25/08/2008 - 07:54

Cần hơn 36.000 tỉ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

* ĐBSCL: 28 cảng hàng hóa và hành khách được điều chỉnh, bổ sung

(CT)- Bộ Giao thông - Vận tải vừa ban hành Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT về việc Phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể Phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020.

Việc điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý, có khả năng cạnh tranh cao; mở một số tuyến vận tải mới như tuyến ven biển, tuyến quốc tế, tuyến chuyên container, lash; phát triển đội tàu vận tải theo hướng trẻ hóa, cơ cấu hợp lý (tàu kéo đẩy 30-35%; tàu tự hành 65-70%); tổng trọng tải đội tàu là 12 triệu tấn. Về kết cấu hạ tầng, tăng chiều dài đường thủy nội địa được quản lý và khai thác vận tải; đảm bảo đồng cấp trên một số luồng tuyến chính; hiện đại hóa hệ thống báo hiệu; kênh hóa các đoạn sông qua các đô thị lớn. Hiện đại hóa một số cảng đầu mối, cảng chính ở các vùng kinh tế trọng điểm, cảng chuyên dùng; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng địa phương; xây dựng một số cảng khách, bến khách. Phát triển các cơ sở công nghiệp đóng tàu tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ và ĐBSCL, đảm bảo đóng mới và sửa chữa được tất cả các loại phương tiện vận tải thủy nội địa... Ước toán tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đến năm 2010 và 2011-2020 là 36.780 tỉ đồng

Theo Quyết định này, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa đến 2020 đạt bình quân 6,73-7,02%/năm về tấn và 7,02-9,6%/năm về T.km; 6,93-8,32%/năm về khách và 8,3-11%/năm về HK/km. Đến năm 2020, có 7 cảng cảng hàng hóa sẽ được điều chỉnh và 66 cảng được bổ sung (trong đó, có 11 cảng được xây mới); có 2 cảng cảng hành khách được điều chỉnh và 19 cảng được bổ sung. Trong số này ĐBSCL có 14 cảng hàng hóa (5 cảng được xây mới) và 14 cảng hành khách.

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết