27/02/2012 - 14:09

Đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn:

Cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình thiết yếu

Nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT) giai đoạn 2006-2011, trên địa bàn TP Cần Thơ, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ đã tổ chức giám sát vấn đề này tại 6 quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Thực tế cho thấy, nhờ các cấp, các ngành quan tâm đầu tư về nhiều mặt, bộ mặt vùng nông thôn, ngoại thành có nhiều đổi mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển chung của thành phố, thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, nhất là các công trình thiết yếu, trọng điểm…

* Bộ mặt nông thôn đổi mới...

Ngắm nhìn những cánh đồng lúa vàng ươm, trĩu hạt nằm dọc theo tuyến kinh Bờ Tràm, nhiều nông dân ở ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, khấp khởi vui mừng trước vụ mùa bội thu. Việc huyện Vĩnh Thạnh tiến hành nạo vét kinh Bờ Tràm và một số kinh nhánh với chiều dài trên 5km, có tổng mức đầu tư gần 1 tỉ đồng đến nay đã phát huy hiệu quả rõ nét. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, người dân ở ấp Thắng Lợi, phấn khởi, nói: “Trước đây, năng suất vụ lúa đông xuân khoảng 35 đến 45 giạ/công; vụ hè thu khoảng 30 đến 35 giạ/công. Từ khi kinh Bờ Tràm được nạo vét, đảm bảo được nguồn nước tưới tiêu nên năng suất lúa cũng đạt cao. Trong đó, vụ lúa đông xuân đạt từ 50 đến 60 giạ/công; vụ hè thu cũng từ 40 đến 50 giạ/công. Nhờ có hệ thống đê bao khép kín, người dân chủ động hơn trong sản xuất, làm từ 2 vụ lúa lên 3 vụ lúa/năm”. Nhiều nông dân còn phấn khởi cho biết hàng trăm hộ dân sinh sống dọc hai bên tuyến kinh Bờ Tràm đều có điện thắp sáng, tuyến đường được bê tông hóa, đảm bảo cho người dân đi lại dễ dàng trong hai mùa mưa nắng.

Thời gian qua, nông dân huyện Cờ Đỏ được hỗ trợ vốn mua 56 máy gặt đập liên hợp. Ảnh: VĂN CÔNG. 

Không riêng công trình trên, 6 năm qua, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã có rất nhiều công trình đầu tư cho NN-ND-NT đã và đang phát huy hiệu quả, với tổng các nguồn vốn đầu tư trên 803 tỉ đồng (vốn từ ngân sách nhà nước là 518,6 tỉ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 192,5 tỉ đồng; vốn đầu tư khác 92,3 tỉ đồng) và trên 51.800 ngày công lao động. Trong đó, đầu tư xây dựng 93.069m lưới điện trung thế và hạ thế, 542.409m đường giao thông được trải đá bụi và bê tông hóa, 293 cây cầu được sửa chữa và xây mới. Bên cạnh đó, huyện đã được đầu tư xây mới 22 công trình trường học, Bệnh viện Đa khoa huyện và 9 trạm y tế xã, 3 trạm cấp nước sạch và đầu tư thực hiện 116 công trình thủy lợi;... Để tạo điều kiện cho nông dân thu hoạch nông sản, huyện cũng phối hợp với ngân hàng hỗ trợ nông dân mua 125 máy gặt đập liên hợp, 130 lò sấy lúa;... Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Bên cạnh quan tâm đầu tư nạo vét các kinh mương nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, hệ thống đê bao thủy lợi, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư đồng bộ, giúp nông dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Từ đó, nhiều tổ hợp tác được thành lập. Trong năm 2011, huyện cũng xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu lớn tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An với diện tích trên 400 ha”.

Cùng thời gian này, huyện Phong Điền cũng được đầu tư trên 196 tỉ đồng cho nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, huyện đã được đầu tư xây dựng 171,4 km đường dây trung thế và hạ thế, xây dựng 63 tuyến đường giao thông, 103 cây cầu bê tông; phối hợp với Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phát vay trên 125 tỉ đồng để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp; giới thiệu và giải quyết việc làm cho 30.066 lao động; sửa chữa và cất mới 801 căn nhà tình nghĩa và nhà Đại đoàn kết;...

Các quận Thốt Nốt, Ô Môn và các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ cũng được phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho NN-ND-NT khá đồng bộ. Trong đó, quận Ô Môn được đầu tư 73 công trình thủy lợi, đầu tư nạo vét kênh cấp 2 Ô Môn – Xà No và dự án rau màu phường Thới Hưng, với tổng mức đầu tư trên 34 tỉ đồng. Hệ thống lưới điện trên địa bàn 7 phường được đầu tư với kinh phí trên 11,9 tỉ đồng;... Quận Thốt Nốt được đầu tư xây dựng trên 127 km đường giao thông nông thôn, bắc mới 198 cây cầu với số tiền trên 163 tỉ đồng;... Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm luôn được quan tâm. Quận đã phối hợp với trung tâm giải quyết việc làm của thành phố tổ chức 90 lớp dạy nghề cho 2.651 học viên; phối hợp với các phường tư vấn giới thiệu giải quyết việc làm cho 33.226 lao động;... Tại 2 huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, sau 3 năm (giai đoạn 2009-2011) thực hiện đầu tư công cho NN-ND-NT cũng được thể hiện khá rõ nét. Trong đó, huyện Cờ Đỏ, được đầu tư xây dựng 73 công trình thủy lợi với tổng kinh phí trên 21 tỉ đồng; hỗ trợ nông dân mua 56 máy gặt đập liên hợp, xây dựng 182 lò sấy lúa; đầu tư xây dựng được 45 công trình đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 70 tỉ đồng;... Huyện Thới Lai đầu tư xây dựng 111 công trình thủy lợi, phục vụ cho 12.287 ha diện tích đất nông nghiệp với mức vốn trên 25 tỉ đồng; trợ giá cây, con giống, các dự án giảm nghèo cho nông dân với số tiền trên 1,2 tỉ đồng;... Sự đầu tư khá đồng bộ cho NN-ND-NT tại các quận, huyện trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên...

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, giai đoạn 2006-2011 tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân lên đến 15.140,7 tỉ đồng. Từ các nguồn vốn này, hệ thống thủy lợi đảm bảo cho nông dân có nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có thêm 2.345 km đường dây điện trung thế và hạ thế; 2.590 km đường giao thông, bắc mới và sửa chữa 3.278 cầu ván và bê tông; 53 trường đạt chuẩn Quốc gia; trên 100 công trình cấp nước sạch;... Các cấp, các ngành đã góp phần đào tạo, giải quyết việc làm cho 271.400 lao động; sửa chữa và xây dựng mới trên 7.000 căn nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết;... Qua giám sát, ông Huỳnh Văn Tiếp, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ nhận xét: “Sau 6 năm thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho NN-ND-NT, các quận, huyện đã thực hiện tốt những mục tiêu đề ra. Qua đó, hệ thống giao thông được đầu tư kiên cố, tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng ở nông thôn đạt trên 98%; hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phục vụ nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp,... Từ đó, thúc đẩy nông dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế,...”.

* Quan tâm đầu tư cho các công trình thiết yếu...

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Tiếp, qua giám sát, đoàn nhận thấy còn nhiều lĩnh vực liên quan đến nhu cầu cấp thiết của người dân cần được thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư đúng mức, như: hệ thống trường học, cơ sở khám điều trị bệnh, việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường... Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: “Việc phân bổ ngân sách đầu tư công cho NN-ND-NT được lãnh đạo thành phố quan tâm, chiếm 35,07% tổng số vốn đầu tư của thành phố. Tuy nhiên, do ngân sách của thành phố còn hạn hẹp, nên một số lĩnh vực chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường...”.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Do việc phân bổ nguồn vốn còn hạn chế, nên việc đầu tư cho hệ thống đê bao khép kín của huyện chưa đồng bộ, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch còn chậm, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa hoàn chỉnh; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhân dân chưa theo kịp thị trường lao động”. Kinh phí hạn hẹp cũng là khó khăn chung của các địa phương. Ông Huỳnh Văn Mới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, kiến nghị: “Các cấp, các ngành cần xem xét việc phân bổ nguồn vốn triển khai xây dựng hệ thống đê bao khép kín để nông dân chủ động trong việc sản xuất nông nghiệp; song song đó là triển khai các chương trình hỗ trợ cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp để mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trợ giá giống cây, con cho nông dân sản xuất, nâng cao đời sống”... Bên cạnh đó, theo ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, việc ban hành các thông tư liên ngành về cơ chế quản lý tài chính của từng chương trình đầu tư cho NN-ND-NT nhìn chung còn chậm, từ đó kinh phí bố trí cho địa phương chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi đó, việc vận động, huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn chưa đạt yêu cầu. Trên cơ sở đó, ông Lê Văn Hừng đề nghị: “Sắp tới, ngân sách thành phố cần bố trí tập trung để hoàn thành một số công trình trọng điểm; đồng thời, tăng cường xã hội hóa, đảm bảo việc đầu tư phải đi đôi với công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình, góp phần phục vụ nhu cầu cho người dân được tốt hơn”. Còn ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP thành phố, kiến nghị: “Các ngành, các cấp cần xem xét đầu tư xây dựng nhiều trung tâm dạy nghề, các loại hình đào tạo phải phù hợp với từng khu vực để giúp nông dân có việc làm, tăng thu nhập lúc nông nhàn”...

Bên cạnh các kiến nghị có liên quan đến thành phố, các quận, huyện, sở, ngành kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư để các dự án xây dựng được triển khai kịp thời; xem xét điều chỉnh, bổ sung Luật Hợp tác xã cho phù hợp với tình hình thực tế để hỗ các hợp tác xã phát triển, mở rộng ngành nghề... Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện phát triển của ĐBSCL, tiếp tục hỗ trợ kinh phí để thành phố tăng cường đầu tư công cho NN-ND-NT;...

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ, nhận xét: “Qua 6 năm thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho NN-ND-NT, bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới, nhiều công trình phục vụ thiết thực cho nhân dân, từ đó giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường vẫn chưa thực hiện đồng bộ”. Về lâu dài, đồng chí Trần Thanh Mẫn yêu cầu UBND thành phố, các sở, ngành có liên quan tiến hành khảo sát để phân bổ nguồn vốn đúng vào các nhu cầu thiết yếu của nông thôn. Quan tâm, ưu tiên vốn đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường,... để phục vụ đời sống người dân được tốt hơn. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt các giải pháp bình ổn giá cả và tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản, giúp nông dân sản xuất có lãi...

THANH THƯ

Chia sẻ bài viết