19/03/2024 - 10:45

Cẩn trọng khi dùng giấm táo giảm cân 

Giấm táo lâu nay được cho là có khả năng giúp kiểm soát đường huyết, cải thiện tiêu hóa và hỗ trợ giảm cân. Gần đây, những người nổi tiếng như Kim Kardashian, Victoria Beckham và Jennifer Aniston tiết lộ uống nước giấm táo giúp họ giữ dáng thành công, khiến người hâm mộ đổ xô học theo. Nhưng các chuyên gia cảnh báo nếu dùng sai cách, giấm táo có thể gây hại sức khỏe, do đó cần thận trọng.

Những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng giấm táo:

+ Hư men răng. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cảnh báo uống giấm táo không pha loãng có thể làm mòn men răng vì thức uống này có tính axit cao. Nếu men răng bị tổn thương, mảng bám và vi khuẩn có thể dễ dàng tiếp cận thân răng, ăn mòn và gây sâu răng. Lời khuyên là không nên uống giấm táo nguyên chất, mà nên pha loãng với nước lọc, đồng thời nên sử dụng ống hút khi uống. Cách làm này không ảnh hưởng đến lợi ích sức khỏe của giấm táo, mà còn bảo vệ men răng.

Pha loãng giấm táo và uống bằng ống hút có thể bảo vệ men răng.

+ Tổn thương cổ họng và da. Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Primary Health Care, uống giấm táo hằng ngày với lượng nhỏ có thể an toàn cho sức khỏe, nhưng khi uống nhiều hoặc bôi trực tiếp lên da thì có thể nguy hiểm. Chẳng hạn, nồng độ axít trong giấm táo có thể làm bỏng cổ họng.

Một số người cũng tin rằng dùng giấm giúp cân bằng độ PH trên da và có thể sử dụng nó như một phương pháp điều trị vấn đề về da. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Auckland (New Zealand) cho biết việc bôi trực tiếp giấm lên da dễ gây kích ứng và bỏng rát da, do thành phần chính trong giấm táo là axít axetic.

+ Dị ứng. Bất cứ ai bị dị ứng với táo hoặc pectin, một chất xơ có trong trái cây, cũng không nên dùng giấm táo. Các biểu hiện của phản ứng dị ứng bao gồm: sưng môi, sưng mí mắt, co thắt dạ dày, phát ban trên da và ngứa cổ họng. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào sau khi dùng giấm táo, người dùng nên lập tức đi gặp bác sĩ.

+ Nguy hại cho người mắc bệnh thận và tiểu đường. Nếu mắc bệnh thận mãn tính, cơ thể có thể gặp khó khăn trong việc xử lý lượng axít dư thừa từ giấm táo và dẫn tới tình trạng tích tụ axít trong cơ thể - gọi là nhiễm độc axít. Nhịp tim nhanh, cảm thấy rất mệt mỏi, chán ăn, nôn mửa và cần hít thở sâu đều là những triệu chứng của tình trạng này.

Ngoài ra, giấm táo cũng làm chậm sự di chuyển của thức ăn ra khỏi dạ dày, nên nó có thể gây chướng bụng và đầy hơi. Vì vậy người mắc bệnh tiểu đường nên tránh dùng giấm táo. Một số bệnh nhân tiểu đường mắc chứng liệt dạ dày (tình trạng thức ăn ra khỏi dạ dày rất chậm), thì dùng giấm táo càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.

+ Tương tác với thuốc. Người đang dùng thuốc cao huyết áp, thuốc tim mạch hoặc thuốc lợi tiểu thì không nên sử dụng giấm táo. Vì sự kết hợp của những loại thuốc này với giấm táo có thể làm giảm đáng kể lượng kali. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ  trước khi thêm giấm táo vào chế độ ăn uống, đặc biệt là nếu đang dùng thuốc.

Lưu ý khi dùng giấm táo để giảm cân

Một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng uống nước giấm táo làm giảm cảm giác thèm ăn nên có thể giúp những người thừa cân hoặc béo phì giảm cân. 

Cách uống giấm táo giảm cân an toàn là pha loãng 1-2 muỗng (15-30 ml) giấm với nước uống trong ngày. Có thể chia nhỏ thành 2-3 lần uống/ngày và uống trước bữa ăn. Người mới bắt đầu chỉ nên dùng khoảng 5ml/ngày để quan sát phản ứng của cơ thể, sau đó có thể tăng dần lên. Cách đơn giản khác để dùng giấm táo giảm cân là kết hợp với dầu ôliu làm nước sốt trộn rau củ.

Theo Miguel Ángel Martínez González, Giáo sư về y học ngăn ngừa và y tế công cộng tại Đại học Navara (Tây Ban Nha), để tận dụng các lợi ích sức khỏe của giấm táo, tốt nhất là nên sử dụng loại giấm táo được lên men kiểu truyền thống - tức được nuôi từ men giấm và sau đó chiết lấy nước.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết