07/07/2013 - 21:06

Sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và thủy sản ở ĐBSCL

Cần tái cơ cấu để thích ứng

Mặc dù đã có bước khởi sắc, xuất khẩu thủy sản nước ta vẫn đang đối mặt với tình trạng nhu cầu tiêu thụ sụt giảm và các rào cản thương mại.

Thời gian qua, các bộ ngành và các địa phương đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản của vùng ĐBSCL, nhưng 2 ngành này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài các vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, hạn hán, xâm nhập mặn,... thì sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường xuất khẩu, các rào cản kỹ thuật đang là những mối lo thường trực. Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL năm 2013”. Tại hội nghị này, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, tìm nguyên nhân, đề ra giải pháp trước mắt và lâu dài đưa ngành lúa gạo, thủy sản phát triển ổn định và bền vững.

* Thị trường tiêu thụ - Đối mặt khó khăn

Theo báo cáo của Bộ Công thương, 6 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu nông, thủy sản đặc biệt là gạo và cá tra tiếp tục đà giảm sút. Quý I/2013, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản giảm 5,4% so với cùng kỳ 2012. Trong đó, gạo giảm 5,6%, thủy sản giảm 5,9%. Sang quý II/2013, tình hình tiêu thụ các mặt hàng thủy sản có bước khởi sắc, nên kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua đạt mức tương đương so với cùng kỳ năm 2012. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 2,86 tỉ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2012. Thời gian tới, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm trên toàn cầu, các rào cản kỹ thuật ngày càng nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do khó tìm kiếm đơn đặt hàng, chi phí sản xuất tăng cao…”.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo 6 tháng qua tăng về sản lượng nhưng lại giảm về giá trị. Tính đến cuối tháng 6-2013, nước ta xuất khẩu trên 3,48 triệu tấn gạo, trị giá FOB đạt 1,504 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2012, tăng 2,55% về số lượng, giảm 2,04% về trị giá FOB. Hiện nay, vùng ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ rất lớn, trong khi gạo của Việt Nam hiện đang bị các nhà nhập khẩu ép giá. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định: “Tồn kho của doanh nghiệp hiện khoảng 1,66 triệu tấn, cộng với lượng gạo hàng hóa vụ hè thu (dự kiến khoảng 3,1 triệu tấn). Như vậy, lượng gạo cần tiêu thụ khoảng 4,76 triệu tấn. Với tình hình thị trường gạo và giá xuất khẩu gạo như hiện nay tiếp tục gây áp lực đối với giá lúa ở thị trường nội địa”.

Ngoài những tác động khách quan từ thị trường thế giới, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vùng còn chịu hệ lụy từ việc cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp trong nước. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bức xúc: “Ở lĩnh vực thủy sản, chúng ta gần như không có đối thủ nhưng do cạnh tranh không lành mạnh, vì lợi nhuận nhất thời, các doanh nghiệp tự hạ giá dẫn đến tình trạng tự triệt tiêu lẫn nhau như hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẩy ngành hàng được xem là lợi thế này phải rơi vào cảnh lao đao”. Không chỉ khó khăn về thị trường tiêu thụ, sản xuất lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL đang phải chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn,…

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Trung An,
quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

* Tập trung tái cơ cấu

Trước những khó khăn vừa nêu, tại Hội nghị “Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng ĐBSCL năm 2013”, các địa phương vùng ĐBSCL tập trung đề xuất nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp.  Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhấn mạnh: “Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị muốn thành công, địa phương phải đóng vai trò chủ đạo. Vấn đề đặt ra là liên kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp, liên kết vùng phải được củng cố theo hướng tự điều chỉnh một cách linh hoạt. Chẳng hạn, ở lĩnh vực thủy sản, mỗi địa phương cần thắt chặt hơn mối liên kết với doanh nghiệp để định hướng nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường. Các tỉnh, thành trong vùng cũng cần “bắt tay” nhau để điều chỉnh sản lượng, tránh tình trạng cung vượt cầu. Trên cây lúa, mô hình “Cánh đồng lớn” là phương thức sản xuất tiên tiến cần nhân rộng nhưng phải đề ra tiêu chí rõ ràng, tránh tình trạng nhân rộng một cách vô tội vạ.”. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất là một trong yếu tố quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là giải pháp mấu chốt để nông dân giảm chi phí sản xuất, chủ động ứng phó trong trường hợp thị trường tiêu thụ gặp khó khăn… 

Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan sớm đề ra các cơ chế đặc thù và đầu tư xứng đáng để vùng ĐBSCL phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có. Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, vấn đề hỗ trợ vốn đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất lúa, thủy sản là yêu cầu cấp thiết. Bởi đây là giải pháp căn cơ giúp ĐBSCL chủ động dịch chuyển cơ cấu mùa vụ và ứng phó với tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp. Một số ý kiến cho rằng để ngành sản xuất lúa gạo, thủy sản phát triển ổn định, các bộ ngành hữu quan cần quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hỗ trợ lãi suất để mua máy móc phục vụ cơ giới hóa đồng bộ; đề ra các chương trình, dự án về giống, tập huấn để nông dân từng bước làm quen với sản xuất theo quy trình GAP…

Theo dự báo của các chuyên gia đầu ngành, thị trường tiêu thụ lúa gạo 6 tháng cuối năm sẽ có sự chuyển biến tích cực về sản lượng, nhưng giá lúa khó tăng cao. Tình hình xuất khẩu thủy sản có bước khởi sắc, song vẫn phải đối mặt với các rào cản thương mại.  Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Trước mắt, ngành công thương, các bộ, ngành hữu quan, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tiêu thụ, tạm trữ lúa gạo. Song song đó, Bộ Công thương và các bên có liên quan phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động đàm phán nhằm từng bước tháo gỡ các rào cản thương mại; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, theo dõi sát diễn biến thị trường kịp thời thông tin và đề ra giải pháp phù hợp; tranh thủ cơ hội ký kết các hợp đồng mới…”. Về phía Bộ NN&PTNT, tăng cường hỗ trợ giống cho nông dân chuyển đổi lúa sang hoa màu; bổ sung vốn để đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, hệ thống kho bãi, nhà xưởng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa, thủy sản của vùng…”.

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo: “Thời gian tới, từ cấp Trung ương đến địa phương tiếp tục bám sát mục tiêu tái cơ cấu sản xuất gắn với việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho nông dân và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Giải pháp trước mắt là thực hiện tốt đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ hè thu 2013; tập trung tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu thủy sản. Về lâu dài, các bộ, ngành hữu quan tiếp tục xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn; xem xét thí điểm thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ giống cho nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện từng vùng... Các địa phương tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất… nhằm giúp nông dân tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận; từng bước hình thành tư duy sản xuất mới. Đây là giải pháp căn cơ đưa ngành lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL phát triển toàn diện và bền vững…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết