20/02/2012 - 08:40

Cánh đồng mẫu lớn - Con đường làm giàu của nông dân

Tuần trước, tôi có dịp tháp tùng cùng với đoàn của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ về thăm mô hình sản xuất lúa “Cánh đồng mẫu lớn” ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Tại đây được nghe báo cáo và nhiều ý kiến trao đổi đánh giá bước đầu về sự thành công mô hình sản xuất lúa của cánh đồng mẫu lớn. Phải chăng mô hình này chúng ta đã mày mò từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, giờ đây đã trở thành hiện thực- con đường làm giàu cho nông dân.

Nhớ lại thời kỳ trước, để nông nghiệp đi lên sản xuất lớn là nhằm đem lại sự ấm no giàu có cho nông dân, chúng ta mất rất nhiều thời gian, công sức, khó khăn loay hoay với mô hình từ tổ hợp tác sản xuất, tập đoàn sản xuất, hợp tác xã,... mà không thành công. Bởi kiểu cách làm ăn mới này người nông dân chưa quen và thiếu nhiều yếu tố hợp thành dẫn đến hiệu quả cuối cùng và lợi ích người sản xuất rất kém. Nông dân nản lòng, nhiều nơi bỏ ruộng đi làm nghề khác, đời sống họ tiếp tục khó khăn.

Chủ trương tập thể hóa nông nghiệp đưa nông dân đi lên sản xuất lớn của Đảng là một chủ trương lớn hoàn toàn đúng đắn, bởi muốn nông nghiệp phát triển, nông dân giàu có thì không có con đường nào khác. Tiếc thay thời gian, thời điểm lúc bấy giờ chưa thích hợp, những yếu tố cần thiết chưa đủ, đặc biệt thời điểm đó nền kinh tế đất nước chưa đi vào cơ chế thị trường.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn của huyện Vĩnh Thạnh hôm nay đã đem lại hiệu quả đáng kể trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi hẳn cách làm ăn cũ, tạo cho nông dân niềm tin, phấn khởi tự nguyện, tự giác tham gia. Bước đầu từ một tổ hợp tác sản xuất lúa “ Đồng vạn” vỏn vẹn có 7 thành viên với 21ha ruộng lúa, rồi lên 17 thành viên, 43ha... cho đến nay con số đó đã lên 206 hộ tham gia, tròm trèm 400ha.

Tổ chức sản xuất ở đây khá đồng bộ, thống nhất, nhịp nhàng từ lãnh đạo, quản lý cho đến từng hộ nông dân theo một quy trình khép kín nghiêm ngặt từ việc chọn giống lúa, làm đất, làm thủy lợi, gieo trồng, chăm bón đến thu hoạch bảo quản, chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy mà năng suất, sản lượng, chất lượng hạt lúa hơn hẳn. Khâu cuối cùng là lợi nhuận của nông dân “ Cánh đồng mẫu lớn” gấp mấy lần nông dân làm bên ngoài.

Thành công bước đầu của cánh đồng mẫu lớn ở huyện Vĩnh Thạnh cho chúng ta nhiều bài học. Trước hết là chủ trương của Đảng, Nhà nước đúng đắn, phù hợp; sự lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp ủy và chính quyền địa phương vừa chặt chẽ vừa nhanh nhạy; ý thức, lòng tin và sự hợp tác của nông dân rất tốt; đặc biệt mối liên kết 4 nhà ( Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) chặt chẽ, hiệu quả. Đã đến lúc nông dân chúng ta không thể làm ăn riêng lẻ theo kiểu cũ mà cần có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ mới mong khá giả, mới mong làm giàu. “Cánh đồng mẫu lớn” ở Vĩnh Thạnh rất rõ điều đó.

Tôi nghĩ “ Cánh đồng mẫu lớn” không chỉ dừng lại ở cây lúa, mà chắc chắn nó sẽ lan tỏa trên nhiều lĩnh vực sản xuất khác trong nông nghiệp- nông thôn, rồi đây có thể “ Khu vườn mẫu lớn” chẳng hạn.

LƯ VĂN ĐIỀN

Chia sẻ bài viết