dài...”. Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Thanh Mẫn, khi triển khai công trình cầu chữ Y, thành phố sẽ xem xét những dự án đã cấp trước đây ở khu vực cồn Ấu để điều chỉnh phù hợp, hài hòa. Thành phố sẽ đề nghị Chính phủ được chỉ định thầu thi công để rút ngắn thời gian, sớm hoàn thành công trình...
THIỆN KHIÊM