Cục Phòng, chống HIV/AIDS vừa phối hợp với Trung tâm Dự phòng và kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam và BIDMC tổ chức "Hội thảo cập nhật khoa học về Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV". Qua đó, cập nhật kiến thức từ những bằng chứng khoa học trên thế giới, ứng dụng trong bối cảnh Việt Nam để có thể cải thiện hiệu quả chăm sóc HIV/AIDS.
Bệnh nhân nhận thuốc điều trị ARV tại BV Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: TS
Theo PGS.TS.BS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cộng đồng đã giảm dần những rào cản về kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều người nhiễm HIV có thể tiếp tục cuộc sống khỏe mạnh khi tuân thủ điều trị tốt.
Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều mô hình dự phòng, điều trị đa dạng, phù hợp với đặc tính của từng nhóm đối tượng nhiễm HIV/AIDS như nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ mại dâm và gần đây là nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới)… Các mô hình này không chỉ được triển khai ở cộng đồng mà còn hướng đến các cam kết chung của toàn cầu trong công tác phòng chống, đẩy lùi HIV/AIDS.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta ngày càng khó khăn. Do đó, ngành y tế và các ngành chức năng liên quan cần thiết xác định các biện pháp và nhóm đối tượng ưu tiên can thiệp, điều trị và dự phòng. Bên cạnh đó, người bệnh hiện có rất nhiều lựa chọn dịch vụ chăm sóc điều trị. Đây cũng là thách thức đối với lực lượng cán bộ y tế quản lý, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS vì có nhiều thông tin và cách tiếp cận khác nhau, cần sự lựa chọn phù hợp với người bệnh. Đồng thời, liên tục cập nhật những thông tin, các bằng chứng khoa học để từ những kinh nghiệm và thông tin đó có thể đưa ra quyết định chăm sóc, điều trị hợp lý, hiệu quả nhất cho bệnh nhân.
Năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo lồng ghép cung cấp dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường tại các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS. Bởi thực tế, người nhiễm HIV không những chỉ điều trị ARV hiệu quả để đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế mà còn cần được sàng lọc quản lý điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm. Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này hướng đến mục tiêu của thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV. Hiện nay, Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS được Bộ Y tế ban hành đã hướng dẫn việc cung các dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV.
Các chuyên gia nhấn mạnh, cần khuyến khích phổ cập tư vấn K=K (không phát hiện = không lây truyền), tức là khi một người nhiễm HIV được điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus, tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục. Khi đó, sẽ giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đồng thời, hỗ trợ tuân thủ điều trị và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của người nhiễm HIV cũng như người thân của họ.
Nhiều nghiên cứu từ thực tiễn cho thấy, người nhiễm HIV điều trị ARV hiệu quả có thể sống chung khỏe mạnh với HIV, kéo dài tuổi thọ, dù phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe của người cao tuổi như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, loãng xương, bệnh thận mạn, ung thư, bệnh phổi…
Tại hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp các bằng chứng mới nhất về nguy cơ mắc các bệnh đồng diễn thường gặp ở người có HIV và thảo luận phương thức áp dụng các bằng chứng khoa học vào việc xác định các vấn đề ưu tiên để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nhiễm HIV. Bên cạnh đó, tối ưu hóa điều trị ARV cho người có các tác dụng phụ của thuốc; thúc đẩy triển vọng về sử dụng thuốc ARV có tác dụng kéo dài; chăm sóc và quản lý bệnh HIV tiến triển, điều trị các bệnh đồng nhiễm viêm gan virus cho các nhóm nguy cơ cao...
Hội thảo cũng cập nhật về dự phòng HIV/AIDS, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục; thí điểm dự phòng PrEP bằng thuốc tiêm tác dụng kéo dài tại Việt Nam.
T. SƯƠNG