17/02/2025 - 15:18

Cần Thơ: Chỉ số hài lòng cấp xã đạt cao hơn mức bình quân của toàn thành phố 

(CTO) - Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cấp xã trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2024 đạt 96,04%, cao hơn mức trung bình của toàn thành phố (95,44%). Địa phương có tỷ lệ hài lòng cao nhất là UBND xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh (đạt hơn 99,93%), thấp nhất là UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (đạt 86,2%).

Theo báo cáo kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2024, của Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ vừa công bố, cho thấy có sự chênh lệch đáng kể giữa địa phương cao nhất và thấp nhất, lên đến 13,73%, phản ánh sự không đồng đều về chất lượng dịch vụ hành chính tại các đơn vị cấp xã.

Tốp 10 xã, phường đứng đầu bảng xếp hạng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cấp xã trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2024. Nguồn: Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ.

- Đối với nhóm địa phương dẫn đầu

Các địa phương có chỉ số hài lòng cao nhất tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Ninh Kiều. Điều này cho thấy dịch vụ hành chính tại các xã, phường này đáp ứng tốt kỳ vọng của người dân. Điển hình như huyện Vĩnh Thạnh có đến 4 địa phương trong tốp 10 bảng xếp hạng, đặc biệt là UBND xã Thạnh Tiến (đạt 99,93%), UBND xã Thạnh Lợi (đạt 99,22%). Đây là điểm sáng trong công tác cải cách hành chính.

- Đối với nhóm địa phương có chỉ số trung bình dưới 95%

Nhiều địa phương ở nhóm cuối như: Thới Lai, Phong Điền, Cờ Đỏ và một số phường thuộc quận Ninh Kiều, Bình Thủy có chỉ số hài lòng dưới 95%. Những nơi này cần đánh giá lại các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người dân, đặc biệt là cơ sở vật chất, thái độ phục vụ và thời gian xử lý hồ sơ.

Quận Bình Thủy là địa phương có nhiều phường trong nhóm cuối bảng xếp hạng, đáng chú ý là phường Long Hòa (89,83%) và phường Bùi Hữu Nghĩa (86,2%). Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc cải thiện chất lượng phục vụ tại các địa phương này. Đối với huyện Phong Điền, chỉ số hài lòng của nhiều xã dao động quanh mức trung bình hoặc thấp như: xã Nhơn Nghĩa (93,72%) và xã Mỹ Khánh (90,18%).

Chất lượng dịch vụ không đồng đều do sự khác biệt đến từ cơ sở vật chất, trình độ cán bộ hoặc quy trình xử lý hồ sơ hành chính. Những phường trung tâm hoặc có dân số lớn thường gặp nhiều áp lực hơn trong việc xử lý hồ sơ, dẫn đến mức độ hài lòng thấp hơn. Đồng thời, tại một số xã, phường, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài hoặc thái độ không tốt của cán bộ hành chính có thể làm giảm sự hài lòng của người dân.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, đề xuất cần đẩy mạnh và cương quyết hơn nữa trong thực hiện chuyển đổi số trong dịch vụ công; đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến và trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Tăng cường đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ cho cán bộ, công chức và người dân để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ trực tuyến; minh bạch hóa quy trình và cải tiến cơ sở vật chất; tăng cường chất lượng, hiệu quả của các cuộc tương tác và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân.

Q. THÁI

Chia sẻ bài viết