14/10/2021 - 09:07

Cần Thơ lên phương án phòng, chống COVID-19 sau ngày 15-10 

(CTO) - Tối 13-10, Sở Chỉ huy phòng, chống COVID TP Cần Thơ họp trực tuyến đến xã, phường, thị trấn về kế hoạch thực hiện thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn thành phố; dự thảo phương án phòng, chống dịch sau ngày 15-10-2021.

Các đại biểu tham dự cuộc họp tại đầu cầu thành phố. 

Tính đến 17 giờ ngày 12-10-2021, thành phố ghi nhận 6.111 ca mắc COVID-19, điều trị khỏi 5.313 ca (86,9%), tử vong 96 ca (1,57%). TP Cần Thơ đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, số ca mắc trong cộng đồng giảm dần; các ca mắc mới trong những ngày gần đây chủ yếu trong các khu cách ly, khu phong tỏa.

Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn do Cần Thơ là trung tâm của vùng, lượng người đến giao thương hàng hóa từ các tỉnh lân cận đặc biệt là lực lượng tài xế xe tải và người đi cùng chở hàng hóa, lái tàu, người nơi khác đến thành phố để khám, chữa bệnh, học tập, người dân từ vùng dịch trở về địa bàn thành phố, một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trở lại… Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine của Cần Thơ chỉ đạt 29,7% dân số, trong đó chỉ có 8,1% dân số được tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ này rất thấp so với yêu cầu cần có để đạt miễn dịch cộng đồng.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế trình bày các phương án chống dịch sau ngày 15-10. 

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, cho biết Sở Y tế đã xây dựng dự thảo “Kế hoạch Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn TP Cần Thơ”; dự thảo phương án phòng, chống dịch sau ngày 15-10-2021. 

Theo đó, về đánh giá cấp độ dịch. Với tiêu chí cố ca mắc mới tại cộng đồng của thành phố ở 2 tuần gần nhất trên 100.000 dân chỉ có 20 ca. Tương ứng: 1/100.000 ca/tuần. Tiêu chí về tiêm vaccine: Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 (tính đến 12-10) 39,4%. Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine tính đến 12-10 là 9,3%. Tiêu chí  số giường ICU cần chuẩn bị 75 giường. Hiện thành phố có 110 giường ICU. Thành phố đã thiết lập mô hình điều trị tháp 3 tầng với tổng cộng 3.220 giường. Thành phố đã thành lập 83 trạm y tế lưu động, mỗi trạm y tế được trang bị 4 máy tạo oxy và 6 máy SpO2.

Căn cứ hướng dẫn xác định cấp độ dịch, thành phố thuộc Cấp 1. Tuy nhiên, Cần Thơ do không đạt được chỉ số tiêm vaccine nên phải tăng lên 1 cấp độ dịch là: Cấp 2.

Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo kế hoạch của Sở Y tế. Đồng thời đề nghị với từng lĩnh vực, các sở, ngành có hướng dẫn cụ thể mở lại, quy mô hoạt động... 

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố cho biết đối chiếu với các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, thành phố ở cấp 1, chỉ vướng tỷ lệ tiêm vaccine. Chính vì thế, các đơn vị nỗ lực nâng công suất, mở thêm các điểm tiêm, tiêm thật nhanh và an toàn. Các địa phương phối hợp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Cao đẳng Y tế, Thành đoàn... bố trí nhân lực hỗ trợ các điểm tiêm. Trong tháng 10-2021, phấn đấu phủ 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu kết luận cuộc họp.

Chủ tich UBND thành phố yêu cầu: Hiện thành phố còn 1 vài ổ dịch ở quận Thốt Nốt, Ninh Kiều, cần quyết liệt kiểm soát, xử lý các ổ dịch. Đồng thời đánh giá nguy cơ, căn cứ tình hình thực tế, quyết định phong tỏa hẹp, gọn nhất có thể. Từ ngày 1-10 đến nay, hơn 13.000 người dân Cần Thơ về từ vùng dịch, phát hiện hơn 200 F0, trong đó 64 người tái dương tính. Các ca nhiễm nồng độ virus rất cao. Các địa phương không được chủ quan, phải kiểm soát thật chặt cách ly tập trung, cách ly tại nhà.

Về dự thảo, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Y tế, văn phòng UBND thành phố bám sát Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về chuyên môn y tế, căn cứ tình hình thực tế của thành phố, xác định Cần Thơ thuộc cấp độ nào thực hiện các giải pháp tương ứng. Sở, ngành bám sát hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương để có  hướng dẫn thực hiện cụ thể trong lĩnh vực được phân công.

Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện không dừng xét nghiệm; cần tiếp tục xét nghiệm định kỳ đối tượng nguy cơ cao như tài xế, shipper, bán vé số, tiểu thương... nhóm người từ vùng dịch về. Ngành y tế tổ chức hiệu quả điều trị FO, nhất là các trường hợp nặng, nguy kịch, giảm tối đa bệnh nặng và tử vong. Tập trung nâng cao năng lực trạm y tế, nhất là năng lực điều trị, oxy, thuốc thiết yếu... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tất cả các khâu phòng, chống dịch. Cập nhật cấp độ dịch và các thông tin phòng, chống dịch cho người dân.

Tin, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết