Tuổi thơ của các em - những đứa trẻ mà tôi đã gặp tại Trung tâm Bảo trợ xã hội - người tâm thần (TT BTXH-NTT) TP Cần Thơ - là những chuỗi ngày lang bạt nơi bến xe, vỉa hè, gầm cầu... Nhiều em đã trở thành đối tượng trộm cắp, móc túi, giựt dọc, tranh giành đánh nhau... chỉ vì miếng ăn, vì sự sinh tồn. Tương lai của các em sẽ ra sao? Trước những tệ nạn xã hội đang rình rập, những đứa trẻ này đang cần sự cảm thông sâu sắc và vòng tay che chở của cộng đồng.
Đánh mất tuổi thơ
Nơi ăn ngủ, nghỉ của 17 trẻ em lang thang, cơ nhỡ là căn phòng chỉ khoảng 30m2 nằm ở góc trái của TT BTXH-NTT TP Cần Thơ. Ngoài giờ học tập, lao động, các em lại trở về với căn phòng này. Khi chúng tôi đến thăm, các em đã xếp hàng ngồi theo thứ tự từ nhỏ đến lớn thật ngay ngắn để đón khách. Với vẻ mặt và vóc dáng gầy nhom, nước da sạm nắng làm cho các em có vẻ già hơn so với độ tuổi từ 10 đến 17 của mình. Nhưng dường như ẩn sâu trong tâm hồn mỗi đứa trẻ này vẫn cháy lên một khát vọng rất bình thường. Đó là tình yêu thương. Bởi tuổi thơ của mỗi em đều gắn với một câu chuyện buồn, với sự đấu tranh khốc liệt bên đường phố cho sự sinh tồn của bản thân.
Được mệnh danh là “đại ca” trong số những đứa trẻ này là em Lê Văn Trung, biệt danh là “chuột”, chỉ mới 13 tuổi. Trung có thân hình gầy nhom, nhỏ thó, nước da rám nắng của những ngày đi “bụi” vẫn còn. Dù là một trong những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất tại đây nhưng với bản tính ngỗ nghịch, quậy phá, dữ dằn của một đứa trẻ “bụi đời” đã làm nên danh “đại ca” cho Trung ngay từ những ngày đầu vào trung tâm. Quê Trung ở tận Cà Mau, nhà rất nghèo, sống bằng nghề giăng câu bắt cá. Lúc cha mẹ đi làm, ở nhà hai anh lớn nấu cơm chờ cha mẹ về cả nhà cùng ăn. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi còn lại trong ký ức của cậu bé 13 tuổi này. Sau khi mẹ mất trong một cơn bão lớn, cha của Trung đã đi thêm bước nữa và sống bằng nghề bào khoai mì thuê.
 |
Một buổi học văn hóa vào ban đêm của các em trong TT BTXH-NTT. |
Đang ngồi kể lại hoàn cảnh gia đình, Trung chợt trầm lặng, đưa mắt nhìn xa xăm rồi hạ thấp giọng: “...Đến một hôm, hai anh trai dẫn em lên Cần Thơ chơi. Tối đến, hai anh bảo ngủ đi, sáng thức dậy thì chỉ còn lại mình em... Kể từ đó, em phải sống không có ai thân thích hết. Ban ngày, em “làm ăn” ở bến xe, tối đến em thường xuống Bến Ninh Kiều để ngủ. Nhiều khi nhìn mấy đứa bằng tuổi em có cha mẹ đưa đi chơi, em thấy ganh tỵ với chúng lắm. Giờ em rất muốn về nhà... muốn đi làm để kiếm tiền một cách chân chính như cha vậy... nhưng em cũng chẳng còn biết đường để về nhà nữa”. Tôi hỏi: “Khi ra khỏi trung tâm em muốn làm nghề gì?”. “Em muốn đi bào khoai mì mướn như cha em vậy” - Trung trả lời thật ngây thơ.
Có lẽ hiền lành, ngoan ngoãn nhất trong nhóm trẻ này là Nguyễn Hoàng Giang, 15 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu. Trông gương mặt sáng kháu khỉnh, Giang là con thứ 4 trong một gia đình có 6 người con. Theo cảm nhận của cậu bé, cha mẹ không bao giờ dành tình cảm cho mình, lại thường xuyên bị cha đánh đập nên thỉnh thoảng bỏ nhà đi bụi 2-3 ngày mới trở về nhà. Giang buồn bã kể lại: “Nhiều lần bị cha đánh đập, chịu hết nổi đòn roi nên em đã bỏ nhà lên Cần Thơ và kết bạn với Tâm đầu bự ở Bến xe, cũng sống bụi đời như em”. Kể từ đó, Giang bắt đầu một cuộc sống lang thang đầu đường xó chợ, khổ nhất là lúc đối mặt với bọn “đàn anh” trong giới giang hồ.
Ban ngày, Giang đi lượm ve chai, đêm về ngủ ở Trung tâm thương mại Cái Khế. Nhiều lúc, bị bọn đàn anh giựt lấy hết đồ, cậu bé phải lắp đầy cái bao tử bằng hủ tiếu gõ và những ổ bánh mì mà người ta bỏ lại. Lắm khi hết tiền, Giang đi trộm cắp vặt để rồi bị công an bắt. Giang được lực lượng công an đưa về đây đã 3 năm qua. Hiện tại, TT BTXH-NTT đã liên hệ với gia đình Giang nhưng họ không chịu nhận con về. Giang bộc bạch: “Em cũng không còn muốn về nhà nữa. Em có nguyện vọng ở lại đây để giúp các cô các chú của trung tâm. Ở đây, em còn được mấy cô chú quan tâm, thương yêu”.
Có hoàn cảnh tương tự như Giang và Trung, những đứa trẻ khác trong nhóm này như: Dương Chí Tâm, Thạch Văn Diễn... cũng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha mẹ, bị cha mẹ thường xuyên đánh đập, bị gia đình bỏ rơi... Chúng bị quăng ra xã hội trong độ tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” nên tồn tại bằng những ngày rong ruổi khắp các xó xỉnh ở chợ, bến xe, quán xá... để xin ăn, nhặt ve chai, móc túi, trộm vặt. Lắm lúc còn bị những đứa trẻ bụi đời lớn hơn đánh đập, lấy hết đồ đạc...
Đâu là “điểm tựa” cho trẻ?
Theo những cán bộ tại TT BTXH-NTT, phần lớn những đứa trẻ này lúc đầu đều không muốn nói thật về hoàn cảnh gia đình, thậm chí còn khai man lý lịch, có em còn không nhớ rõ họ tên mình. Các em đều do công an địa phương dẫn về trong lúc đi tuần và đưa tới trung tâm. Đầu năm 2008, trung tâm có hơn 20 trẻ nhưng một số em đã được gia đình nhận về. Điều đáng buồn là 17 em còn lại hiện nay đều bị gia đình từ chối nhận về hoặc chưa tìm được gia đình. Và tương lai phía trước của các em còn quá mờ mịt...
Đối với những trẻ không có cơ hội để quay về với gia đình, trung tâm sẽ xóa mù chữ và dạy nghề để các em có thể tự nuôi sống mình một cách chân chính trước khi rời khỏi trung tâm. Bên cạnh đó, trung tâm cũng cố gắng liên hệ với các tổ chức để tìm, giúp các em sớm trở về với gia đình của mình. Ông Lê Trọng Hùng, Quyền Giám đốc TT BTXH-NTT TP Cần Thơ, nói: “Các em sống ở đây vừa thiếu thốn tình thương gia đình, vừa thiếu thốn về vật chất. Điều chúng tôi lo ngại nhất là khi cho các em ra khỏi trung tâm sẽ bị bọn xấu lợi dụng, lại sa vào các tệ nạn xã hội. Mặt khác, những trẻ có quá khứ không tốt thường nghĩ người khác hay hà khắc với mình nên chúng luôn có phản ứng tự vệ và rất khó giáo dục, uốn nắn. Để giáo dục được các em, trước hết cần phải quan tâm chăm sóc, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng để các em tìm được niềm tin, chỗ dựa tinh thần cho mình”.
***
Ở độ tuổi vẫn rất cần sự bảo bọc của gia đình, các em đã phải sống lăn lóc bên lề xã hội. Tuổi thơ của các em không êm đềm, đầm ấm như bao trẻ em bình thường khác mà chất đầy những tủi cực, đói rét nơi đầu đường, xó chợ. Rồi đây, khi bước khỏi cổng TT BTXH-NTT, tương lai của các em sẽ ra sao? Những trái tim, tâm hồn còn non trẻ của các em đang rất cần sự chăm sóc của gia đình, sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng...
Bài, ảnh: MINH HOÀNG