27/10/2010 - 09:45

KỲ HỌP THỨ 8 QUỐC HỘI KHÓA XII:

Cần quy định cụ thể hơn về chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài đối với viên chức

* Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm

(TTXVN)- Sáng 26-10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật viên chức.

Cơ bản đồng tình với phần lớn nội dung quy định trong dự thảo Luật, song các đại biểu cũng cho rằng dự thảo còn nhiều điểm chung chung, nhiều chi tiết chưa hợp lý, từ phạm vi điều chỉnh đến thời gian làm việc đối với viên chức, tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức... Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận: Luật còn nhiều điểm không ổn, chưa cụ thể, còn nhiều điều giao cho Chính phủ, khái niệm viên chức chưa rõ ràng, nhiều điều Luật cần quy định cụ thể hơn để đưa vào cuộc sống cho phù hợp.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cùng một số đại biểu cho rằng theo dự thảo Luật, chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, mà không điều chỉnh đối với những người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thì không nên “ôm” cả cụm từ viên chức trong một Luật này, để tránh trường hợp sau này tách Luật, lại chỉnh sửa cả hai Luật.

Các đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Đặng Như Lợi (Cà Mau) đề nghị đổi tên thành Luật viên chức công hoặc Luật viên chức sự nghiệp công lập.

Liên quan đến quy định về đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu tổ chức, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh: Luật phải dành một chương riêng quy định về đơn vị sự nghiệp công là gì, địa vị pháp lý ra sao. Đơn vị sự nghiệp công chưa có đạo luật nào chế định định chế này nên Luật phải dành một chương quy định về đơn vị sự nghiệp công và chế định bản chất pháp lý, địa vị của nó trong hệ thống như thế nào. Theo đại biểu, Điều 10 quy định 4 khoản về chính sách xây dựng và phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập và đội ngũ viên chức là chưa được kỹ càng. Điều 9 của dự thảo Luật cần làm rõ tính chất tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên tính chất công vụ, dịch vụ của nhà nước cung cấp hay dựa trên sự phân biệt về thu nhập? “Không có khái niệm tự chủ hoàn toàn về kinh phí và thực hiện nhiệm vụ bởi vẫn có sự đầu tư và quản lý của Nhà nước, do vậy chỉ có thể tự chủ ở nguồn thu và kinh phí hoạt động thường xuyên” - đây là ý kiến của đại biểu Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh). Còn đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng cần định nghĩa rõ ràng khái niệm tự chủ để thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, quy mô và tầm quan trọng của các đơn vị sự nghiệp công khác nhau, cần phân loại về quy mô để đảm bảo ứng xử trong xã hội về vấn đề tự chủ.

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm là việc thực hiện nguyên tắc kết hợp giữa chức danh nghề nghiệp với vị trí việc làm, chuyển từ cơ chế trả lương theo ngạch, bậc sang trả lương căn cứ vào vị trí việc làm. Các đại biểu cho rằng việc thay đổi cách trả lương theo vị trí việc làm có ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ viên chức, cần cân nhắc kỹ, bởi trả lương theo việc làm sẽ gây rỗng rất lớn trong đội ngũ viên chức.

Bên cạnh đó, Điều 21, 22 dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài sao cho xứng đáng với tài năng của viên chức, tránh chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Minh Thuyết cùng chung nhìn nhận Điều 37 quy định về biệt phái viên chức còn chung chung, chưa thể hiện sau khi đi biệt phái sẽ được hưởng quyền lợi như thế nào bởi khi đi biệt phái, vị trí làm cũ đã có người thay thế. Đại biểu Thuyết đề xuất: phải có quy định bảo vệ quyền lợi cho người được biệt phái không thấp hơn vị trí việc làm cũ, nếu không sẽ không ai muốn đi biệt phái.

Các đại biểu cũng đóng góp cho các quy định về kéo dài thời gian làm việc với các nhà nghiên cứu khoa học có học hàm, học vị cao, với nữ giới; cân nhắc quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc (Điều 29) sao cho đảm bảo tính công bằng giữa viên chức và công chức, phù hợp với tính chất nhân đạo của Nhà nước ta nhưng cũng tránh được việc lạm dụng không làm việc vẫn hưởng lương từ ngân sách...

* Chiều 26-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, tập trung vào các nội dung như trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, quy định về hình thức doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới...

Luật kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9-12-2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4-2001 là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Về cơ bản, các quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành là phù hợp với các yêu cầu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô và loại hình doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm bình quân tăng 27%/năm và tính đến hết năm 2009 đã tái vốn đầu tư trở lại cho nền kinh tế tăng 13 lần so với năm 2000.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm lần này dựa trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành và xuất phát từ những nhu cầu bức xúc trong thực tế hoạt động. Các nội dung sửa đổi, bổ sung được chuẩn bị kỹ, đã tiếp thu ý kiến của các đối tượng có liên quan, nhất là các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Phạm vi và các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 nhóm vấn đề, liên quan đến 10 nội dung tại 16 điều trong tổng số 129 điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Đó là: sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; sửa đổi để phù hợp với các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ổn định và bền vững. Các nội dung sửa đổi, bổ sung để thực hiện cam kết của Việt Nam gia nhập WTO, bao gồm về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, về phân loại nghiệp vụ bảo hiểm, về tái bảo hiểm bắt buộc. Các nội dung sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các luật có liên quan, bao gồm sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp, về các vấn đề liên quan đến đấu thầu, hợp tác và cạnh tranh. Các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước bao gồm điều kiện cấp phép, đại lý bảo hiểm, chức năng quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm. Chính phủ đề nghị Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1-7-2011.

Các đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp), Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam), Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật là cần thiết để phù hợp với cam kết Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ổn định và bền vững. Các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu đưa ra quy định nhằm khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm trong nước và cho phép mở rộng hơn nữa các loại hình bảo hiểm.

Cho ý kiến vào nội dung trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, các đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Phạm Thị Loan (Hà Nội) và nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình và cho rằng việc trích lập quỹ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm bởi thực tế hiện nay, người tham gia bảo hiểm chưa được bảo vệ thỏa đáng. Một số đại biểu tán thành việc thành lập quỹ nhưng bày tỏ băn khoăn và đặt câu hỏi: cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý quỹ trên?... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến phản đối việc thành lập quỹ, vì cho rằng không cần thiết và không thực tế. Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (thành phố Cần Thơ) khẳng định quan điểm không đồng ý trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, bởi khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ bị phá sản, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng quyền lợi theo Luật phá sản. Ngoài ra, việc kiểm soát quản lý, chi quỹ cũng rất khó minh bạch, công khai...

Các đại biểu góp ý vào vấn đề sửa đổi quy định về hình thức doanh nghiệp quy định tại điều 59 dự thảo Luật đề nghị bổ sung thêm quy định về loại hình kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp hiện hành. Đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) cho rằng dự thảo Luật còn thiếu quy định về Hợp tác xã kinh doanh bảo hiểm, vì đây là loại hình rất phù hợp và mang lại hiệu quả cao ở nhiều nước phát triển. Trên thực tế ở nước ta đã có những hợp tác xã đã làm hoạt động bảo hiểm cho nông dân, có tác dụng thiết thực với nông dân.

Vấn đề cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các đại biểu, nhưng cũng bày tỏ lo ngại khi mở cửa thị trường bảo hiểm, thông qua cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, khiến doanh nghiệp trong nước bị “lép vế” trước doanh nghiệp nước ngoài. Các đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp), Phạm Thị Loan (Hà Nội) tán thành việc cho phép cung cấp loại dịch vụ này cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cho rằng điều này phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và phù hợp xu hướng phát triển thị trường bảo hiểm thế giới. Đại biểu Ngô Quang Xuân nhận định, không nên quá lo lắng về việc mất thị trường, vì Nhà nước đã có biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng bắt đầu lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài...

Chia sẻ bài viết