05/04/2015 - 16:11

Cần quản trị tốt tài nguyên nước vùng ĐBSCL

Mới đây, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với các chuyên gia Hà Lan tổ chức Hội thảo "Xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước dưới đất và sụt lún đất". Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương vùng ĐBSCL xác định các vấn đề có liên quan đến công tác quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Đồng thời, nêu bật mối tương quan giữa khai thác nước ngầm, sụt lún đất, mặn hóa và tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp tại ĐBSCL.

Hiểm họa khôn lường

Hiện nay khoảng 85% lượng nước cung cấp cho sinh hoạt kể cả ở nông thôn và thành thị của Việt Nam đều phụ thuộc vào nguồn nước ngầm. Đây là nguồn tài nguyên miễn phí nên nhiều giếng cá nhân, tập thể được khoan và hầu hết không có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý. Ông Triệu Công Danh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Từ năm 1990, người dân Sóc Trăng bắt đầu khai thác nước ngầm để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Ban đầu, việc khai thác rất dễ dàng, người dân chỉ cần dùng bơm tay là có thể bơm nước lên nhưng về sau, nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm. Một số người dân ứng phó bằng cách đào hố và hạ máy bơm xuống thấp dưới lòng đất. Điều này là trái với quy hoạch và quản lý nguồn tài nguyên nước của tỉnh".

Theo các nhà khoa học, khai thác nước ngầm là cần thiết nhưng việc khai thác phải được tiến hành hợp lý và đúng quy định. Đặc biệt là phải bảo đảm thời gian để lượng nước bù đắp lại. Thực tế tại ĐBSCL, do không tuân thủ các yêu cầu trên nên mực nước ngầm ngày càng hạ thấp. Theo Giáo sư Piet Hoekstra, Đại học Utrecht, Hà Lan, tác động chính từ việc khai thác nước ngầm là tình trạng sụt lún mặt đất. Ngoài ra, khai thác nước ngầm tràn lan còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như: cơ sở hạ tầng bị phá hủy, gia tăng rủi ro do lũ, xói lở vùng ven biển, thay đổi dòng chảy trên hệ thống sông, xâm nhập mặn nước mặt và nước dưới đất... Ông Tom Kompier, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cảnh báo: "Hậu quả từ việc khai thác nước ngầm không xảy ra lập tức, cho từng cá nhân riêng lẻ. Nếu khai thác nước ngầm với quy mô lớn, nhất là vùng đô thị sẽ gây sụt lún nghiêm trọng. Mức độ sụt lún có thể lên đến 1-4cm/năm (gấp 10 lần so với nước biển dâng). Với tốc độ này, đến năm 2050, những nơi đang sụt lún có nguy cơ bị nhấn chìm từ 0,4-0,6m".

Khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt tại một hộ dân ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Hiện tại, nguồn nước ngầm được người dân ĐBSCL khai thác và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, ít người biết rằng có mối liên quan mật thiết giữa khai thác nước ngầm, sụt lún đất, mặn hóa và tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. "Từ trước đến nay, các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng được đề cập rất nhiều tại các hội thảo, còn vấn đề sụt lún đất chỉ mới ở giai đoạn "nghe, nói". Trong khi đó, hiểm họa từ sụt lún đất không hề nhỏ. Đặc biệt là khi kết hợp với nước biển dâng" - Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ, phân tích. Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức không những làm suy giảm nguồn tài nguyên nước mà còn tạo ra các dòng chảy ngầm. Một trong số những dòng chảy này thông ra biển gây nên xâm nhập mặn...

Chủ động ứng phó

Những tác hại từ việc khai thác nước ngầm tràn lan đã được giới chuyên môn cảnh báo. Song, việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng này không đơn giản. Đặc biệt tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và nhu cầu sử dùng nguồn nước ngầm ngày càng tăng theo cấp số nhân. Trong khi đó, tại vùng ĐBSCL các thông tin, công trình nghiên cứu về việc khai thác và sử dụng nước ngầm còn rất hạn chế. Ông Triệu Công Danh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Đến nay, Sóc Trăng vẫn chưa có những nghiên cứu chính thức về tình trạng khai thác nước ngầm gây sụt lún đất. Cho nên, chúng tôi cũng không xác định được có hay không hiện tượng sụt lún đất trên địa bàn tỉnh...".

Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục tình trạng lún đất do hạ thấp mực nước ngầm, các địa phương cần điều chỉnh lại hệ thống cung cấp nước ngầm, giảm công suất khai thác ở những nhà máy xảy ra tình trạng lún. Ngành chức năng khoanh vùng những khu vực hạn chế và cấm khai thác nước ngầm. Đồng thời, đề ra giải pháp đồng bộ trong quy hoạch đô thị và hệ thống cấp nước tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Ông Tom Kompier, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, đề xuất: "Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nên sử dụng nước mặt thay vì nước ngầm để tránh những biến đổi thất thường lên tầng địa chất gây sụt lún. Đồng thời, chuyển hướng từ nông nghiệp sử dụng nước ngọt sang các mô hình kinh tế dựa vào nguồn nước lợ hay mặn ở vùng ven biển. Nếu muốn phát triển bền vững, kinh tế ĐBSCL nên thích ứng với tất cả các nguồn nước sẵn có, xem xét tính thực tế, chi phí và khả năng thích ứng với các xu hướng trong tương lai".

Từ những thông tin phản hồi tại hội thảo, Dự án "Rise and fall" (dâng và hạ) đề cập trực tiếp đến vấn đề nước biển dâng và sụt lún đất chính thức được khởi động. Giáo sư Piet Hoekstra, Đại học Utrecht, Hà Lan, cho biết: "Dự án được thực hiện dưới sự phối hợp giữa các chuyên gia, nhà khoa học Hà Lan và Trường Đại học Cần Thơ. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các cá nhân và tổ chức trong việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững nhằm đối phó với vấn đề khai thác quá mức nước dưới đất, sụt lún và xâm nhập mặn. Đồng thời đề xuất phát triển mô hình đồng bằng tổng hợp thông qua kết quả từ 4 hợp phần của Dự án. Mô hình đồng bằng tổng hợp liên kết các mô hình nước mặt, nước dưới đất và địa chất nhằm phân tích mối tương quan giữa việc khai thác nước dưới đất, sụt lún đất và xâm nhập mặn. Như vậy, sự khởi động của Dự án "Rise and fall" mang đến nhiều kỳ vọng cho ĐBSCL và các đồng bằng trên thế giới. Đó là phân phối và cung cấp nguồn nước đủ tiêu chuẩn cho người sử dụng mà không làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây cũng là hướng giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến hệ thống đồng bằng tại nhiều quốc gia.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết