27/02/2012 - 21:26

Cần tự tin khi lựa chọn ngành nghề tương lai

Ông Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hồ Chí Minh, đang tư vấn cho học sinh về chọn ngành, nghề phù hợp.

Mỗi năm, cứ đến mùa tuyển sinh, các học sinh THPT lại băn khoăn, phân vân khi đứng trước quá nhiều sự chọn lựa ngành, nghề. Theo nhận định của lãnh đạo đơn vị, ngành chức năng, học sinh nên sáng suốt chọn thi những ngành, nghề phù hợp với khả năng, điều kiện bản thân và có thể tìm được việc làm sau khi ra trường, vừa nuôi sống bản thân và phục vụ xã hội.

Hiện nay, ở các trường đại học, cao đẳng có khá nhiều ngành, nghề nên các bạn học sinh phân vân, lưỡng lự không biết phải lựa chọn như thế nào cho thích hợp. Bạn Võ Hoàng Việt, học sinh Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, thổ lộ: “Trước đây, em phân vân giữa các ngành như: Luật Kinh tế, Nông học và Tâm lý học, không biết nên chọn ngành nào. Sau khi tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp vừa được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ, được các nhà tâm lý, nhà dinh dưỡng, thầy cô và các anh chị tư vấn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn chọn ngành nghề, em đã có sự lựa chọn...”. Đợt thi tuyển sinh sắp tới, Việt sẽ tập trung thi ngành Luật Kinh tế (Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh). Đồng thời, bạn cũng thi thêm ngành Nông học (Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh). Theo Việt, năng lực và tính cách của bạn sẽ thích hợp với ngành Luật hơn. Thầy Trần Minh Khang, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang B, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Những năm gần đây, học sinh có điều kiện thuận lợi nắm bắt thông tin tuyển sinh, có định hướng lựa chọn ngành, nghề cho tương lai, bước đầu hình thành môi trường học tập mới... đồng thời, có thêm động lực, mục tiêu phấn đấu hơn với ngành, nghề đã chọn”.

Một số học sinh cũng chia sẻ việc cha mẹ không ủng hộ việc chọn ngành, nghề của mình. Bạn Trần Ngọc Mai, học sinh Trường THPT Trương Vĩnh Ký, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tâm sự: “Trong khi em chọn ngành Luật Dân sự (Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) để trở thành luật sư, giúp đỡ nhiều người cô thế, bị chèn ép, cha mẹ lại muốn em theo ngành sư phạm, làm em rất buồn”. Tương tự, bạn Trần Ngọc Cát Vinh, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cũng không được gia đình ủng hộ khi chọn ngành học. 11 năm qua, Vinh luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, đặc biệt là bạn thích và học rất giỏi Anh văn. Chính vì vậy, bạn muốn thi đại học, ngành Sư phạm Anh văn hoặc Cử nhân Anh văn. Thế nhưng, gia đình lại muốn Vinh theo ngành Y hoặc Dược, khiến Vinh đắn đo, khó xử... Ông Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Các bạn hãy chứng minh với cha mẹ rằng, theo học ngành đó là phù hợp và có thể là môi trường giúp bạn phát huy khả năng, tính cách của mình... Các bạn nên trao đổi với cha mẹ một cách thẳng thắn về nguyện vọng, sở thích... của mình và quan trọng là khả năng thuyết phục người lớn của bạn”.

Nhiều bạn học sinh tỏ vẻ phấn khởi, hớn hở khi được cha mẹ tôn trọng quyết định lựa chọn ngành, nghề. Bạn Nguyễn Thị Trúc Phương, học sinh Trường THPT Cầu Ngang B, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nói: “Cha mẹ khuyến khích em chọn ngành, nghề yêu thích và luôn tán thành, ủng hộ chọn lựa của em. Em quyết định chọn ngành Quân đội, ở Trường Sĩ quan Lục Quân 2, tỉnh Đồng Nai”. Do Phương lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, nên Phương phần nào ảnh hưởng và quyết tâm phát huy truyền thống gia đình vẻ vang.

Còn bạn Nguyễn Chung Trọng Quốc, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Tôi rất vui khi cha mẹ ủng hộ thi ngành Luật Quốc tế (Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh)”. Trước khi có quyết định này, Quốc nhờ thầy cô trong trường tư vấn, đồng thời một số trường đại học ở TP Hồ Chí Minh cũng đến Trường Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai hướng nghiệp, nên Quốc thấy mình có khả năng học ngành Luật Quốc tế...

Đại diện các đơn vị, ngành chức năng cho rằng, sắp rời ghế nhà trường phổ thông, đứng trước nhiều lựa chọn cho những nẻo đường tương lai, học sinh cần phải tìm hiểu, cân nhắc ngành, nghề kỹ lưỡng, phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu xã hội để trang bị cho mình hành trang kiến thức cơ bản, cần thiết. Các bậc cha, mẹ không nên áp đặt, bắt buộc con cái làm theo ý mình mà phải luôn là chỗ dựa tinh thần, ủng hộ quyết định chọn ngành, nghề và giúp con bồi dưỡng, phân chia thời gian học và chơi hợp lý, tạo tâm lý thoải mái, tự tin cho con khi mùa thi đã đến gần...

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết