27/07/2019 - 17:38

Cần Thơ mời gọi đầu tư vận tải hành khách công cộng 

TP Cần Thơ đang tích cực xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho Kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2020, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Thành phố cũng sẽ mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác 5 tuyến xe buýt không trợ giá trong giai đoạn này, số lượng khoảng 135 xe buýt đời mới, có máy lạnh. 

TP Cần Thơ sẽ mời gọi nhà đầu tư đưa xe buýt mới vào hoạt động trên 5 tuyến không trợ giá, phục vụ người dân đi lại.

► Những bất cập trong đầu tư xe buýt 

Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (VTHKCC) trên địa bàn TP Cần Thơ có từ năm 1999, do Công ty TNHH Một thành viên Công trình Đô thị TP Cần Thơ quản lý và điều hành. Tháng 6-2014, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định 1741/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý và Điều hành VTHKCC (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải) nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành và khai thác hoạt động VTHKCC trên địa bàn thành phố. Từ đó, xe buýt chuyển giao về Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức hoạt động, khai thác các tuyến trên địa bàn thành phố và đi các tỉnh.

TP Cần Thơ hiện có 8 tuyến xe buýt hoạt động, gồm 5 tuyến nội thành và 3 tuyến kế cận đi các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang và ngược lại. Tổng chiều dài mạng lưới tuyến khoảng 223km, tổng số lượt xe trung bình hoạt động trong ngày khoảng 388 lượt/ngày, thời gian phục vụ từ 5 giờ 20 đến 18 giờ hằng ngày. Trong đó, Ban Quản lý và Điều hành VTHKCC đang trực tiếp quản lý và khai thác 42/82 phương tiện (chiếm 41% tổng số đoàn phương tiện khai thác), số phương tiện còn lại hợp tác với doanh nghiệp vận tải để khai thác. Phương tiện do Ban quản lý có tuổi đời khai thác bình quân là 15 năm, trong vòng 3-4 năm nữa các phương tiện sẽ hết niên hạn sử dụng.

Theo đánh giá của Sở GTVT thành phố, chất lượng phương tiện kém, chi phí vận hành cao, xe buýt không có máy lạnh nên không hấp dẫn được người sử dụng dịch vụ. Cơ sở hạ tầng dành cho xe buýt hiện cũng chưa được đầu tư, chưa có bến xe buýt trung tâm và bến xe buýt trung chuyển; các điểm đầu và cuối tuyến xe buýt được Ban thuê tạm của người dân tại các bãi đất trống dọc các tuyến đường như: Đường tỉnh 922 (tại thị trấn Cờ Đỏ), bãi đất trống nằm cạnh quốc lộ 80 (tại thị trấn Thạnh An, Vĩnh Thạnh) và bãi đậu quốc lộ 91 (tại quận Ô Môn và quận Thốt Nốt) để bố trí. Toàn thành phố hiện có 90 nhà chờ và 626 trạm dừng xe buýt, nhìn chung đa phần chưa đảm bảo tiêu chuẩn, xuống cấp nghiêm trọng và hư hỏng nặng.

Trong giai đoạn 2010-2019, hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố liên tục có sự suy giảm về khối lượng vận chuyển, phương tiện khai thác và số tuyến buýt. Năng lực của hệ thống VTHKCC bằng xe buýt của thành phố hiện thấp nhất trong các thành phố trực thuộc Trung ương và cũng thấp hơn một số tỉnh trong khu vực như: Tiền Giang (9 tuyến/153 phương tiện), An Giang (12 tuyến/150 phương tiện), Sóc Trăng (9 tuyến/110 phương tiện), Bến Tre (9 tuyến/126 phương tiện)… Do các bất cập còn tồn tại trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, tình hình sản xuất kinh doanh của Ban Quản lý và Điều hành VTHKCC gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu đã quyết toán năm 2017 hơn 13,29 tỉ đồng, chi phí 13,51 tỉ đồng, lỗ hơn 214,49 triệu đồng; năm 2018 doanh thu hơn 9,52 tỉ đồng, chi phí 10,04 tỉ đồng (lỗ 516 triệu đồng); dự kiến năm 2019 lỗ trên 300 triệu đồng.

► Tích cực mời gọi đầu tư mới

Từ thực trạng trên, để khắc phục tồn tại, đưa xe buýt Cần Thơ phát triển, Sở GTVT thành phố đang tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch Phát triển VTHKCC trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2019-2020. Kế hoạch này góp phần triển khai thực hiện Đề án Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển VTHKCC trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 và định hướng sau năm 2020 (Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1254/QĐ-UBND ngày 16-5-2018). Theo đó, TP Cần Thơ sẽ mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác 5 tuyến xe buýt không trợ giá giai đoạn 2019-2020.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết: Sở đang trình UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch phát triển xe buýt giai đoạn 2019-2020. Đồng thời, triển khai 5 tuyến xe buýt mới không trợ giá và mời gọi nhà đầu tư, đã có nhà đầu tư làm việc trực tiếp với Sở. Cuối năm nay, dự kiến sẽ có phương tiện mới thay thế cho xe buýt cũ. Các phương tiện buýt công cộng chỉ mới đáp ứng 1% nhu cầu vận tải hành khách công cộng. Từ nay đến cuối năm, ngoài xã hội hóa 135 xe buýt mới, Sở sẽ xây thêm 101 nhà chờ. Tới sau 2020 mở thêm 5 tuyến xe buýt trợ giá nữa, với lượng xe buýt này sẽ cơ bản đáp ứng cơ bản 5% so với yêu cầu đề ra, còn 10% thì phải chờ thời gian nữa…

Năm tuyến xe buýt không trợ giá mời gọi đầu tư trên địa bàn thành phố, với tổng chiều dài mạng lưới 250,5km, tần suất khai thác 15 phút/chuyến. Cụ thể gồm: tuyến từ quốc lộ 1A (phường Ba Láng) - quốc Lộ 1 (cũ) - đường 30 Tháng 4 - Đại lộ Hòa Bình - Nguyễn Trãi - Cách Mạng Tháng Tám - Lê Hồng Phong - Ô Môn – đường tỉnh 922 - Cờ Đỏ và ngược lại. Tuyến từ Ô Môn - quốc lộ 91 - Ngã Ba Lộ Tẻ - Kinh B và ngược lại. Tuyến Ngã Ba Lộ Tẻ (Thốt Nốt) - quốc lộ 91 – đường tỉnh 921 - Cờ Đỏ - đường tỉnh 919 - Vĩnh Thạnh – quốc lộ 80 - Thốt Nốt, Ngã Ba Lộ Tẻ và ngược lại. Tuyến Sân bay - Nguyễn Duy Tân – Cách Mạng Tháng 8 - Trần Phú - Lê Lợi - KS Công Đoàn - cầu Ninh Kiều - Ngô Gia Tự - Hai Bà Trưng - Nguyễn An Ninh - Lý Tự Trọng - Trần Hưng Đạo - đường 3 Tháng 2 - Bến xe 91B - đường 3 Tháng 2 – đường tỉnh 923 - thị trấn Phong Điền - cầu Trà Niền (mới) – Nguyễn Văn Cừ nối dài - Võ Văn Kiệt - Sân bay.  Tuyến Sân bay - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh - Bến xe 91B - cầu Hưng Lợi - Bến xe Trung tâm - Cái Cui và ngược lại. Số lượng phương tiện xe buýt khoảng 135 xe đời mới, có máy lạnh, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - cuối xe buýt (xây dựng mới 3 bãi đỗ: Ba Láng (Cái Răng) và Kênh B, H (Vĩnh Thạnh) và Sân bay Cần Thơ (Bình Thủy) và nhà chờ, điểm dừng… do nhà đầu tư tự thu xếp 100% nguồn vốn (dự kiến khoảng 500 tỉ đồng).

Theo Sở GTVT thành phố, dự kiến, UBND thành phố sẽ phê duyệt Kế hoạch Phát triển VTHKCC trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2019-2020 và Bộ tiêu chí mời gọi đầu tư vào cuối tháng 7-2019, làm cơ sở để Sở GTVT tổ chức mời gọi và lựa chọn nhà đầu tư tham gia khai thác các tuyến xe buýt trên. Trong năm 2020, thành phố sẽ phát triển các tuyến xe buýt trợ giá.

Sở GTVT sẽ tham mưu UBND thành phố Xây dựng Định mức kinh tế kỹ thuật và Đơn giá dự toán cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ. Đây là cơ sở để giám sát việc tính giá vé của doanh nghiệp; hỗ trợ cho người sử dụng dịch vụ; kiểm tra và giám sát doanh thu và chi phí của các doanh nghiệp khai thác VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Dựa trên cơ sở này, Sở GTVT tham mưu UBND thành phố tiến hành phát triển các tuyến xe buýt có trợ giá để mở rộng tuyến, đảm bảo tần suất và chất lượng phục vụ để thu hút hành khách sử dụng VTHKCC, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và văn minh đô thị.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết