07/05/2010 - 08:31

Phiên họp 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12:

Cần sửa đổi Nghị quyết của Quốc hội về triển khai các dự án, công trình quan trọng quốc gia

* Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri huyện Cờ Đỏ

(TTXVN-CT)- Ngày 6-5, mở đầu phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (CSTTQG) và việc bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản là hai nội dung được các ủy viên UBTVQH quan tâm cho ý kiến.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) nêu rõ: Nhiều ý kiến đề nghị cần phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, NHNN trong việc quyết định thực hiện CSTTQG phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ. Luật cần quy định thẩm quyền của Quốc hội sao cho vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp là “Quốc hội quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia”, phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quốc hội đồng thời bảo đảm tính chủ động của Chính phủ và NHNN trong điều hành CSTTQG.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba đồng tình: Nếu Quốc hội chỉ quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát hàng năm sẽ không phù hợp với việc quy định về thẩm quyền Quốc hội là quyết định các chỉ tiêu kinh tế, xã hội hàng năm do định hướng là một khái niệm rất chung. Mặt khác, lạm phát là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng, cần phải được xác định cụ thể. Do vậy, đề nghị cần quy định Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm và giám sát việc thực hiện CSTTQG.

Liên quan đến vấn đề lãi suất cơ bản, theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), hiện có 2 loại ý kiến: Thứ nhất, không quy định về lãi suất cơ bản, NHNN sẽ thực hiện điều hành thị trường tiền tệ bằng các công cụ chính sách như: lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn... Các tổ chức tín dụng ( TCTD ) sẽ thực hiện chính sách lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường. Khi có diễn biến bất thường trên thị trường tiền tệ, NHNN sẽ can thiệp bằng cách quy định lãi suất cụ thể để cho các TCTD thực hiện. Thứ hai, cần tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để bảo đảm nguyên tắc Nhà nước quản lý đối với thị trường tiền tệ và làm cơ sở cho việc thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác.

Theo dự thảo, khái niệm lãi suất cơ bản từ chỗ “do NHNN công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh” đã được sửa lại: “bao gồm lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự”. Như vậy, trong cùng một thời điểm, trên thị trường có thể song song tồn tại hai “lãi suất cơ bản”. Một số ý kiến cho rằng, lãi suất cơ bản là vấn đề quan trọng, nếu xóa bỏ, có thể dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay gây rối loạn thị trường, đẩy người dân và doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao. Bên cạnh đó, không kiểm soát được tình trạng cho vay lãi nặng của các tổ chức tín dụng và vay lãi nặng trong dân cư. Mặt khác, thiếu thống nhất, mâu thuẫn với quy định trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần làm rõ thêm về “lãi suất cơ bản”; nếu cần thiết sẽ mạnh dạn xóa bỏ, nếu thật sự không có vai trò trong thực tế, không nên sửa đổi một cách nửa vời. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần hiểu đúng và thực chất về lãi suất cơ bản, không phải chỉ có 1 loại và 1 mức.

Các ủy viên UBTVQH cũng đã cho ý kiến vào 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bao gồm: Giới hạn sở hữu cổ phần; việc cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác; quy định việc cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu.

* Chiều 6-5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 31, cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 66). Sau khi ra đời, Nghị quyết 66 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và giám sát việc thực hiện các công trình quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, do kinh tế xã hội phát triển vì vậy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 66 cho phù hợp với tình hình thực tiễn và để đồng bộ với hệ thống pháp luật về đầu tư sử dụng vốn nhà nước đang được hoàn thiện.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào một số vấn đề chưa thống nhất như ban hành 1 Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 66 hay hai Nghị quyết riêng cho các dự án, công trình đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; Tiêu chí về các dự án, công trình quan trọng quốc gia...

Theo Tờ trình của Chính phủ, có 5 tiêu chí xác định các dự án, công trình quan trọng quốc gia bao gồm: Quy mô tổng vốn đầu tư từ 35 nghìn tỉ đồng trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở nên trên tổng vốn đầu tư; Dự án công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ 20 nghìn người trở lên ở miền núi, từ 50 nghìn người trở lên ở các vùng khác; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh hoặc di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng và dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về 5 tiêu chí trên, nhưng chưa đồng thuận về một số nội dung cụ thể quy định về tổng vốn đầu tư, các quy định về dự án, công trình có ảnh hưởng đến môi trường...

* Ngày 6-5-2010, ông Lê Văn Tâm, Ủy viên Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội, Bí thư Huyện ủy Thới Lai và bà Bùi Thị Lệ Phi, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố đã tiếp xúc cử tri tại hai xã Thới Đông và Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XII.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các Đại biểu Quốc hội đã thông báo các nội dung dự kiến được Quốc hội thảo luận, quyết nghị thông qua tại kỳ họp, hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ giữa 2 kỳ họp và lắng nghe ý kiến đóng góp, phản ánh của các cử tri. Nhiều cử tri phản ánh tình hình giá cả hàng nông sản không ổn định, kết cấu hạ tầng nông thôn nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ, thành phố cần tăng cường đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch; đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; có giải pháp khắc phục tình trạng “trúng mùa, mất giá”; kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng,... Nhiều cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, TP cần tiếp tục có những chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị nông nghiệp, như: máy gặp đập liên hợp, máy bơm nước, lò sấy lúa, sân phơi,... giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao đời sống. Các Đại biểu Quốc hội tiếp thu các ý kiến của cử tri, hứa sẽ chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

THANH HÒA-XUÂN KHU-QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết