22/10/2014 - 21:12

Cần trợ lực để kinh tế tư nhân phát triển

Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế. Song, thời gian qua, những kết quả đạt được của thành phần KTTN ở TP Cần Thơ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Thực tế đang đòi hỏi những giải pháp thiết thực nhằm tạo động lực thúc đẩy KTTN phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế thành phố.

Có tăng trưởng nhưng còn nhiều hạn chế

 Thời gian qua, trên địa bàn thành phố cũng có nhiều DN thuộc thành phần KTTN làm ăn có hiệu quả, tạo thương hiệu riêng. (Trong ảnh: Khách hàng làm dịch vụ tại Công ty TNHH Hồng Đức).

Tính đến năm 2013, TP Cần Thơ có 875 doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực KTTN, tăng 4,29% so với năm 2008. Trong đó, có đến 560 DN có nguồn vốn trên 5 tỉ đồng, chiếm 64%; có 175 DN có vốn từ 1-5 tỉ đồng và có 140 DN dưới 1 tỉ đồng. Số lượng DN đăng ký mới hằng năm tăng dần trong năm 2008-2009, tuy nhiên bắt đầu từ năm 2011-2012, số DN đăng ký mới có xu hướng giảm. Hiện nay trên địa bàn thành phố có các loại hình DN thuộc thành phần KTTN đang hoạt động như: DN tư nhân, công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, có vốn nhà nước dưới 50% và cá thể tiểu chủ. Tính đến tháng 7-2012, số lượng DN thuộc khu vực KTTN đăng ký mới trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và lĩnh vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Trong đó, loại hình công ty TNHH và DN tư nhân chiếm tỷ trọng cao nhất. Điều đó cho thấy, khu vực KTTN đã có sự phát triển kinh doanh đúng hướng. Không chỉ phù hợp phát triển nhu cầu thị trường mà sự phát triển này còn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức hiện nay của nước ta nói chung và thành phố nói riêng.

Qua nghiên cứu từ thực tế, ThS. Nguyễn Thị Ly Phương, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, đánh giá: Hiệu quả các DN thuộc thành phần KTTN đang hoạt động trên địa bàn thành phố nhìn chung tương đối ổn định và có sự tăng trưởng. Trong đó, công ty cổ phần và công ty TNHH là 2 loại hình hoạt động có hiệu quả khá cao, các chỉ số về doanh thu thuần, lợi nhuận ròng, sức sản xuất của lao động… đều khá cao. Loại hình DN tư nhân hoạt động có phần kém hơn nhưng những chỉ số hiệu quả hoạt động vẫn tăng trưởng qua từng năm.

Từ kinh nghiệm thực tế tiếp xúc thường xuyên với các DN, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), chia sẻ: DN Cần Thơ nói chung và DN thuộc thành phần KTTN còn một số hạn chế nhất định. Chẳng hạn, các doanh nhân Cần Thơ ít cơ hội tìm hiểu và cập nhật kiến thức thực tế. Do đó, khi nền kinh tế và hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường thì công tác quản trị, quản lý không nặng nhọc. Nhưng khi tình hình khủng hoảng, khó khăn đến thì việc đối phó để giữ vững hoạt động kinh doanh là công việc đầu tiên và quan trọng, các doanh nhân lại càng ít thời gian nghĩ đến việc tái cấu trúc DN để tăng hiệu quả kinh doanh. Trong tình hình khó khăn, DN chỉ nghĩ đến vốn, thị trường như là giải pháp hàng đầu, chưa thấy được sự quan trọng của quản lý và kiểm soát tài chính nội bộ, kế hoạch và chiến lược phát triển kinh doanh đang là lỗ hổng lớn cần được phát hiện và lấp đầy. Các doanh nhân thường tự tin vào kinh nghiệm kinh doanh của mình mà không thấy thế giới và thị trường đang ngày càng thay đổi và biến động. Ít kinh nghiệm thương trường cộng thêm sự thụ động trong nắm bắt thông tin, cơ hội khiến doanh nhân Cần Thơ tự hạn chế mình rất nhiều trong việc phát triển khách hàng, đối tác và tìm thị trường mới…

Cần trợ lực

Tiềm năng phát triển của các DN thuộc khu vực KTTN ở TP Cần Thơ còn rất lớn. Để DN khu vực này tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp. Theo ThS Lê Thị Đào Thanh, Trưởng khoa Khoa Chính trị - Pháp luật, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, để nâng cao mức độ đóng góp của DN thuộc khu vực KTTN ở TP Cần Thơ cần hoàn thiện môi trường kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng quy hoạch, hạn chế sự thay đổi gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Khuyến khích các DN bằng nhiều hình thức, như: khen thưởng, ưu đãi về thuế… đặc biệt là đối với những đối tượng, những mặt hàng làm ăn có hiệu quả. Để giúp các DN tăng thêm nguồn vốn đầu tư, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh “đứng vững” trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thành phố cần đa dạng hóa và phối hợp sử dụng linh hoạt các nguồn vốn cho phát triển các loại hình KTTN. Các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng thương mại nhà nước cần mạnh dạn nghiên cứu, tiếp xúc và tăng cường cho các loại hình DN thuộc khu vực này vay thương mại. Tạo điều kiện để mở rộng giao lưu, liên kết kinh tế giữa các DN thuộc khu vực KTTN trong và ngoài thành phố. Đặc biệt cần chú trọng đầu tư xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng và liên kết ngành… có như vậy mới có thể mở rộng sản xuất và thị trường một cách có hiệu quả, tạo điều kiện các DN phát triển nhanh và bền vững.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực - Tổng Thư ký CBA, cho rằng: Con người là nhân tố quyết định thành công nên trong mọi tình huống, kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm luôn đóng vai trò tất yếu. Chủ DN cần phải chủ động cập nhật kiến thức, thông tin để thông suốt và có cái nhìn toàn diện về nền kinh tế không chỉ thị trường nội địa mà còn cả thị trường ngoài nước. Bởi tầm nhìn, chiến lược rất quan trọng trong kinh doanh khi thị trường Việt Nam đã mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước có thể tổ chức những buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề với giới doanh nhân để cung cấp thông tin và thảo luận những vấn đề cần thiết. Thông qua đó, vừa giúp chủ DN nắm vững chính sách, chủ trương của địa phương và nhà nước, vừa giúp họ có cái nhìn thấu suốt về tình hình kinh tế Việt Nam và những thay đổi sắp tới để chuẩn bị tâm thế cho hoạt động kinh doanh. Công tác giáo dục nguồn nhân lực cần thực hiện theo 3 tiêu chí: kiến thức, kỹ năng và thái độ giúp đào tạo ra một con người làm việc hiệu quả. Chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp cần thay đổi theo hướng đào tạo một con người có kỹ năng sống và làm việc chứ không phải một con người toàn diện. Cần một sự song hành giữa chính quyền và DN, theo đó, DN cần thể hiện ý chí và nguyện vọng với chính quyền các cấp, cần hiểu rõ các quy định của pháp luật để không vi phạm. Chính quyền cần có những quyết sách dựa trên ý kiến đa chiều của DN, của các cơ quan tham mưu và cả ý kiến của chuyên gia…

Nếu những phương hướng và giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả, tin rằng DN thuộc khu vực KTTN sẽ phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố...

Bài, ảnh: T. TRINH

Chia sẻ bài viết