15/04/2020 - 07:17

Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ

Cần sự hợp tác của doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác 

Cùng với cả nước, từ ngày 1-4-2020, TP Cần Thơ triển khai Điều tra doanh nghiệp (DN) năm 2020. Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng về cuộc điều tra lần này:

- Cuộc điều tra DN năm 2020 thực hiện nhằm thu thập các thông tin cơ bản phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển DN của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các DN, hợp tác xã (gọi chung là DN). Kết quả của cuộc điều tra phục vụ tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong báo cáo chính thức hằng năm của ngành Thống kê. Tổng hợp và biên soạn ấn phẩm "Sách trắng DN năm 2021". Đánh giá tình hình về ứng dụng công nghệ trong DN. Cập nhật cơ sở dữ liệu về DN hằng năm, lập dàn mẫu cho các cuộc điều tra thống kê chọn mẫu hằng năm; điều tra thường xuyên và các yêu cầu thống kê khác...

* Với ý nghĩa trên, thành phố đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc điều tra lần này, thưa ông?

- Thành phố đã rà soát danh sách DN chuẩn bị điều tra. Đồng thời, tuyên truyền bằng trailer Điều tra DN 2020 trên Trang Thông tin điện tử của Cục Thống kê và của ngành thuế. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phát hành công văn yêu cầu các DN hợp tác, tự kê khai, cung cấp thông tin trực tuyến (webform) theo địa chỉ https://thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn

Bên cạnh đó, treo băng rôn ở các Khu công nghiệp và khu vực nhiều DN đang sản xuất kinh doanh, chủ yếu ở các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng và Thốt Nốt. Mặt khác, tập huấn cho đội ngũ giám sát viên, điều tra viên các quận/huyện về mục đích, yêu cầu, phương pháp Điều tra DN năm 2020, thực hành thao tác và hướng dẫn DN tự kê khai thông tin trên trang Thống kê DN. Phân quyền theo dõi tình hình điều tra trên trang tác nghiệp của ngành Thống kê, trong đó đã phân quyền cho các điều tra viên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc DN thực hiện.

Hoạt động của một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: T. TRINH

* Cuộc điều tra tập trung vào những đối tượng, nội dung nào, thưa ông?

- Đối tượng điều tra của cuộc Điều tra DN năm 2020 bao gồm: Các DN được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật DN; Hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã/quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các DN được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các Luật chuyên ngành: Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán… hoạt động sản xuất kinh doanh trước thời điểm 1-1-2020 hiện đang hoạt động. Các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc DN.

Nội dung điều tra gồm: Thông tin nhận dạng đơn vị, địa chỉ, loại hình hoạt động; thông tin về lao động, thu nhập; chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, hàng tồn kho, năng lực mới tăng; doanh thu; ứng dụng công nghệ, mức độ tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0... của DN. Có 18 loại phiếu điều tra dành cho các loại hình DN khác nhau.

* Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, có ảnh hưởng gì đến quá trình thực hiện điều tra không, thưa ông?

- Những năm trước đây, Điều tra DN được thực hiện theo hình thức điều tra gián tiếp hoặc trực tiếp bằng phiếu giấy. Theo đó, các điều tra viên liên hệ trực tiếp với DN để thu thập thông tin tại chỗ hoặc gửi phiếu bằng giấy đến để DN trả lời. Năm 2020, Tổng cục Thống kê thay đổi phương án điều tra DN để phù hợp với tình hình mới. Đó là, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích dữ liệu điều tra DN.

Theo đó, khâu điều tra thu thập thông tin được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến, có nghĩa là DN sẽ cung cấp thông tin bằng bảng hỏi điều tra trực tuyến (webform). Điều này tạo ra một số thuận lợi là DN có thể chủ động cung cấp thông tin bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm nguồn lực, thông tin được cập nhật sẽ nhanh hơn. Từ đó, ngành Thống kê có thể xử lý, tổng hợp và công bố sớm kết quả điều tra… góp phần tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19.

Trong điều tra DN các năm trước đây, điều tra viên thường phản ánh về việc rất khó để tiếp cận DN, đặc biệt là chủ DN. Giờ đây, theo phương án điều tra năm 2020, các DN sẽ phải tự điền thông tin khai trên bảng hỏi trực tuyến, đòi hỏi DN phải chủ động và phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin.

* Trường hợp DN cố tình trốn tránh, chây ỳ không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chiếu lệ, không đầy đủ, không chính xác, kịp thời... Vậy, chúng ta đã có chế tài để xử lý những DN này, thưa ông?

  - Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê do Chính phủ ban hành ngày 1-7-2016 đã có những quy định cụ thể về vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê. Theo đó, tại Điều 5 Nghị định này đã chỉ rõ: Phạt cảnh cáo đối với hành vi trì hoãn việc thực hiện yêu cầu của điều tra viên thống kê theo quy định của phương án điều tra thống kê. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: nộp chậm phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp đối tượng điều tra tự ghi vào phiếu, biểu điều tra theo hướng dẫn của điều tra viên dưới 5 ngày so với thời hạn quy định của phương án điều tra thống kê; nộp không đủ phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp điều tra gián tiếp so với quy định của phương án điều tra thống kê; ghi không đủ các thông tin có phát sinh vào phiếu, biểu điều tra theo quy định của phương án điều tra thống kê.

Cùng với đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi nộp chậm phiếu, biểu điều tra thống kê theo phương pháp điều tra gián tiếp từ 5 ngày đến dưới 10 ngày so với thời gian quy định của phương án điều tra thống kê. Điều 5 cũng nêu rõ, phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê; khai man hoặc ép buộc người khác khai man thông tin trong điều tra thống kê; không cung cấp trực tuyến nội dung và số liệu điều tra tới thiết bị truy xuất theo yêu cầu của cơ quan tiến hành điều tra hoặc người thực hiện điều tra thống kê do phương án điều tra thống kê quy định.

Nghị định số 95/2016/NĐ-CP cũng quy định rất rõ thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra và thanh tra chuyên ngành thống kê… đối với các vi phạm về quy định trong các hoạt động điều tra thống kê.

* Đến nay, Điều tra DN năm 2020 trên địa bàn thành phố đã triển khai ra sao, thưa ông?

- Theo lộ trình đề ra, thời gian thu thập thông tin được triển khai từ ngày 1-4 đến ngày 30-5-2020. Thời gian nhập tin, xử lý và nghiệm thu số liệu thực hiện từ ngày 1-6 đến ngày 31-7-2020, gồm các công việc: Cục Thống kê cấp tỉnh triển khai chỉnh lý, đánh mã, kiểm tra, làm sạch, xử lý số liệu và nghiệm thu cấp huyện; gửi báo cáo giải trình về Tổng cục Thống kê trước ngày 30-6-2020.

Đến nay, cuộc điều tra này đang ở bước phân công DN cho các điều tra viên theo dõi, đôn đốc, tiến độ điều tra chưa được đẩy nhanh. Hiện nay, các quận/huyện và điều tra viên đang tiến hành thông tin đến DN cách thức ghi phiếu, điền thông tin vào phiếu điều tra. Ngành thống kê thành phố nỗ lực để hoạt động điều tra được thực hiện trung thực, chính xác, khách quan và đảm bảo tiến độ đề ra...

*  Xin cảm ơn ông!

TUYẾT TRINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết