18/03/2009 - 20:27

Quản lý nhân, hộ khẩu sau khi chia tách địa giới hành chính

Cần thống nhất, tránh phiền hà cho người dân

Người dân liên hệ giải quyết hồ sơ hộ khẩu tại Công an P. Xuân Khánh (quận Ninh Kiều).

Từ năm 2007 đến nay, TP Cần Thơ đã chia tách, thành lập mới thêm 16 xã, phường, thị trấn và 1 huyện, nâng số xã, phường, thị trấn hiện có của thành phố lên 85 và 9 quận, huyện. Việc chia tách địa giới hành chính là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển của thành phố, người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu do ảnh hưởng của chia tách địa giới hành chính cũng gây nhiều phiền hà cho người dân trong quá trình giải quyết nhu cầu thủ tục hành chính...

* Còn máy móc gây phiền hà!

Nhiều người dân sinh sống ở ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) phản ánh, hơn 1 năm nay hễ đi làm thủ tục khai sinh, khai tử, cấp hộ chiếu, cải chính hộ tịch, cải chính văn bằng... cán bộ đều yêu cầu người dân phải về Công an thị trấn xác nhận: “Ấp Nhơn Lộc 2, xã Nhơn Ái nay là ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền” thì mới được tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Theo Công an thị trấn Phong Điền, việc xác nhận này được giải quyết ngay tại chỗ, không phải chờ đợi, không cần phải lập thủ tục, mà xác nhận trực tiếp trên các giấy tờ đã cấp trước đây. Thế nhưng, người dân cho rằng, việc thay đổi này là do chia tách địa giới hành chính, cán bộ và cơ quan giải quyết hồ sơ cần cập nhật, không nên bắt buộc người dân phải tới lui để xác nhận, gây phiền hà, tốn kém.

Ông Nguyễn Văn Năm, ở thị trấn Phong Điền, cho biết: Đầu năm 2008, kế hoạch đi xuất khẩu lao động của con ông đã phải dời lại chậm hơn mấy tháng, do trục trặc khi làm một số thủ tục vì nơi sinh, quê quán có giấy tờ ghi là Nhơn Ái, có giấy lại ghi là thị trấn Phong Điền. “Tôi kiến nghị, các cơ quan không nên bắt buộc người dân phải xác nhận sự thay đổi đơn vị hành chính, vì việc này do chia tách địa giới hành chính, chứ không phải lỗi do người dân. Về lâu dài, ngành công an nên có kế hoạch cấp đổi lại các giấy tờ quan trọng như hộ khẩu, chứng minh nhân dân thống nhất theo đơn vị hành chính mới, để người dân thuận lợi trong giải quyết các nhu cầu thủ tục hành chính”- Ông Nguyễn Văn Năm nói.

Thiếu tá Mai Văn Thành, Trưởng Công an thị trấn Phong Điền, cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, thị trấn Phong Điền vẫn chưa thống kê được bao nhiêu hộ có thay đổi về nhân khẩu, hộ khẩu sau khi chia tách thành lập mới. Hiện tại, nếu cơ quan nào yêu cầu người dân xác nhận hay điều chỉnh về quê quán, nơi sinh từ xã Nhơn Ái sang thị trấn Phong Điền, công an sẵn sàng giúp đỡ. Còn chuyện đổi sổ hộ khẩu đại trà hay các giấy tờ khác thống nhất theo đơn vị hành chính hiện nay thì chưa có chủ trương của cấp trên”.

Tại một số quận, huyện khác như Ninh Kiều, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ... người dân khi đi giải quyết hồ sơ hành chính cũng thường bị cán bộ yêu cầu phải có xác nhận sự thay đổi về đơn vị hành chính ghi trong các giấy tờ đã cấp cho người dân trước đây. Thậm chí, người dân khi muốn đổi sổ hộ khẩu thống nhất theo đơn vị hành chính phải làm đơn nêu rõ lý do mới được giải quyết! Bà con cho rằng, yêu cầu này là máy móc, không cần thiết, gây phiền hà cho người dân. Ông Nguyễn Văn Tính, ở phường An Khánh (trước đây là phường An Bình), phản ánh: “Tôi muốn đổi sổ hộ khẩu theo nơi ở mới là phường An Khánh, để các con đi làm chứng minh nhân dân khỏi phải xác nhận. Thế nhưng, thủ tục đổi sổ hộ khẩu cũng không đơn giản, phải có đơn đề nghị cấp đổi sổ hộ khẩu, nói rõ lý do, có xác nhận của công an địa phương; bản kê khai nhân khẩu... Trong khi đó, việc đổi sổ hộ khẩu này không có thay đổi về nhân khẩu, chỉ thay đổi đơn vị hành chính”.

* Sớm thống nhất, tạo thuận lợi cho người dân

Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã đã ban hành Nghị định số 12/2008/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành lập mới 9 xã, phường; thành lập quận Thốt Nốt và huyện Thới Lai. Hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đang nỗ lực hoàn thiện, đưa vào hoạt động bộ máy hành chính. Song song đó, thành phố cũng chỉ đạo ngành công an tăng cường rà soát, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn theo đơn vị hành chính mới. Theo công an các địa phương, đợt điều chỉnh địa giới hành chính lần này, có hàng ngàn hộ dân thay đổi các thông tin về quê quán, nơi sinh trong các giấy tờ hộ khẩu. Do đó, yêu cầu đặt ra là công an xã, phường phải bám sát cơ sở, giải quyết kịp thời khi người dân có nhu cầu xác nhận về sự thay đổi này trong các giấy tờ, đảm bảo không để xảy ra phiền hà.

Về nguyên tắc quản lý nhân hộ khẩu theo Luật Cư trú, sau khi chia tách địa giới hành chính, ngành công an phải tiến hành xem xét cấp đổi lại hộ khẩu theo địa giới hành chính mới, nhằm thống nhất quản lý nhân khẩu, hộ khẩu trên địa bàn. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng sổ hộ khẩu, khi sổ bị cũ, nhàu nát, chữ mờ... người dân cũng được quyền đổi. Thế nhưng, bà Võ Như Tuyết, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính- trật tự xã hội, Công an thành phố cho rằng, thành phố có thể sẽ tiếp tục chia tách địa giới hành chính nữa và hiện tại đang trong quá trình đặt tên, đổi tên đường, đổi số nhà, chờ khi nào ổn định công tác chia tách địa giới và thống nhất tên đường, số nhà, thì đổi sổ hộ khẩu luôn, tránh trường hợp phải đổi sổ hộ khẩu nhiều lần.

Cách giải thích này cũng được Công an các quận, huyện lý giải khi người dân đề nghị đổi sổ hộ khẩu đại trà theo địa giới hành chính mới, gây thắc mắc trong nhân dân. Ông Nguyễn Văn Tâm, nhà ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho rằng: “Việc chia tách địa giới hành chính phụ thuộc vào sự cho phép của Chính phủ; còn tiến độ đặt đổi tên đường, đổi số nhà thì chưa biết bao giờ mới xong. Nếu ngành công an không có biện pháp giải quyết thống nhất, thì cứ mỗi lần làm thủ tục gì cũng phải đến công an để xác nhận về sự thay đổi đơn vị hành chính trong giấy tờ, thì thật phiền hà cho người dân”.

Năm 2007, khi TP Cần Thơ mới chia tách, thành lập thêm một số xã, phường, đã xảy ra tình trạng “làm khó” người dân khi đi giải quyết thủ tục hành chính do giấy tờ không trùng khớp nhau về quê quán, nơi sinh. UBND thành phố đã có Thông báo số 49 ngày 21-6-2007, chỉ đạo cụ thể: “Trong quá trình giải quyết hồ sơ, nếu phát sinh vướng mắc do thay đổi địa giới hành chính, cán bộ căn cứ, đối chiếu các giấy tờ trong hồ sơ giải quyết cho người dân, tuyệt đối không được yêu cầu người dân phải lập thủ tục”. Tuy nhiên, hiện nay từng lúc, từng nơi chỉ đạo này chưa được thực thi nghiêm túc.

***

Tại các cuộc họp giải quyết vướng mắc trong giải quyết cấp sổ hộ khẩu với ngành công an cuối năm 2008, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, yêu cầu chính quyền các địa phương và ngành công an, khi tiếp hồ sơ hành chính, cán bộ nên căn cứ quy định chia tách địa giới hành chính để giải quyết, không thể cứ “không trùng khớp” là yêu cầu phải xác nhận, mất thời gian, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Về lâu dài, ngành công an cần xây dựng phương án đổi sổ hộ khẩu cho người dân những nơi đã thay đổi đơn vị hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch hành chính.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết