20/05/2012 - 21:34

Đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh, Đảng ủy viên, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Ba Láng (quận Cái Răng):

Cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm công tác tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên

Được học tập, nghiên cứu Nghị quyết số 12-NQ/TW (NQ12)Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tôi rất phấn khởi. NQ12 ra đời vào thời điểm này là rất cần thiết và kịp thời đối với việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Từ nhận định, đánh giá tình hình, thực trạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ ra 3 vấn đề cấp bách và 4 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện tốt là rất phù hợp. Đây được ví như một liều thuốc đắng để đặc trị những căn bệnh tồn tại trong Đảng lâu nay.

Vấn đề trước tiên tôi rất tâm đắc là việc Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá đúng thực trạng hiện nay “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Là một cán bộ công tác ở cơ sở, tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là do thời gian qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên vẫn còn hạn chế, chưa hiệu quả. Do vậy, các cấp ủy Đảng cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Theo tôi, bên cạnh tổ chức cho đảng viên học tập, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy Đảng cần chú trọng công tác giáo dục, nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên để động viên, giáo dục; cần nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình của đảng viên và tổ chức cho đảng viên tự phê bình xoay vòng để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa đảng viên vi phạm. Cần động viên cán bộ, đảng viên tự giác học tập và đăng ký phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Là một cán bộ công tác ở cơ sở, tôi nhận thấy một vấn đề cũng khá cấp bách cần được Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm giải quyết là những bất cập, bức xúc về chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác ở xã (phường) và ấp (khu vực). Thời gian qua, vấn đề này đã được cơ sở kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được quan tâm giải quyết đúng mức. Trong đó, các đồng chí ở các vị trí như: Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên Giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng Khối vận Đảng ủy xã (phường) yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, chức vụ được xác định là những cán bộ chủ chốt, có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở trong sạch vững mạnh (TSVM), nhưng lại là cán bộ bán chuyên trách, không được biên chế, chỉ được hưởng chế độ phụ cấp mỗi tháng bằng 0,9% mức lương cơ bản. Chính vì thế, đa số cán bộ cơ sở không muốn đảm nhiệm các chức vụ này, hoặc có đảm nhiệm thì cũng là kiêm nhiệm. Ở các vị trí khác như Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã (phường)... thời gian làm việc nguyên ngày, phải thực hiện rất nhiều phong trào và đi công tác rất nhiều, nhưng phụ cấp mỗi tháng cũng chỉ được 0,9% lương cơ bản. Đối với cán bộ ấp (khu vực) mức phụ cấp tùy theo vị trí công tác hiện nay, mỗi tháng chỉ được hưởng mức phụ cấp từ 0,3-0,9% mức lương cơ bản.

Với mức phụ cấp quá thấp như vậy, trong khi giá cả các mặt hàng tăng cao, đời sống khó khăn nên ảnh hưởng phần nào đến việc thực hiện nhiệm vụ và cống hiến của cán bộ cơ sở. Theo tôi, Đảng ta muốn TSVM trước hết phải TSVM từ các tổ chức đảng cơ sở và phải có đội ngũ cán bộ cơ sở gương mẫu, tâm huyết và chịu ra sức cống hiến. Chính vì thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở. Trong đó, các vị trí như Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Trưởng Khối vận Đảng ủy xã (phường) cần xem xét đưa vào biên chế để được hưởng lương theo hệ số và bảo hiểm xã hội; các vị trí Phó các đoàn thể xã (phường) và cán bộ khu vực cần xem xét nâng mức phụ cấp lên gấp đôi hiện nay để họ an tâm làm việc và cống hiến. Theo tôi, chế độ, chính sách của cán bộ cơ sở được bảo đảm sẽ hạn chế được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và động viên cán bộ, đảng viên ra sức cống hiến hơn.

Thiết nghĩ, nếu thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, tổ chức đảng ở cơ sở sẽ ngày càng TSVM; chất lượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở sẽ từng bước được nâng lên.

ANH DŨNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết