02/09/2019 - 21:49

Cần Thơ giữ gìn, phát huy bản sắc đô thị sông nước 

Là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, ngoài vai trò hạt nhân thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng phát triển, TP Cần Thơ còn được định hướng phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện; phát triển hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phát huy bản sắc đô thị sông nước, đô thị sinh thái đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Song, giữ gìn và phát huy ưu thế đô thị sông nước Cần Thơ cần được quan tâm hơn nữa.

Mạng lưới  kênh rạch đang là thế mạnh của TP Cần Thơ.

Mạng lưới  kênh rạch đang là thế mạnh của TP Cần Thơ.

Với đặc điểm của một thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ được bao bọc bởi mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc với tổng chiều dài khoảng 3.405km. Hệ thống sông, kênh rạch này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt quanh năm cho thành phố, nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước trong mùa lũ cũng như hoạt động giao thông, vận tải thủy... 

Thời gian qua, diện tích mảng xanh và không gian mặt nước trên địa bàn TP Cần Thơ đã bị suy giảm đáng kể do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Trong quá trình đô thị hóa, tình trạng nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố bị san lấp, lấn chiếm, người dân xả rác... làm tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, khả năng trữ và thoát nước của thành phố. Do đó, khi Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL và Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được triển khai, thành phố có thêm nguồn lực để cải tạo các con rạch lớn như: Tham Tướng, Cái Khế, Rạch Chùa, cải tạo Hồ Xáng Thổi, Hồ Bún Xáng… Dự án này đã góp phần cải thiện diện mạo đô thị sông nước của Cần Thơ một cách rõ nét.

Ông Trần Tiến Dũng, Quyền Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: Ninh Kiều đang trong quá trình đô thị hóa, việc giữ gìn hệ thống kênh rạch trong lòng đô thị là yêu cầu quan trọng đối với quận và với thành phố, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Hệ thống kênh rạch không chỉ mang ý nghĩa trữ nước, tiêu thoát nước mà còn điều hòa nhiệt độ và làm đẹp cảnh quan chung. Quận sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân giữ gìn cảnh quan đô thị sông nước gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác, lấn chiếm kênh rạch tự nhiên trên địa bàn. 

TP Cần Thơ đang phấn đấu khẳng định vị thế trung tâm du lịch, giao thương và phân phối hàng hóa, nông nghiệp đô thị sinh thái, công nghệ cao của vùng ĐBSCL. Về quy hoạch không gian thành phố sẽ phát triển toàn diện, cân bằng, bền vững, hài hòa với quan tự nhiên và phát huy bản sắc đô thị sông nước, sinh thái đặc trưng vùng ĐBSCL. Cần Thơ ghi dấu ấn trong lòng du khách bởi nét đẹp của một đô thị hiện đại, đô thị sinh thái hài hòa với những vườn cây ăn trái dọc theo các tuyến sông kênh rạch.

Ông Lê Ngọc Thạch, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Tôi đến Cần Thơ nhiều lần nhưng thích nhất vẫn là tham quan chợ nổi Cái Răng và các vườn trái cây đặc sản ở Phong Điền. Di chuyển bằng ghe xuồng qua sông rạch mới cảm nhận hết không khí trong lành và cảnh quan xanh mát của TP Cần Thơ”.

Thực hiện Kế hoạch tăng cường khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ, về hạ tầng môi trường, Cần Thơ định hướng sẽ trở thành một thành phố ven sông xanh, bền vững, hiện đại, hiệu quả, linh hoạt, chống chịu với các yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu. Theo ý kiến của các chuyên gia, một thành phố ven sông xanh, nhất thiết phải có cơ chế để bảo vệ các không gian xanh và mặt nước tự nhiên, khuyến khích triển khai các giải pháp hạ tầng xanh. Vấn đề giải tỏa áp lực cho bờ sông, kênh rạch cũng cần lưu tâm; phải cân nhắc đào đắp và bê tông hóa một cách hợp lý. Đơn cử như có những khu vực cần xây kè chống sạt lở nhưng ở một số khu vực có thể xây dựng kè mềm để vừa giữ đất, giữ mảng xanh, tạo cảnh quan môi trường hài hòa.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Phong Điền có mạng lưới sông ngòi chằng chịt vừa phục vụ nhu cầu sản xuất, lưu thông đường thủy cũng như phát triển các tuyến du lịch sông nước miệt vườn. Huyện đang tập trung phát triển theo định hướng đô thị sinh thái, giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên. Bên cạnh việc nạo vét, cải tạo hệ thống kênh rạch, huyện cũng quan tâm ngăn chặn sạt lở bằng cách trồng cây bần ở một số tuyến để vừa giữ đất, vừa tạo cảnh quan môi trường.

Theo ông Trần Tiến Dũng, Quyền Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đã tiến hành khảo sát, lập dự án cải tạo, chỉnh trang trả lại hiện trạng 30 kênh, rạch xen kẽ trên địa bàn quận Ninh Kiều. Quận sẽ tiếp tục hỗ trợ Ban Quản lý Dự án ODA Cần Thơ trong quá trình triển khai dự án; vận động người dân đồng thuận chấp hành chủ trương không xây dựng lấn chiếm, trả lại hiện trạng ban đầu và giữ gìn cảnh quan môi trường kênh rạch tự nhiên. Trong ý tưởng cải tạo các tuyến kênh rạch, khôi phục hiện trạng tự nhiên, quận cũng đề xuất đầu tư khai thác một số tuyến kênh có cảnh quan đặc trưng, tạo điểm nhấn trong lòng đô thị. Từ đó hình thành các tour tuyến tham quan du lịch mang đặc trưng đô thị sông nước bên cạnh các tuyến du lịch sinh thái miệt vườn.

Bài, ảnh: THANH ĐÌNH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Cần Thơ