04/03/2010 - 08:50

Đồng bằng sông Cửu Long

Cảnh giác cao với dịch cúm gia cầm

Ngày 3-3-2010, tại TP Cần Thơ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị Các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm (DCGC) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành ĐBSCL phải khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng chống DCGC, không để dịch bệnh nguy hiểm này lây lan ra toàn khu vực...

NGUY CƠ LÂY LAN TRÊN DIỆN RỘNG

Theo Cục Thú y, từ tháng 8-2009 đến nay, cả nước đã phát sinh 72 ổ DCGC tại 72 xã, phường, thị trấn của 25 huyện, quận, thị xã (thuộc 15 tỉnh, thành phố). Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 48.251 con (gồm 14.183 con gà, 31.559 con vịt và 2.509 con ngan). Các tỉnh, thành đã xảy ra dịch trong thời gian trên là: Cà Mau, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hà Nội và Thái Nguyên. Tính đến ngày 3-3-2010, cả nước còn 6 tỉnh DCGC chưa qua 21 ngày gồm: Khánh Hòa, Cà Mau, Sóc Trăng, Nghệ An, Nam Định và Điện Biên.

Đàn vịt chạy đồng ở ĐBSCL có nguy cơ lây lan DCGC rất cao.
Ảnh: TRƯƠNG CÔNG KHẢ 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận định: Năm 2009, tình hình phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trên phạm vi cả nước tốt hơn rất nhiều so với các năm trước đây. Hiện nay, cả nước chỉ còn 6 tỉnh có DCGC chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đang lo lắng và quan tâm nhất đối với khu vực ĐBSCL, bởi vì trong 6 tỉnh đang có dịch thì ở khu vực ĐBSCL có 2 tỉnh (Cà Mau và Sóc Trăng). Đặc biệt đối với Cà Mau, DCGC xảy ra kéo dài từ tháng 9-2009 cho đến nay vẫn chưa dứt điểm. Thời gian gần đây DCGC hầu hết đều xảy ra trên đàn vịt. Đến thời điểm hiện nay khu vực ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân, nếu không kiểm soát chặt chẽ đàn vịt chạy đồng thì khó tránh khỏi DCGC sẽ lây lan ra tất cả các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL,...

Trước khi diễn ra Hội nghị Các biện pháp phòng chống DCGC khu vực ĐBSCL này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND của 2 tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng, yêu cầu 2 địa phương phải khống chế và dập tắt ngay DCGC đang xảy ra ở địa phương, đồng thời quản lý chặt chẽ đàn vịt chạy đồng. Tại hội nghị này, Bộ NN&PTNT mời ngành nông nghiệp, thú y các tỉnh còn lại của khu vực ĐBSCL đang thu hoạch lúa đông xuân nhưng chưa có DCGC để nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống DCGC, yêu cầu các địa phương trong khu vực không được chủ quan và mất cảnh giác với DCGC.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần chỉ đạo: Sau hội nghị này, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL phải rà soát lại công tác phòng chống DCGC tại địa phương; báo cáo với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức họp ban chỉ đạo phòng chống DCGC cấp tỉnh, thành phố. Ngoài ra, các địa phương phải nhanh chóng triển khai tiêm phòng đợt 1-2010 cho đàn gia cầm nuôi (tốt nhất là triển khai trong tháng 3 này), ngoài tiêm phòng 2 đợt chính trong năm cũng phải tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm phát sinh mới, Cục Thú y ưu tiên cấp vắc-xin tiêm phòng cho khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, các địa phương phải quản lý cho được đàn vịt chạy đồng, không cấm nhưng khi đàn vịt chạy đồng đến một địa phương nào thì địa phương đó phải nắm chắc số lượng và phải kiểm tra có giấy tiêm phòng, nếu chưa tiêm phòng cho đàn vịt thì phải tiêm phòng ngay. Các địa phương chưa có DCGC phải cố gắng đừng cho dịch bệnh nguy hiểm này xảy ra, nhưng nếu xảy ra phải công bố dịch (không được giấu giếm dịch bệnh) và áp dụng các biện pháp bao vây dập tắt dịch theo quy định của Nhà nước...

TẬP TRUNG PHÒNG CHỐNG DỊCH

Tham dự hội nghị, ngành nông nghiệp và ngành thú y nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho biết đang tập trung các biện pháp phòng chống DCGC, ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này xảy ra tại địa phương mình. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Đến nay, Hậu Giang chưa phát hiện xảy ra DCGC. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm phòng chống DCGC trong những năm qua, tỉnh đang tập trung phòng chống DCGC quyết liệt, nhất là trong tình hình các tỉnh lân cận như: Cà Mau và Sóc Trăng đã xảy ra DCGC. Các biện pháp phòng chống DCGC mà Hậu Giang đang áp dụng là tập trung tiêm phòng cho đàn gia cầm nuôi, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường...”.

DỊCH CÚM A (H5N1)  CÓ DẤU HIỆU XUẤT HIỆN TRỞ LẠI

Tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, chiều 3-3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm 2010, dịch cúm A (H5N1) trên người có dấu hiệu xuất hiện trở lại, cả nước có 3 ca dương tính với vi rút này, trong đó 1 ca tử vong. Trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) gần đây nhất ở Tuyên Quang, bệnh nhân đang được điều trị và duy trì sức khỏe ổn định. Như vậy, tính từ năm 2003 (thời điểm xuất hiện dịch cúm A (H5N1)) đến nay, cả nước có 115 trường hợp dương tính với cúm A (H5N1), 58 ca tử vong.

Về dịch cúm A (H1N1), bệnh nhân nhiễm cúm A (H1N1) chỉ xuất hiện rải rác. Từ sau Tết Nguyên đán, chưa ghi nhận thêm ổ dịch cúm A (H1N1) lớn trong cộng đồng. Tính đến ngày 3-3, cả nước ghi nhận 11.195 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), trong đó có 58 ca tử vong tại 27 tỉnh, thành phố.

Cả nước hiện còn 6 tỉnh: Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Nam Định, Khánh Hòa và Tuyên Quang có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày. Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời; không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

VIỆT HÀ (TTXVN)

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố đang có khoảng 1,8 triệu con gia cầm, đạt tỷ lệ thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực. Nhưng thành phố nằm ở vị trí trung tâm vùng nên có sự giao lưu, nhiều đàn gia cầm di chuyển qua địa bàn thành phố nên có nguy cơ xảy ra dịch rất cao. Do đó, thời gian qua, TP Cần Thơ áp dụng các biện pháp phòng dịch như: triển khai tiêm phòng thường xuyên cho đàn gia cầm, tổ chức giám sát đàn gia cầm chặt chẽ, thông tin nhanh tình hình dịch bệnh, bao vây dập dịch ngay nếu dịch xảy ra... Qua kinh nghiệm của TP Cần Thơ cho thấy việc tổ chức tốt giám sát đàn gia cầm tại địa phương, thông tin nhanh khi có dịch bệnh xảy ra cho lực lượng có trách nhiệm xử lý... rất quan trọng trong phòng chống DCGC.

Ngành nông nghiệp và ngành thú y các tỉnh, thành ĐBSCL đang ra sức bảo vệ đàn gia cầm, không để DCGC xảy ra tại địa phương mình. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp và thú y một số địa phương, trong công tác phòng chống dịch hiện nay các địa phương còn gặp một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn như: lực lượng thú y cơ sở còn mỏng nên việc giám sát đàn gia cầm cũng như phát hiện DCGC hạn chế; tiêm phòng cho đàn gia cầm, nhất là đàn gà thả lan gặp rất nhiều khó khăn, tiền công tiêm phòng 100 đồng/con theo quy định hiện hành là quá thấp và không đủ chi phí đi tiêm phòng; việc quản lý đàn vịt chạy đồng không dễ dàng...

Với nỗ lực áp dụng các biện pháp phòng chống DCGC hiệu quả mà các tỉnh, thành trong vùng đang làm, hy vọng rằng DCGC sẽ được chặn đứng tiến tới dập tắt, không còn tiếp tục lây lan trong vùng làm thiệt hại lớn về kinh tế cũng có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân như các năm trước chúng ta đã từng gặp phải...

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết